Gánh nặng tục làm chay, cấp sắc

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/12/2013 | 9:12:21 AM

YBĐT - Tục làm chay, cấp sắc là một thủ tục tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tâm linh và mang đậm bản sắc văn hóa trong phong tục, tập quán của đồng bào Dao. Song hiện nay, ở một số địa phương trong tỉnh Yên Bái, tục này đã vô tình trở thành gánh nặng, là nỗi lo ngại cho nhiều bà con đồng bào Dao.

Thủ tục cấp sắc ngoài trời.
Thủ tục cấp sắc ngoài trời.

Làm chay, cấp sắc là một trong những thủ tục về tín ngưỡng tâm linh gồm 2 phần.

Một là phần chay, trong đó các hàng sẽ được con cháu làm chay gồm: bên ngoại là bố, mẹ vợ; bên nội gồm ông bà, bố mẹ, các bác bá, chú thím và các anh chị trên mình.

Hai là phần cấp sắc, đó là một thủ tục không thể thiếu đối với người đàn ông Dao. Cấp sắc đánh dấu việc một người đàn ông Dao đã vượt qua thời trẻ con sang thời người lớn (hay còn gọi là trưởng thành) trong giới âm.

 Song nếu như đám chay, cấp sắc chỉ dừng lại ở mức tùy theo điều kiện kinh tế của từng nhà, tùy theo ý định của từng chủ thể tự do lựa chọn mức độ, không yêu cầu bắt buộc về kinh tế, miễn là đảm bảo về nghi thức, nghi lễ, thể hiện sự thành tâm về lòng hiếu kính với giới âm, các bậc đã sinh thành, che chở, nuôi nấng, đồng thời đó cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu góp phần hoàn thiện thủ tục để linh hồn những người đã khuất được siêu thoát thì đám chay, cấp sắc không chỉ là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu kính, báo đáp ơn huệ, là dịp mời họ hàng nội, ngoại, anh em hàng xóm láng giềng đến gặp gỡ, giao lưu, chúc tụng nhau cùng ôn lại phong tục tâm linh truyền thống mà còn mang tính giáo dục nhân văn về phẩm chất, đạo đức, tôn ti trật tự.

Nhưng hiện nay, tục làm chay, cấp sắc ở một số nơi lại đang trở thành nỗi lo cho nhiều người vì chi phí cho một đám vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.

Theo ông P. ở xã Tân Nguyên (Yên Bình), hiện nay, một đám chay hay cấp sắc tại địa phương ít nhất cũng mất 3 con lợn từ 30kg trở lên và đặt cọc (tiền đưa cho thầy mo) khoảng 30 triệu đồng tiền mặt. Số tiền đặt cọc này còn tăng dần lên theo số người được làm chay và số trẻ được cấp sắc.
Ví dụ, trong một đám đó: làm chay 3 người đã khuất và cấp sắc 2 đứa trẻ thì số tiền đặt cọc sẽ tăng thêm ít nhất là 10 triệu đồng cộng với 5 đùi lợn vì mỗi một người tương đương với 2 triệu đồng và một đùi lợn. Vì vậy, nếu chỉ làm riêng thủ tục chay hoặc thủ tục cấp sắc thì khó có người kham nổi nên thông thường người ta phải gộp cả chay và cấp sắc làm cùng một đám, trong đó còn phải chung chay và cấp sắc cho nhiều thành viên nữa nhưng vẫn không tránh khỏi tốn kém.

Ông T cũng ở xã Tân Nguyên cho biết: “Tôi vừa mới làm chay cho bố và cấp sắc cho con xong, cũng may chỉ chay và cấp sắc cho 2 thành viên nên cũng giảm nhiều so với một số đám cùng thời điểm. Đám nhà tôi, tổng tiền đặt cọc là 34 triệu, lợn mổ 5 con từ 30kg trở lên, tổng chi phí cho đám này hết trên 50 triệu đồng”.

Ông D ở xã Trung Tâm, huyện Lục Yên cũng cho biết: “Ở xã Trung Tâm, năm nay thì không biết vì chưa có người nào mới làm nhưng năm 2012 gia đình tôi làm chay cho các cụ thì tổng tiền mặt gửi thầy hết 24 triệu đồng, chưa kể lợn, gà, chi phí ăn uống, đi lại”.

Nhiều hộ đã nghèo lại càng nghèo khi thực hiện nghĩa vụ của phận làm con cháu với các cụ, trách nhiệm người cha với các con, người anh với các em. Nói như vậy không phải là tất cả nhưng ít nhiều với mức tổng chi phí cho một đám chay, cấp sắc hiện tại trung bình từ 40 triệu đồng trở lên thì đối với những hộ ăn đong từng bữa, dù có tiết kiệm cả nửa đời người cũng không đủ để lo.

Trong khi đó, trách nhiệm của một người đàn ông Dao ít nhất cũng phải làm chay cho 6 thành viên trở lên, cộng thêm cấp sắc các con trai của mình và các em trai nếu đời bố không có điều kiện chưa cấp sắc cho mọi người được. Để làm được, họ phải vay, mượn, đôi khi còn vay nóng, sau đám, nợ nần chồng chất, trả chưa xong nợ đám trước thì lại tiếp tục đến đám sau.

Điển hình như hộ ông M ở xã Tân Nguyên (Yên Bình) là một hộ nghèo, ông M tâm sự: “Năm 2012, tôi làm chay cho ông và kèm cấp sắc cho tất cả mấy anh em trai trong nhà. Tổng số tiền đặt cọc là 36 triệu đồng, lợn mổ 7 con, con bé nhất trên 30kg, tổng chi phí trong đám hết trên 70 triệu đồng. Do không chủ động trước nên lúc thầy phán tiền đặt cọc, tôi buộc phải đi vay nóng 17 triệu với lãi suất 5% về nộp cho đủ, đến nay mới trả được 6 triệu, vẫn nợ lại 11 triệu. Nói thật, đây là thủ tục không thể bỏ được của dân tộc, nếu đời này chưa làm được thì vẫn cứ để đấy và đời sau phải làm thay. Thời cha mình đã nghèo không làm được, nếu mình tiếp tục để cho con thì sau này số người phải làm chay và cấp sắc lên đến trên chục người, phải có tiền trăm triệu mới làm được nên bắt buộc phải vay mượn mà làm cho xong. Chúng tôi thật sự rất khó xử vì đây là phong tục không thể bỏ đi, bắt buộc phải làm, nhưng mình chỉ được làm chủ phần chi phí ăn uống, còn phần tiền công của thầy không được quyền tham gia mức giá mà tùy thuộc thầy phán bằng nào thì phải chấp nhận trả bằng ấy nên khá tốn kém, chỉ mong chính quyền địa phương có cách gì giúp giảm bớt tiền xuống ở mức hai, ba triệu đồng để những người nghèo như chúng tôi vừa hoàn thành được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với các cụ mà lại đỡ nợ nần”. Đây không chỉ là nỗi băn khoăn, trăn trở của riêng ông M.

Thủ tục chay của nhóm thầy bên âm.

Việc làm chay, cấp sắc là một thủ tục tâm linh quan trọng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Dao, ngoài mục đích tâm linh còn có nhiều ý nghĩa giáo dục con người nên không thể loại bỏ ra khỏi đời sống.

Song để trả lại những giá trị văn hóa “đẹp”, ý nghĩa nhân văn theo đúng bản chất của đám chay, cấp sắc, để đám chay, cấp sắc thực sự là một thủ tục văn hóa trong đời sống tâm linh của dân tộc Dao cũng như góp phần nâng cao giá trị của đám chay, cấp sắc trong kho tàng văn hóa dân tộc và cũng là góp phần giúp những bà con dân tộc Dao còn nghèo giảm bớt gánh nặng về phong tục, tập quán trong đời sống... thì trước hết tất cả cộng đồng người Dao, các già làng, người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ nên xem xét lại và xây dựng một bộ quy ước, hương ước cụ thể về mức tiền công của thầy cúng làm sao cho vừa hợp tình, hợp lý, các lễ vật bắt buộc cũng nên giảm từ to xuống nhỏ và giảm thời gian thực hiện xuống mức tối thiểu để giảm chi phí ăn uống.

Các địa phương, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các thầy mo cũng coi đây là trách nhiệm cá nhân, vừa làm phúc cho dân bản, vừa lưu giữ, lưu truyền và bảo tồn các thủ tục tâm linh mang bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương có đồng bào dân tộc Dao sinh sống cũng nên quan tâm và kết hợp với cộng đồng đưa ra một mức quy định chi phí làm đám chay, cấp sắc tối đa nào đó mà vẫn đảm bảo hợp tình, hợp lý và có phương hướng đào tạo trẻ hóa thầy mo để đảm bảo lưu giữ bản sắc.

T.A.M   

Các tin khác
Các bậc phụ huynh đón trẻ ở Trường Mầm non Lê Quý Đôn.
(Ảnh: Linh Chi)

YBĐT - Cùng với hệ thống trường công lập, sự hình thành và phát triển những trường ngoài công lập đã góp phần quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội và những khó khăn, bức xúc trong giáo dục hiện nay (thiếu trường, thiếu lớp, quá tải học sinh…).

Bộ GD&ĐT vừa tổ chức họp báo công bố kết quả đánh giá chất lượng học sinh theo chuẩn quốc tế PISA. Một kết quả bất ngờ là Việt Nam đứng ở Top cao, có lĩnh vực còn đạt điểm trên cả những nước phát triển như Australia, Pháp, Anh, Hà Lan.

Bê tông hóa đường giao thông ở thôn Phú Nhuận.

YBĐT - Thôn Phú Nhuận, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) có đông đồng bào công giáo sinh sống. Nơi đây cũng là nơi đặt nhà nguyện của họ giáo Âu Lâu với tổng số 120 hộ, 508 nhân khẩu.

YBĐT - Nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về nguy cơ nhiễm HIV và khả năng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng cường sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con toàn diện, góp phần giảm tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai trên địa bàn, thời gian qua, huyện Trạm Tấu đã đẩy mạnh các hoạt động dự phòng lây truyền HIV t

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục