Ơn người gieo chữ trên non

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/12/2013 | 10:35:31 AM

YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 140 điểm trường lẻ thuộc ba cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở 64 thôn, bản. Có thôn, các thầy cô phải đi bộ vượt núi cả ngày đường. Có những nơi xa xôi, tính thời gian bằng tiếng gà gáy, tính thời tiết chuyển mùa bằng những trận mưa sương.

Thày và trò Trường Tiểu học và THCS xã Làng Nhì (Trạm Tấu).
Thày và trò Trường Tiểu học và THCS xã Làng Nhì (Trạm Tấu).

Đường về thôn Tà Tầu, xã Pá Hu (Trạm Tấu) sau những cơn mưa trơn như đổ mỡ. Con đường một bên là núi cao, một bên là vực sâu như thách đố lòng dũng cảm của những người đi qua đây.

Thầy giáo trẻ Hà Văn Công của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Pá Hu đèo tôi vượt dốc. Thầy Công chia sẻ: "Trò nhỏ trên thôn bản thiệt thòi lắm! Có lần lên thôn tổ chức vui chơi cho các em, khi về chúng cứ nhìn theo mãi như chia tay bố mẹ khiến tôi rơi nước mắt...". Điểm trường thôn Tà Tầu nằm gọn giữa lòng núi. Nơi đây, có 3 cô giáo trẻ với 43 học sinh người Mông. Cơ sở vật chất cũng chưa mấy khang khang nhưng cô và trò vui lắm vì nhiều điểm trường khác ở xã còn khó khăn hơn thế.

Cô giáo trẻ Trần Thị Hiền, quê Văn Chấn năm nay bước sang tuổi 23. Năm học 2012 - 2013, cô tình nguyện lên đây công tác, dạy học không lương. Lớp học của cô là lớp ghép hai trình độ lớp 3 và lớp 4 với 18 học sinh. Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng cô luôn xác định, muốn thành công, bản thân phải cố gắng không ngừng. Vì vậy, làm giáo viên chủ nhiệm được 1 năm, Hiền đã biết rõ hoàn cảnh của từng em trong lớp đồng thời tích cực học hỏi, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Ngoài giờ dạy học, cô gặp gỡ các già làng, trưởng bản và phụ huynh học sinh để trau đồi thêm vốn kiến thức tiếng Mông, để có thể giao tiếp tốt với dân bản, mục đích sâu xa hơn là để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy chữ, dạy người.

Cô giáo Hiền tâm sự: "Em còn trẻ nên muốn cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp giáo dục ở thôn bản. Lúc đầu lên đây công tác, em cũng gặp khó khăn vì bất đồng ngôn ngữ nên để thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình, em học tiếng Mông từ các già làng, trưởng bản và học sinh lớp lớn. Em phối hợp cùng trưởng bản thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp và được mọi người giúp đỡ nên công việc gặp nhiều thuận lợi, tỷ lệ chuyên cần của lớp luôn đạt 100%".

Trả lời cho câu hỏi cuộc sống có gặp nhiều khó khăn hay không, Hiền cười: "Cũng khó khăn chị ạ nhưng em có sự giúp đỡ nhiệt tình của các anh, các chị cùng trường và sự ủng hộ của gia đình nên cũng đỡ hơn. Vả lại, mục đích của em là được cống hiến lâu dài cho sự nghiệp giáo dục vùng cao nên bước đầu khó khăn mấy em cũng chịu được". Một năm không một đồng lương nào song Hiền vẫn kiên trì bám bản, bám trường. Hiền nói rằng đã quen hàng ngày nghe tiếng ê a đọc bài của học trò, nếu không ở đây dạy học sẽ rất nhớ bọn trẻ.

Cùng với cô giáo Trần Thị Hiền, điểm trường thôn Tà Tầu còn có hai cô giáo trẻ Lê Ánh Nguyệt và Vũ Thị Ngọc. Mỗi người sinh ra ở một nơi, mỗi người một tính cách nhưng điểm chung ở họ là tình thương yêu học trò nghèo và quyết tâm đem con chữ đến với học trò vùng cao. Cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng những cô giáo trẻ nơi đây luôn biết cách an ủi, động viên để cùng nhau hoàn thành tốt trọng trách dạy chữ, dạy người.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, ba cô xác định, trước hết phải làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp bởi chỉ khi học sinh đi học chuyên cần thì chất lượng giáo dục mới được nâng cao. Ngoài làm đồ dùng dạy học, chuẩn bị tốt nội dung giờ giảng, việc tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh cũng như gần dân, hiểu dân để dân tin, dân quý được các cô đưa lên hàng đầu.

Cô giáo Lê Ánh Nguyệt - người gắn bó với điểm trường thôn Tà Tầu từ năm 2009 cho biết: "Em đã quen với cuộc sống ở đây, cũng đã quen với phong tục của đồng bào nên cảm thấy nơi đây gần gũi, thân quen như nơi mình sinh ra vậy. Học trò ở đây nghèo lắm nhưng hiếu học. Ba chị em ở đây thường chia sẻ vui buồn, động viên và giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học".

 Ngày nào cũng vậy, hết giờ trên lớp, ba cô giáo trẻ lại đến với gia đình các em học sinh. Mỗi ngày một việc, họ cùng ở, cùng làm với dân khi lên mảnh nương sau nhà, lúc dọn dẹp nhà cửa, lúc cùng ngồi nấu cám để học cái tiếng của đồng bào. Thời gian qua đi, hình ảnh những cô giáo trẻ trở nên gần gũi hơn với đồng bào vùng cao.

Bà Hờ Thị Máy ở thôn Tà Tầu nói: "Các cô giáo trẻ nhiệt tình lắm, lên đây không chỉ dạy học sinh biết chữ mà còn gần gũi với dân bản, thường xuyên giúp đỡ việc nhà và hỏi chúng tôi cách nói tiếng Mông. Tin các cô giáo nên gia đình nào cũng cho con em đi học. Chúng tôi quý các cô giáo lắm!". Với học trò, tình cảm dành cho các cô giáo thật khó diễn tả. Giàng Thị Phua - học sinh lớp 4 bảo rằng: "Chúng em rất biết ơn các cô giáo! Đáp lại công ơn đó, chúng em bảo nhau chăm chỉ đến lớp, cố gắng học hành".

 

Giờ vui chơi của các cháu mầm non ở điểm trường Tà Tầu.

Thực hiện tốt công tác dân vận nên điểm trường thôn Tà Tầu năm nào cũng đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần đạt từ 98% trở lên. Các em đã thực sự coi trường như gia đình thứ hai của mình. Ngoài giờ học trên lớp, các em còn biết giúp đỡ các cô giáo hòa nhập cộng đồng người Mông. Cùng với các cô giáo tiểu học, những cô giáo mầm non ở điểm trường thôn Tà Tầu cũng là những tấm gương vượt khó. Có người còn chưa có người yêu, người đã có gia đình, có con nhỏ nhưng họ luôn biết động viên nhau vượt qua tất cả để hoàn thành tốt trọng trách là người mẹ thứ hai của học trò vùng cao.

Năm học 2011 - 2012, có sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Vùng huyện Trạm Tấu, điểm trường mầm non thôn Tà Tầu được xây dựng, xóa cảnh cô trò phải học nhờ học tạm và cũng có thêm điều kiện chăm lo cho các cháu. Năm học 2013 -2014, cả điểm trường có 33 cháu từ 3 - 5 tuổi ra lớp, đạt 100% kế hoạch được giao. Các cháu ở nhiều độ tuổi nên để đảm bảo dạy học theo đúng chương trình đòi hỏi ở mỗi cô giáo sự nhiệt huyết, say mê nghề nghiệp, hơn tất cả là phải thông thạo tiếng Mông. Ngoài giờ học, các cô còn dạy các cháu nhiều trò chơi để các cháu thật sự thích đến trường.

Ngoài Tà Tầu, tại 5 thôn bản của Pá Hu cũng đã có lớp học mầm non và có các cô giáo lên cắm bản. Bản xa hay bản gần, đường dễ hay đường khó với họ không còn là trở ngại khi tỷ lệ các cháu suy dinh dưỡng giảm dần theo từng năm, các cháu ở kênh A tăng lên 74%.

Cô giáo Hà Thị Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu tâm sự: "Nhiều lúc nhìn những cô giáo trẻ gồng mình dắt xe vượt núi hay những ngày trời mưa dắt díu nhau vượt núi hàng 4, 5 giờ đi bộ, quần áo bê bết đất rồi giữa chốn rừng xanh không điện, không sóng điện thoại, cứ thui thủi đi ra đi vào với nhau cũng thấy xót xa… Nhưng khi được nghe tiếng cười của con trẻ, dân bản gọi hai tiếng “cô giáo” nghe thân thương, gần gũi lại thấy hạnh phúc bởi đổi lại những khó khăn ấy là niềm tin, tình yêu và thấy yêu hơn nghề giáo".

Huyện Trạm Tấu có 140 điểm trường lẻ thuộc ba cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở 64 thôn, bản. Có thôn, các thầy cô phải đi bộ vượt núi cả ngày đường. Có những nơi xa xôi, tính thời gian bằng tiếng gà gáy, tính thời tiết chuyển mùa bằng những trận mưa sương. Nơi có những lớp học nhỏ cheo leo trên đỉnh núi, nơi đã được làm lớp ghép, nơi còn là phòng học tạm… Những nơi ấy có sự cống hiến âm thầm của các thầy cô giáo.

Có người đã cắm bản mười mấy năm. Có người đã cắm bản gần hết quãng thời gian công tác. Cũng có người đang dạy học không lương... Mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một tính cách nhưng họ đều tìm được sự đồng cảm khi chọn nghề này. Phần thưởng lớn nhất dành cho họ chính là niềm tin yêu, mến phục của học trò và của dân bản. Họ chính là người gieo những mầm chữ trên non cho ngày mai của vùng cao thêm tươi sáng.

Phương Thùy - Lộc Chầm

Các tin khác
Đại diện TechcomBank Chi nhánh tỉnh Yên Bái trao 8 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó ở Trường Tiểu học Nguyễn Phúc.
(Ảnh: Minh Thúy)

YBĐT - Phường Đồng Tâm có 54 chi hội khuyến học, 27 ban khuyến học dòng họ với 3.240 hội viên khuyến học. Trong 5 năm qua, phường duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở.

Đưa ra dự về tình hình thưởng Tết năm nay, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, thưởng Tết sẽ được phân thành 3 nhóm. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, trung bình thưởng Tết ở cả 3 nhóm đều giảm.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết đang xây dựng thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng.

YBĐT - Ngày 7/12/2013, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Cận vệ 246 thành phố Yên Bái đã tổ chức lễ trao tặng kỷ niệm chương cho các cựu chiến binh đã từng công tác, chiến đấu và phục vụ tại Trung đoàn 246 qua các thời kỳ hoạt động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục