ADB cam kết giúp Việt Nam phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/8/2012 | 1:49:39 PM
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Việt Nam đã thống nhất một chiến lược đối tác quốc gia (CPS) trong bốn năm tới tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng hài hòa, nâng cao hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững.
Theo thông tin của ADB ngày 9/8, chiến lược mới sẽ tập trung hỗ trợ cho 6 lĩnh vực trọng tâm là nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên; giáo dục; năng lượng; tài chính; giao thông vận tải; cấp nước và các cơ sở hạ tầng đô thị khác.
Chiến lược mới sẽ tiếp tục hỗ trợ những cải cách thể chế và chính sách bao gồm cải cách các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy tăng trưởng hài hòa thông qua hướng mục tiêu đến các khu vực khó khăn, và tăng cường năng lực của chính phủ trong việc giải quyết các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu. Hỗ trợ của ADB cho cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn, và giáo dục sẽ giúp cải thiện các cơ hội kinh tế và tiếp cận các dịch vụ của người nghèo.
Cam kết của ADB trong quản lý khu vực công sẽ hỗ trợ các cải cách về chính sách và thể chế nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế và cải thiện các dịch vụ xã hội cho người nghèo đồng thời hạn chế những rủi ro do các đột biến từ bên ngoài cũng như nội tại có thể đẩy họ trở lại đói nghèo.
Các con số trong kế hoạch cho thấy tổng giá trị các khoản cho vay giai đoạn 2013-2015 có thể lên tới 2,6 tỉ USD từ các nguồn vốn vay thông thường và 1,2 tỉ USD từ vốn ưu đãi của Quỹ Phát triển châu Á. Nguồn vốn cho hỗ trợ kỹ thuật có thể đạt 8 triệu USD mỗi năm.
Phó Chủ tịch ADB, ông Stephen P.Groff, phát biểu: “Việt Nam đã đạt được tăng trưởng nhanh và giảm nghèo đáng ghi nhận trong suốt hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại các nhóm nghèo biệt lập, và trong dài hạn, những hạn chế về cơ cấu vẫn tiếp tục là mối quan ngại”.
Những khoản vay trên, theo ADB, nhằm giúp Việt Nam tiếp tục khắc phục những thách thức nhiều năm nay.
ADB đánh giá, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đầy ấn tượng trong việc giảm nghèo, song sự mất cân đối giữa các vùng vẫn còn tồn tại, với mức độ nghèo cao hơn trong các nhóm dân tộc thiểu số. Người nghèo đặc biệt dễ bị tổn thương bởi suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu. Thích ứng hóa các cơ sở hạ tầng và xây dựng khả năng chống chọi với thiên tai tại các khu vực ven biển và vùng trũng sẽ bảo đảm an toàn cho nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên, và bảo vệ người nghèo.
Nhà tài trợ này ghi nhận, mặc dù Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một cách thành công, bất ổn về lạm phát vẫn là một vấn đề nhức nhối. Năng lực cạnh tranh quốc gia cũng đang bị kìm nén bởi thiếu lao động có tay nghề và cơ sở hạ tầng yếu kém cũng như những rào cản thay đổi cơ cấu bao gồm tính kém hiệu quả trong các doanh nghiệp nhà nước và một hệ thống ngân hàng thiếu chiều sâu.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn đã có trên 1.200 ha lúa bị nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng. Trên diện tích lúa mùa ở vùng cánh đồng Mường Lò, rầy lứa 5 đang gây hại mạnh. Diện tích lúa bị nhiễm rầy nặng và nhiều tập trung ở các xã: Sơn A, Hạnh Sơn, Thanh Lương, Phù Nham…
YBĐT - Tình trạng ngập úng cục bộ do ách tắc dòng chảy ảnh hưởng tới việc canh tác ruộng nước, việc đi lại của người dân đã và đang xảy ra nhiều tháng qua tại thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái). Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chính con người gây ra…
YBĐT - Là huyện miền núi khó khăn nhưng Văn Yên (Yên Bái) có đầy đủ các điều kiện về tự nhiên, xã hội thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư.
YBĐT - Vụ mùa năm 2012, thành phố Yên Bái gieo cấy trên 480 ha lúa. Đến thời điểm này, nông dân thành phố đã gieo cấy được gần 80% diện tích lúa mùa. Tuy nhiên, hiện nay trên các trà lúa mùa sớm đã và đang xuất hiện nạn ốc bươu vàng và cào cào hại lúa khiến người dân lo lắng.