Tích cực hỗ trợ hội viên
- Cập nhật: Thứ tư, 15/8/2012 | 3:12:09 PM
YBĐT - Thực hiện chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, Hội Nông dân thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế… góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Sử dụng đồng vốn vay từ các ngân hàng có hiệu quả, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo.
|
Đồng chí Trần Quốc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết: “Để nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân, chúng tôi đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho hội viên. Nội dung tập trung vào các chỉ thị, nghị quyết của đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ V gắn với tuyên truyền về sức khoẻ sinh sản, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, Luật Giao thông đường bộ…
Hình thức tuyên truyền gắn với các buổi họp của thị trấn, của tổ dân phố”. Đối với thị trấn Nông trường Trần Phú, tổng diện tích tự nhiên là 1.900,6ha thì chỉ có 1.052ha đất canh tác, trong đó là 566,5ha chè, 123ha cam, 54,2ha trồng lúa nước, còn lại trồng các loại cây lâm nghiệp khác. Toàn thị trấn có 1.601 hộ, sản xuất nông - lâm nghiệp là 1.256 hộ, dịch vụ - thương mại 227 hộ, 6 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã; 2 công ty cổ phần…
Từng bước nâng cao đời sống cho hội viên, từ năm 2008 đến nay, Hội đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật huyện tổ chức 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi thú y cho gần 200 hội viên; 15 lớp quản lý và sản xuất chè an toàn cho gần 400 hội viên; tổ chức 25 buổi tập huấn cho 2.450 lượt hội viên về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc cây chè, cây ăn quả, cây lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Qua tập huấn, các hội viên đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy ở 100% diện tích nên năng suất hai vụ đạt 12 tấn/ha/năm; trồng mới và cải tạo 100ha chè bằng các giống LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên; 88ha cây ăn quả trồng chủ yếu là cây cam Đường Canh, cam V2… Hiện nay, trong tổng số 638 hội viên sinh hoạt ở 13 chi hội, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4%, thu nhập bình quân đạt trên 12 triệu đồng/người/năm.
Giúp hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội Nông dân thị trấn đã đứng ra tín chấp với ngân hàng và Quỹ Tín dụng của thị trấn thành lập 13 tổ vay vốn, tạo điều kiện cho 1.493 lượt hội viên vay 3,96 tỷ đồng đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ và cung ứng gần 20 tấn phân bón trả chậm cho hội viên. Sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, nhiều hộ trước đây kinh tế trung bình nay đã có mức thu nhập từ 70 triệu đồng đến 200 triệu đồng/hộ/năm.
Điển hình như gia đình các hội viên: Dương Ngọc Vương, Đoàn Hùng Mạnh - Chi hội 2; Trần Hồng Sơn, Vũ Thành Nhâm - Chi hội 6; Đinh Văn Lương, Trần Thị Hải - Chi hội 7; Nguyễn Trung Kiên, Phạm Văn Hội - Chi hội 8; Cao Xuân Trọng, Bùi Đình Bình, Cao Xuân Hiền - Chi hội 10B…
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2008 đến nay, Hội cùng với các đoàn thể địa phương huy động hàng ngàn ngày công tham gia xây dựng 28 phòng học cho 3 trường của thị trấn; nâng cấp 3,7km đường nhựa, 3km đường bê tông, tham gia kiên cố hoá 8,5km đường giao thông nông thôn…
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Hội đã vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp vào các nguồn quỹ như: Quỹ Chăm sóc người cao tuổi, Quỹ Vì trẻ thơ, Quỹ Vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam… gần 100 triệu đồng. Hiện nay, thị trấn có 82,2% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá và 13 tổ dân phố được công nhận là tổ dân phố văn hoá.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội Nông dân thị trấn Nông trường Trần Phú tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phấn đấu cùng các đoàn thể, chính quyền địa phương đưa mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2017 đạt trên 18 triệu đồng và trở thành địa phương điển hình của huyện Văn Chấn về xây dựng nông thôn mới.
Thạch Phong
Các tin khác
Cơ quan soạn thảo Luật Quản lý thuế đề xuất sửa đổi mức phạt chậm nộp thuế quá 3 tháng lên mức 0,07% một ngày, tương đương 25,5% một năm. Mức phạt cho thời gian dưới 90 ngày vẫn là 0,05% như hiện hành.
Đến ngày 14-8, đã có nhiều tỉnh, thành phố công bố dịch cúm gia cầm, với số gia cầm chết và tiêu hủy lên đến hàng vạn con. Tại tỉnh Hà Tĩnh, dịch đã lan ra 11 xã thuộc 2 huyện Thạch Hà và Cẩm Xuyên, với số gia cầm phải tiêu hủy khoảng 8.000 con.
Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT vừa ban hành, quy định thịt và phụ phẩm sau khi giết mổ chỉ được bán trong vòng tám tiếng. Dù tới 3-9 văn bản này mới có hiệu lực, nhưng do không sát thực tế, nên Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu phải rà soát, chỉnh sửa.
YBĐT - So với nhiều xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Tân Phượng (Lục Yên) không phải là không có điều kiện phát triển kinh tế, tuy nhiên do trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp, không biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn, hàng năm năm vẫn có tới 171 hộ phải cứu đói giáp hạt.