“Cán bộ nói phải thì mình làm theo thôi”

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2013 | 8:38:39 AM

YBĐT - Trước khi có công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu các ngành chức năng, các cơ quan tuyên truyền, các địa phương có người Mông sinh sống làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức cho người Mông cùng ăn chung một tết Nguyên đán thì huyện Trạm Tấu đã có sự chủ động cho nhiệm vụ này.

Ban thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu quán triệt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào Mông cùng ăn chung một tết Nguyên đán.
Ban thường vụ Huyện ủy Trạm Tấu quán triệt nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào Mông cùng ăn chung một tết Nguyên đán.

 Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu - đồng chí Vũ Quỳnh Khánh cho biết: “Năm ngoái, hầu như tất cả người Mông ăn chung một tết nhưng vì mới chỉ là năm đầu tiên thực hiện nên việc này chưa thành thói quen. Bởi vậy, huyện xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm. Đồng thời, nếu không làm tốt việc này thì không chỉ khó khăn cho việc tổ chức một cái tết vui tươi, lành mạnh cho bà con mà còn gây ra nhiều khó khăn khác cho các hoạt động kinh tế, xã hội”. 

Sau những thông tin của Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu và được nghe những người trực tiếp làm việc ở cơ sở mới thấy rằng, việc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết là thật sự cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trước đây bà con người Mông ăn tết trước tết Nguyên đán một tháng và ăn ròng trong cả tháng 11 âm lịch, ăn luân phiên từ nhà nọ sang nhà kia trong bản, trong họ nên hầu như mọi công việc bị bỏ bê. Thị trấn trung tâm huyện vào dịp này luôn đông nghịt người Mông đổ về chơi tết, sắm tết. Thế nên, việc làm đất cho sản xuất vụ đông xuân, nhất là làm đất cấy tăng vụ rồi huy động dân làm đường giao thông nông thôn… luôn gặp trở ngại do không tập trung được nhân lực.

Các thầy cô giáo cũng cho biết, tâm lý của học sinh người Mông trong tháng tết Mông không yên tâm học tập. Nhiều em chỉ muốn về ăn tết hoặc tự bỏ học để về ăn tết. Anh em trong ngành văn hóa thì quá vất vả do đã ít người mà vừa mới tổ chức vui chơi tết cho người Mông xong lại phải chuyển ngay sang tổ chức tết Nguyên đán.

Những rào cản ấy đã có cơ sở để khẳng định rằng sẽ dần được khép lại. Bởi vì, tết năm ngoái, chỉ có xã Bản Mù là đa số dân không muốn phá lệ tết cũ thì đích thân Chủ tịch UBND huyện - đồng chí Giàng A Thào đã trực tiếp dự hội nghị các thôn bản để vận động, tuyên truyền. Tiếp xúc với bà con, đồng chí Giàng A Thào hiểu mối băn khoăn lớn nhất của đồng bào là “Tổ tiên mình từ xưa vẫn được cúng tết như thế, nay mình làm khác đi thì tổ tiên sẽ quở trách”.

Nghe vậy, Chủ tịch đã giải thích bằng cái lý rất đời thường: “Năm nào mình cũng chỉ tổ chức tết một lần chứ có phải mình không ăn tết đâu mà tổ tiên trách cứ con cháu. Chỉ có điều là mình sẽ cúng tổ tiên chậm hơn so với trước đây một chút thôi. Tôi cũng là người Mông nên tôi hiểu, tổ tiên mình chỉ phù hộ cho con cháu thôi chứ ai lại làm khổ con cháu vì cúng tết muộn. Hơn nữa, tôi là người Mông lại là lãnh đạo cao nhất của huyện, nếu bà con không ủng hộ tôi thì coi như tôi đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình”.

Điều rất đáng mừng là cuối cùng, bà con cũng nghe theo lời Chủ tịch. Năm nay trở lại Bản Mù nắm tình hình tư tưởng bà con về việc tiếp tục thực hiện ăn chung một tết, đồng chí Chủ tịch thấy rằng, những e ngại trong tâm lý của đồng bào hầu như không còn nữa.

 

Ngô, lúa bội thu sẽ làm cho những cái tết chung của đồng bào Mông thêm vui.

Riêng với người Mông ở các xã khác, vấn đề ăn chung một tết không có gì đáng ngại. Ông Sùng A Sử ở xã Pá Lau, ông Hờ A Giàng ở xã Bản Công, ông Giàng A Páo ở xã Xà Hồ cùng bao người khác khi được hỏi có gặp trở ngại khi ăn chung một tết Nguyên đán thì tất cả đều trả lời không có  trở ngại và họ thấy rất vui.

Đặc biệt ở xã Trạm Tấu, không phải Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này mới là năm thứ hai thực hiện ăn tết chung mà đã là cái tết chung thứ ba. Vì sao bà con lại tự giác chấp nhận thay đổi một tập quán đã bám rễ vào đời sống của họ từ bao đời nay, lý do rất đơn giản khi những người như ông Giàng A Dê, bà Sùng Thị Cha ở thôn Km14, xã Trạm Tấu đều chung suy nghĩ: “Cán bộ nói phải thì mình làm theo thôi”. 

Vậy cán bộ đã nói với đồng bào điều gì? Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu Giàng A Hành đi vận động bà con đã nói đến nhiều vấn đề vì sao bà con nên ăn chung một tết. Tất cả những gì đồng chí phân tích với dân đều dựa vào những điều thiết thực nhất với đời sống của bà con. Chẳng hạn, nếu đồng bào Mông mình cứ ăn tết theo kiểu ngày xưa thì thật lãng phí, thậm chí còn nghèo đi vì ăn tết. Lãng phí là mình ăn tết luân phiên từ nhà nọ đến nhà kia trong họ, trong bản nên mỗi nhà phải mổ lợn to hơn, chi tiêu nhiều tiền thì mới đủ tiếp khách. Lãng phí khi cha mẹ ăn tết rồi nhưng lúc con đi học ở xa về thì bố mẹ phải làm tết lại. Lãng phí lớn nhất là vấn đề thời gian của hàng vạn lao động trong tháng tết. Lãng phí thời gian khiến cho đến lúc làm mùa thì làm vội, làm không hết ruộng, hết nương nên lúa, ngô không tốt, không nhiều thành ra mãi cứ nghèo, đói ăn, thất học…

Các nơi khác giờ đây cũng lấy cách tuyên truyền, vận động của xã Trạm Tấu để vận dụng tuyên truyền có hiệu quả ở địa phương mình. Vì vậy, tết năm nay, mọi người lại tràn đầy tin tưởng khi người dân của huyện Trạm Tấu là người Mông sẽ lại cùng vui chung một tết với các dân tộc khác.

Tết này sẽ càng vui hơn khi các xã có người Mông đều được ngành văn hóa hướng dẫn tổ chức điểm vui chơi từ ngày mồng 2 đến mồng 5 tết với các trò chơi dân gian như: ném pao, đẩy gậy, bắn nỏ, đánh quay, múa khèn, hát giao duyên… Hội xuân ấy sẽ đón cả người Kinh, người Thái, người Tày, người Dao… cùng cán bộ huyện lên chung vui với dân bản.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Từ ngày 9-12-2013 đến 24-1-2014, hai đoàn thanh - kiểm tra về thực phẩm chức năng do Bộ Y tế thành lập sẽ tiến hành kiểm tra tại 8 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ.

Rượu nếp 29 Hà Nội gây ngộ độc chết người

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) vừa yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường trong cả nước tiến hành thu giữ loại rượu nếp 29 Hà Nội trong phạm vi cả nước.

YBĐT - Hướng tới kỷ niệm 69 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, sáng 10/12, Nhà máy Z183 – Tổng cục công nghiệp quốc phòng đã tổ chức lễ bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Công Chức – CCB nhiễm chất độc da cam, có hoàn cảnh khó khăn tại Phường Tân An – Thị xã Nghĩa Lộ(Yên Bái).

Người dân Mù Cang Chải làm đất chuẩn bị sản xuất vụ chiêm.

YBĐT - Là xã đặc biệt khó khăn nằm ở phía tây của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), Lao Chải tiếp giáp với các huyện: Mường La của Sơn La, Than Uyên của Lai Châu, trình độ dân trí chưa đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao, địa bàn rộng và được phân làm hai khu, điện lưới quốc gia chưa có...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục