Mậu Đông khuyến khích mô hình kinh tế hộ
- Cập nhật: Thứ năm, 24/1/2013 | 2:34:13 PM
YBĐT - Không ồ ạt đua nhau chạy theo một nghề hoặc cây, con nhất thời, việc kịp thời định hướng, khuyến khích, động viên nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ đã được Đảng ủy, chính quyền xã Mậu Đông làm tốt trên cơ sở thực hiện công bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể của huyện và tỉnh Yên Bái.
Ông Nguyễn An Chiến chăm sóc đàn lợn.
|
Cũng như bao địa phương khác của huyện Văn Yên (Yên Bái), tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã Mậu Đông không có gì nổi trội ngoài kinh tế đồi rừng, mũi nhọn là cây sắn, quế, gỗ rừng trồng. Sự năng động, nhạy bén của người dân trong nắm bắt nhu cầu thị trường và mở mang, phát triển đa dạng các mô hình kinh tế hộ những năm qua đã tạo diện mạo mới cho nông thôn nơi đây.
Đưa chúng tôi đi thăm những mô hình kinh tế được đánh giá là hiệu quả của xã, bà Triệu Thị Hiển - Phó chủ tịch HĐND xã bộc bạch, đời sống của nhân dân xã Mậu Đông giờ đã khá hơn trước nhiều. Khó khăn nhất vẫn là 3 thôn đồng bào dân tộc Dao sinh sống ở vùng trong, giao thông đi lại khó khăn, ruộng nước ít, trình độ canh tác có phần hạn chế hơn nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Ruộng nước của xã ít, chưa đầy 100ha nhưng lại có trên 500ha sắn được quy hoạch trồng ổn định, nằm trong vùng trọng điểm phát triển về cây sắn của huyện. Thuận lợi nữa là có nhà máy chế biến sắn đóng trên địa bàn, nguồn thu từ cây sắn mấy năm trở lại đây đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Một số ngành nghề dịch vụ - thương mại theo đó dần hình thành, phát triển tập trung vào một số thôn khu vực trung tâm xã, Cầu Khai là một trong những thôn phát triển mạnh lĩnh vực này. Số hộ khá ở thôn này chiếm trên 60%, tỷ lệ hộ nghèo hiện thấp nhất xã.
Được biết đến là người năng động, dám nghĩ dám làm, tiên phong phát triển chăn nuôi lợn thịt theo hướng bán công nghiệp, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp chăn nuôi, chế biến nông sản kết hợp phát triển dịch vụ vận tải của gia đình ông Nguyễn An Chiến, thôn Cầu Khai cho hiệu quả tốt.
Theo ông Chiến, làm nông nghiệp chẳng thể tính chuyện làm giàu theo kiểu "phất" lên mà vẫn phải lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi để có tích lũy đầu tư phát triển lớn hơn. Bởi thế, cùng với đầu tư thâm canh tốt 7 sào ruộng nước, 1,4ha sắn, ông Chiến mở thêm cơ sở cung ứng vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, mở lò chế biến sắn và đầu tư trên 700 triệu đồng mua 2 ô tô vận tải phục vụ nhu cầu vận chuyển, chuyên chở nông sản của nhân dân trong và ngoài vùng. Tuy vất vả song đều đều, trừ các khoản chi phí, gia đình ông cũng có nguồn thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh, ông Chiến cho hay, trong điều kiện kinh tế thị trường kém sôi động lại chưa có cây, con gì là thế mạnh thực sự thì phát triển kinh tế ồ ạt theo phong trào sẽ khó bền vì thị trường đầu ra cho hàng nông sản vẫn là một trong những rào cản trong phát triển sản xuất ở nông thôn miền núi. Như gia đình ông, nhận thấy bà con có nhu cầu, cũng có chút tiềm lực kinh tế, mặc dù vẫn phải vay mượn vốn ngân hàng nhưng nghĩ mới mở nghề, tạo thêm việc làm, trước mắt giải quyết việc làm cho lao động trong gia đình và cũng là trải nghiệm để từng bước tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả.
Ở thôn Cầu Khai này, chẳng riêng mình ông Chiến nghĩ vậy. Những người có đầu óc kinh doanh như vợ chồng anh Nguyễn Văn Tài - chị Nguyễn Thị Tám cũng nghĩ thế. Cóp nhặt một, hai trăm đồng bạc lẻ từ mỗi viên gạch pa panh xi măng, ban đầu chỉ giải quyết việc làm cho bản thân và gia đình, hiện nay, cơ sở sản xuất gạch của vợ chồng anh chị đã tạo việc làm ổn định cho một số lao động của địa phương với mức thù lao 150.000 đồng/người/ngày công.
Chị Tám chia sẻ: "Mình vốn nhỏ nên làm nhỏ. Ban đầu nghĩ chỉ sản xuất gạch thôi chứ chưa dám nghĩ đến chuyện đầu tư phương tiện. Nhưng rồi nhận thấy nhu cầu chuyên chở của khách hàng đến mua gạch ngày càng nhiều, đầu tư phương tiện vận tải cỡ lớn không phù hợp với địa hình địa phương nên gia đình mua phương tiện cỡ nhỏ, tiện giao hàng cho những khách mua gần, nhất là các ngõ, xóm, thôn, bản giao thông chưa phát triển. Mấy năm nay, nhu cầu sử dụng gạch pa panh xi măng xây dựng nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, tường rào, vườn, ao chuôm của nhân dân trong vùng tăng, sản phẩm tiêu thụ tốt nên gia đình không mấy khi có hàng tồn, thu nhập của nhân công cũng ổn định và đều hơn. Tính sơ sơ, tổng thu nhập một năm của gia đình khoảng trên dưới 80 triệu đồng, cũng có thêm chút vốn liếng tích lũy để tái đầu tư cho sản xuất".
Không ồ ạt đua nhau chạy theo một nghề hoặc cây, con nhất thời, việc kịp thời định hướng, khuyến khích, động viên nhân dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ đã được Đảng ủy, chính quyền địa phương làm tốt trên cơ sở thực hiện công bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể của tỉnh, huyện. Quan trọng hơn, với sự năng động, nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở Mậu Đông đã tìm được hướng phát triển kinh tế hộ hiệu quả, phù hợp với thực lực kinh tế của gia đình và điều kiện, thế mạnh của địa phương.
Phạm Minh
Các tin khác
YB ĐT - Theo qui định, thuế môn bài phải nộp ngay tháng đầu năm. Triển khai thực hiện quy định này, sau khi hoàn thành công tác lập bộ thuế, hiện các chi cục thuế huyện, thị, thành phố đang khẩn trương thực hiện công tác phát thông báo thuế đến các hộ kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đúng thời gian quy định.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải vừa tổ chức Hội nghị triển khai chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2015.
YBĐT - Vụ đông năm 2012, xã Đông Cuông (Văn Yên) đã triển khai trồng 1 ha cà chua trên đất 2 vụ lúa theo chương trình xây dựng nông thôn mới.
YBĐT - Thời tiết rét đậm, rét hại những ngày qua và dự báo rét sẽ còn tiếp tục kéo dài đã khiến giá lương thực, thực phẩm ở các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái tăng vọt. Dạo qua các chợ Yên Thịnh, Đồng Tâm, Nam Cường, Bách Lẫm... dễ dàng bắt gặp những vẻ mặt đầy lo lắng của những người nội trợ khi giá cả đang "leo thang" từng ngày.