Nghĩa Phúc tập trung phát triển các mô hình sản xuất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/6/2013 | 3:00:55 PM

YBĐT - Những năm qua, xã Nghĩa Phúc , thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã tập trung chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây trồng, vật nuôi, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới... để từng bước giảm nghèo bền vững.

Người dân xã Nghĩa Phúc tham gia kiên cố hóa đường giao thông liên thôn.
Người dân xã Nghĩa Phúc tham gia kiên cố hóa đường giao thông liên thôn.

Đặc thù kinh tế là xã thuần nông, đời sống của 468 hộ dân người Thái, Mường, Kinh, Tày... chủ yếu từ cây lúa và chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Để giúp nhân dân từng bước nâng cao đời sống, Đảng bộ xã đã đề ra nghị quyết tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là các mô hình sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Chính quyền xã kiểm tra toàn bộ đất của 5 thôn, thực hiện đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất bằng các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa. Xã gieo cấy 64,97ha lúa 2 vụ/năm bằng các giống lúa lai, lúa thuần, năng suất đạt trên 12,2 tấn/ha/năm; diện tích ruộng nước vụ 3 được đưa vào trồng 100% giống ngô lai cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, hàng năm, nhân dân đưa vào trồng trên 10ha khoai lang, khoai tây và gần 10ha rau màu các loại.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc cho biết: “Chỉ tính riêng năm 2012 và 5 tháng của năm 2013, chúng tôi đã phối hợp với một số công ty, doanh nghiệp triển khai khá nhiều nội dung đến người dân của các thôn như: triển khai 2 mô hình trồng lúa Chiêm Hương và Séng Cù với 53 hộ ở thôn Ả Hạ, diện tích 5ha; mô hình trồng ớt xuất khẩu cho 12 hộ; trồng tre măng Bát Độ phân tán cho 50 hộ, diện tích 5ha vào đất đồi rừng; mô hình nuôi chim bồ câu...".

Công tác chăn nuôi cũng được chú trọng, xã chỉ đạo Trạm Thú y đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng dịch; không vận chuyển, mua bán gia súc bị bệnh vào địa bàn xã; chủ động tiêm phòng và phun thuốc khử trùng tại khu vực chăn nuôi của các hộ... Do vậy, đàn gia súc, gia cầm thời gian gần đây của xã có bước tăng trưởng khá, đàn trâu, bò 253 con, 1.250 con lợn, 6.500 con gia cầm các loại.

Hiện nay, giá trị thu nhập trên đơn vị đất canh tác của Nghĩa Phúc đạt từ 80 triệu đồng/ha đến 110 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, số hộ có kinh tế khá vẫn thấp, gần 20%; hộ trung bình 60%, còn lại là hộ nghèo và cận nghèo. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, mỗi năm xã giảm 8% hộ nghèo, đưa hộ khá giàu lên 30%.

Nhằm phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, Nghĩa Phúc đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể trong việc giúp hộ nghèo vay vốn qua các hệ thống ngân hàng để phát triển sản xuất; cung ứng phân bón trả chậm, tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Mọi công việc được triển khai trên tinh thần dân chủ, bàn bạc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, xã đã tiến hành họp và triển khai các tiêu chí đến 100% hộ dân qua các buổi họp thôn, xã đã tạo được sự chung sức đồng lòng của người dân tích cực tham gia hưởng ứng. Chỉ tính riêng từ năm 2012 đến nay, xã có 40 hộ hiến đất ruộng diện tích 2.000m2 và 45 hộ hiến đất vườn, rừng diện tích 5.700m2 để mở rộng đường liên thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Nhân dân còn tham gia trên 6.000 ngày công để bê tông hóa mặt đường dài 543m tại Bản Bay, Bản Pưn, Ả Hạ và mở mới 1,8km đường đất thôn Pá Làng...

Đến nay, Nghĩa Phúc đã đạt 4/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gồm: quy hoạch tổng thể xã, hệ thống kênh mương thủy lợi được kiên cố hóa, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và đảm bảo giữ vững an ninh trật tự. Phấn đấu cuối năm 2013, xã đạt thêm 2 tiêu chí về kiên cố hóa đường giao thông liên thôn và trên 85% hệ thống chính trị đoàn thể đạt trong sạch, vững mạnh.

Lãnh đạo phát triển kinh tế gắn với xây dựng Đảng, giữ vững an ninh trật tự được xã Nghĩa Phúc triển khai đồng bộ và hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao, góp phần đưa kinh tế ngày càng phát triển, giúp người dân nâng cao dân trí, cải thiện cuộc sống.

 Cao Phong

Các tin khác
Bà Hoàng Thị Cảnh ở thôn 3 chăn nuôi lợn nái cho thu nhập ổn định.

YBĐT - Là xã vùng cao khó khăn của huyện Văn Yên (Yên Bái) nhưng những năm trở lại đây, nhờ biết phát huy nội lực, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tình hình kinh tế - xã hội ở Phong Dụ Hạ có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần từng năm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Thượng nguồn thủy điện An Khê - Ka Nak tích nước gây ngập đất canh tác của người dân tại thị xã An Khê, đặc biệt vào mùa mưa

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả thực hiện trả lời chất vấn kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

Dự án nhiệt điện Long Phú 1 do Petro Vietnam là chủ đầu tư.

Công ty Tata Power thuộc tập đoàn Tata của Ấn Độ đã giành hợp đồng trị giá 1,8 tỷ USD xây dựng nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng. Để có được hợp đồng này, Tata Power đã phải vượt lên các đối thủ đến từ Hàn Quốc và Nga.

Sau thông tin về những bất cập giá điện tại huyện đảo Phú Quý cao gấp 3 lần giá điện đất liền, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về giá bán lẻ điện tại các huyện đảo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục