Viết câu chuyện mới "trường tư"

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2013 | 9:09:24 AM

YBĐT - Cùng với hệ thống trường công lập, sự hình thành và phát triển những trường ngoài công lập đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội và những khó khăn, bức xúc trong giáo dục hiện nay (thiếu trường, thiếu lớp, quá tải học sinh…).

Các bậc phụ huynh đón trẻ ở Trường Mầm non Lê Quý Đôn.
(Ảnh: Linh Chi)
Các bậc phụ huynh đón trẻ ở Trường Mầm non Lê Quý Đôn. (Ảnh: Linh Chi)

Để hình thành và đưa một ngôi trường ngoài công lập vào hoạt động hiệu quả, chất lượng thực sự là một bài toán khó, cần đến quyết tâm cao, dám nghĩ dám làm của những người cùng chung tay đóng góp tâm huyết, công sức, trí tuệ và tiền bạc trên con đường xã hội hóa giáo dục…

Bài học từ sự thất bại

Xin được bắt đầu từ bài học thất bại của ngôi trường tiểu học mang tên Lê Quý Đôn (thành phố Yên Bái). Rất nhiều người dân thành phố Yên Bái vẫn còn nhớ đến Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (Tiểu học Lê Quý Đôn) - trường tiểu học ngoài công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái, một địa chỉ được hình thành từ tâm huyết, nỗ lực của những người đã gần trọn cuộc đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn (từ năm 2004 đến năm 2012), nhưng Tiểu học Lê Quý Đôn đã giáo dục, nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ cho hàng trăm học sinh, tạo được niềm tin cho các bậc phụ huynh có con em theo học tại nhà trường và đóng góp nhất định vào chất lượng giáo dục toàn diện trong hệ thống trường tiểu học của thành phố Yên Bái.

"Hữu xạ tự nhiên hương", chất lượng dạy và học của Tiểu học Lê Quý Đôn đã tạo được tiếng vang trong thành phố. Có những mùa tuyển sinh phụ huynh chen chúc xếp hàng từ 3 - 4 giờ sáng để nộp hồ sơ xin học cho con, Ban giám hiệu nhà trường "gạt đi không hết hồ sơ dự tuyển".

Năm học đầu tiên, Trường chỉ có một lớp một với sáu học sinh, trong đó có cháu Nguyễn Khánh Linh, gia đình hộ khẩu thường trú ở phường Yên Thịnh nhưng vì tin tưởng, muốn con mình được học tập, chăm sóc, nuôi dưỡng toàn diện, bố mẹ Khánh Linh đã chấp nhận chặng đường đưa - đón không thuận tiện và những lời can ngăn, hoài nghi của người xung quanh về hai chữ "dân lập". Hiện nay, cả 6 em học sinh của lớp một năm ấy đã vào trung học phổ thông, còn Khánh Linh thì đang theo học Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Nhưng thật đáng tiếc, Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn đã phải giải thể trong sự nuối tiếc của biết bao thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh học sinh. Một trong những nguyên nhân chính là do hoạt động kém hiệu quả của bộ máy quản lý, lãnh đạo dẫn đến công tác quản lý tài chính, điều hành các hoạt động chung của nhà trường rơi vào bế tắc.

Bước tiếp trên con đường xã hội hóa giáo dục

Câu chuyện về Tiểu học Lê Quý Đôn đã khép lại. Song những tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, tâm huyết vì thế hệ măng non đã mở ra một câu chuyện mới mang tên Trường Mầm non Lê Quý Đôn (Mầm non Lê Quý Đôn). Năm học 2013 - 2014 là năm học thứ hai, Mầm non Lê Quý Đôn đi vào hoạt động. Hiện nay, nhà trường có tổng số 4 lớp với 127 học sinh, tăng 25 cháu so với năm học 2012 - 2013.

Đây là một trong những ngôi trường có cơ sở vật chất khá khang trang, đầy đủ, không gian dành cho trẻ học tập, vui chơi thoáng đãng, sạch sẽ với 6 phòng học kiên cố được trang bị đủ cơ sở vật chất phục vụ việc dạy, học, sinh hoạt bán trú, 130 chỗ ngồi đúng quy cách, 6 phòng vệ sinh riêng, các phòng học đều lắp điều hòa nhiệt độ, phòng ngủ riêng biệt được trang bị chăn, gối, đệm…

Để gây dựng hình ảnh về một cơ sở nuôi dưỡng, giáo dục mầm non đạt chất lượng trên địa bàn thành phố Yên Bái, những người viết nên câu chuyện mới này đã dũng cảm nhìn thẳng vào bài học thất bại của Tiểu học Lê Quý Đôn, từ đó mạnh dạn thực hiện đổi mới.

Bắt đầu từ chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Nhà trường có 9 giáo viên, 2 cán bộ quản lý, trong đó 5 người có trình độ chuyên môn đại học sư phạm mầm non. Các bé ở Mầm non Lê Quý Đôn được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, tận tình. Nhà trường rất khắt khe trong đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, công khai thực đơn hàng ngày, có sự phối hợp chặt chẽ, thông tin thường xuyên, kịp thời đến các bậc phụ huynh tình hình học tập, sự phát triển của từng cháu.

Một điều đáng trân trọng là trách nhiệm xã hội và tình người ở Mầm non Lê Quý Đôn, năm học này, có 3 cháu thuộc diện hộ nghèo được nhà trường giảm học phí, 1 cháu gia đình có hộ khẩu thường trú tại địa bàn vùng cao đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí học tập, 1 cháu khuyết tật được học hòa nhập tại trường.

Thay lời kết

Cùng với Mầm non Lê Quý Đôn, nhiều trường, lớp tư thục trên địa bàn thành phố Yên Bái đã và đang ngày một hoàn thiện, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, được các bậc phụ huynh tin tưởng, gửi gắm con em mình theo học. Càng ý nghĩa hơn khi nhu cầu của xã hội ngày càng cao, đòi hỏi của các bậc phụ huynh ngày càng khắt khe thì các trường, lớp mầm non tư thục đã góp phần quan trọng giải quyết tốt các vấn đề xã hội và những khó khăn, bức xúc trong giáo dục mầm non (thiếu trường, thiếu lớp, quá tải học sinh…).

Xin được khép lại bài viết này bằng tâm sự của cô giáo Hoàng Thị Mai Hà, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Quý Đôn: "Trường mầm non ngoài công lập không phải chỉ dành riêng cho "con em nhà giàu" như nhiều người vẫn nghĩ. Vì là ngoài công lập, không được ngân sách Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất như công lập nên mức thu học phí cao hơn so với trường công lập là điều tất yếu. Chúng tôi luôn tâm niệm, công tác tại Mầm non Lê Quý Đôn không nghĩ đến hai chữ "làm giàu", bởi điều quan trọng nhất là làm sao cho các cháu khoẻ mạnh, ngoan ngoãn và những nụ cười hồn nhiên trên môi trẻ thơ mới là tài sản quý giá nhất của xã hội…".

Hồng Thanh Tâm

Các tin khác

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá chất lượng học sinh theo chuẩn quốc tế PISA. Một kết quả bất ngờ là Việt Nam đứng ở Top cao, có lĩnh vực còn đạt điểm trên cả những nước phát triển như Australia, Pháp, Anh, Hà Lan.

Bê tông hóa đường giao thông ở thôn Phú Nhuận.

YBĐT - Thôn Phú Nhuận, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) có đông đồng bào công giáo sinh sống. Nơi đây cũng là nơi đặt nhà nguyện của họ giáo Âu Lâu với tổng số 120 hộ, 508 nhân khẩu.

YBĐT - Nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ nhiễm HIV và khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai trên địa bàn, thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV t

Ngày 4-12, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về dân số năm 2013 với chủ đề “Già hóa dân số - những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục