Vi phạm an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền tỷ

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/12/2013 | 1:55:00 PM

 Mức phạt tối đa với hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cá nhân là 100 triệu đồng và tổ chức là 200 triệu thay vì 15 triệu như trước đây. Số tiền này có thể lên tới hàng tỷ đồng nếu tính nguy hại với xã hội lớn.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ có hiệu lực từ ngày 31/12.

Đây là nội dung Nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm vừa được Chính phủ thông qua, có hiệu lực từ ngày 31/12.

Cụ thể, hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không có giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan nhà nước cấp thì sẽ bị phạt tiền 30-50 triệu đồng. Mức phạt đối với việc sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép cũng lên tới 30-40 triệu đồng; nếu sử dụng loại có chứa chất độc thì mức phạt sẽ là 70-100 triệu đồng.

Ngoài ra, những cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 300.000 đến 500.000 đồng) nếu bày thức ăn không có bàn, giá, phương tiện đảm bảo an toàn thực phẩm; không có dụng cụ che mưa nắng bụi bẩn; dùng tay tiếp xúc trực tiếp với thức ăn... Nếu sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn thì sẽ bị phạt 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: "Mức phạt quy định trong nghị định mới này cao hơn so với các quy định trước đây, đủ sức răn đe. Mức phạt tiền của tổ chức được quy định gấp đôi cá nhân đối với cùng một hành vi vi phạm. Nếu mức phạt tối đa không đảm bảo thì căn cứ theo luật An toàn thực phẩm có thể xử phạt gấp 7 lần giá trị của hàng hóa đó".

Nghị định mới cũng bổ sung thêm quyền lập biên bản xử phạt cho lực lượng công chức, viên chức thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương. Biên bản sau khi lập được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử lý theo quy định.

Theo ông Trung, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm phụ thuộc vào kinh tế xã hội và nhận thức của người dân. Người dân nên mua sản phẩm rõ ràng có nguồn gốc, đặc biệt chú ý đến quy trình chế biến.

"Dân mình có thói quen lâu nay ngồi đâu ăn đó, quá trình chế biến thực phẩm nhiều khi không đảm bảo điều kiện vệ sinh ngay từ trong gia đình đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt đường phố vẫn còn nhếch nhác... Cơ sở sản xuất nên lấy lương tâm của mình vì sản phẩm họ đưa ra ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân", ông Trung nói.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Mô hình trang trại của gia đình CCB Trần Hữu Vượng thôn Noong Tài hàng năm cho thu nhập trên 400 triệu đồng.

YBĐT - Tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương để mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương là điều mong ước của bao người, nhưng chọn cho mình mô hình nào cho thu nhập cao, phát triển bền vững, đó là cách làm của các cựu chiến binh (CCB) xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) trong những năm qua.

Các bác sỹ khám và tư vấn sức khỏe cho người dân.

YBĐT - Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (YENBAI CDSH) đã tổ chức truyền thông tư vấn về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại hai xã Púng Luông và La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe” do Liên minh châu Âu tài trợ.

Bộ GD&ĐT vừa ra công văn gửi các Sở GD&ĐT trên cả nước về việc tiếp tục chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm (DTHT); thu, chi và sử dụng tài liệu tham khảo sai quy định.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 12/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dòng xiết gió Tây trên cao nên ở các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa, mưa nhỏ, trời rét.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục