“Bảo hiểm y tế đã đến bản mình”

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2013 | 4:06:01 PM

YBĐT - Đó là tiêu đề trên một panô cổ động của ngành bảo hiểm xã hội (BHXH). Một chính sách của Nhà nước đến với đồng bào thông qua tấm thẻ nhỏ thôi nhưng mang một ý nghĩa rất lớn đối với mỗi đối tượng thụ hưởng.

Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Lục Yên kiểm tra việc in thẻ bảo hiểm y tế theo danh sách được phê duyệt.
Lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Lục Yên kiểm tra việc in thẻ bảo hiểm y tế theo danh sách được phê duyệt.

Để đảm bảo đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế, thực hiện chương trình chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của pháp luật theo yêu cầu của Nghị định 05 của Chính phủ, trong năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ để triển khai chính sách này đến với đồng bào được thụ hưởng.

Ông Nguyễn Nguyên Đúng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Yên trao đổi: “Lục Yên chúng tôi là huyện có số lượng người hưởng chế độ bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số rất đông, có xã tới 6 - 7 ngàn đối tượng nên cán bộ ở cơ sở rất vất vả. Từ việc kê khai chính xác từng người trong mỗi gia đình đến đối chiếu, rà soát giữa các ngành chức năng phải đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng. Khi được cấp phát thẻ, chúng tôi yêu cầu người dân đối chiếu từng người theo chứng minh nhân dân sao cho đúng các thông tin để đảm bảo quyền lợi khi đi khám chữa bệnh”.

Không chỉ ở Lục Yên mà tất cả các địa phương khác, sự cố gắng của những trưởng thôn, mỗi cán bộ chính quyền cơ sở, quá trình làm việc nghiêm túc, chặt chẽ và trách nhiệm của đội ngũ thuộc các phòng: Dân tộc, Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số bớt đi những lo lắng thường nhật để tập trung làm ăn.

Chị Hoàng Thị Tường (dân tộc Tày) ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên kể: “Nhà tôi bốn người, ai cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu cứ khỏe khoắn làm ăn thì chẳng nghĩ đến thuốc men gì. Thế mà gần đây, chồng tôi bị bệnh phổi phải nằm viện, tiêu tốn lắm. Cũng may có thẻ bảo hiểm y tế nên cũng đỡ phần nào”.

Bà Lê Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, địa phương có gần 5.000 người được cấp thẻ, phấn khởi cho biết: “Đối với huyện chúng tôi, đây là một chính sách hết sức cần thiết trong đảm bảo an sinh xã hội. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc, làm cho người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng mà yên tâm bám đất, bám bản, vượt lên khó khăn, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, đến hết tháng 11/2013, tổng số thẻ bảo hiểm y tế cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số là 314.412, bằng 49,3% tổng số thẻ cấp cho tất cả đối tượng trên địa bàn tỉnh; trong đó: huyện Lục Yên 76.693 thẻ, huyện Văn Chấn 75.155 thẻ, huyện Văn Yên trên 44 ngàn, Mù Cang Chải trên 42 ngàn, Yên Bình trên 40 ngàn…
Được biết, cùng với tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức chăm sóc sức khỏe từ cơ sở, huyện đã chỉ đạo các ngành thực hiện tốt chính sách trong công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào. Trong đó có sự phối hợp giữa các ngành khi thực hiện việc cấp thẻ, đổi thẻ, đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu để đối tượng thuận lợi đến khám chữa bệnh hoặc chuyển tuyến. Năm 2013, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã ký hợp đồng với 26 đầu mối gồm 209 cơ sở khám chữa bệnh quy mô từ trạm y tế trở lên. Một số huyện, thị địa bàn rộng có số lượng cơ sở khám chữa bệnh lớn như Văn Chấn trên 40 cơ sở, Yên Bình 30, Lục Yên 28...

Yên Bái cũng được đánh giá là tỉnh làm tốt công tác phối hợp trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhờ đó quyền lợi của đồng bào dùng thẻ được đảm bảo, danh mục thuốc đáp ứng yêu cầu chữa trị của bệnh nhân. Điều đáng ghi nhận là ngành y tế đã khắc phục tình trạng cơ sở vật chất thấp kém, đội ngũ cán bộ ở trạm y tế thiếu để làm tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho đồng bào ngay từ cơ sở.

Ông Trịnh Duy Hùng - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Bình chia sẻ: “Ngoài bệnh viện đa khoa tại trung tâm huyện, chúng tôi có 26 trạm y tế, 3 phòng khám đa khoa khu vực. Đây là nơi thực hiện công tác khám chữa bệnh ban đầu nên các trạm và phòng khám tổ chức tốt việc đón tiếp người dân đến khám và điều trị, trong đó có các bệnh nhân là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi yêu cầu các y bác sỹ không được phân biệt mà đảm bảo bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe”.

Trong 11 tháng của năm 2013, chỉ tính riêng Bệnh viện đa khoa huyện và 3 phòng khám đa khoa khu vực đã khám và điều trị cho trên 85 ngàn lượt bệnh nhân. Cùng với Yên Bình, các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là cơ sở tuyến trên đã không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Không ít ca bệnh nặng với mức chi phí hàng chục triệu đồng mà bệnh nhân dùng thẻ đối tượng dân tộc thiểu số đã nhận được sự chia sẻ gánh nặng từ quỹ bảo hiểm y tế. Những tấm thẻ đã góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường cho sự phát triển của tỉnh trong nhiều năm qua.

 Quang Tuấn

Các tin khác
Với chính sách BHYT, người nghèo được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

YBĐT - Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã tiến hành làm thủ tục mua và cấp 472.956 thẻ BHYT cho các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số trong vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và bảo đảm 100% số đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách đã được cấp phát thẻ BHYT, tổng kinh phí thực hiện ước trên 200 tỷ đồng.

Mô hình nuôi dê giúp nhiều hộ dân ở Suối Giàng (Văn Chấn) thoát nghèo.

YBĐT - Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhóm dự án hỗ trợ người nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo chính là cách mà huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã nỗ lực thực hiện đối với công tác giảm nghèo. Hết năm 2013, huyện đã giảm 4,33% số hộ nghèo so với năm 2012, vượt 0,33% so với kế hoạch.

Một tiết học Tiếng Việt tại Trung tâm.

YBĐT - Những năm qua, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục, hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái không chỉ làm tốt việc trực tiếp tham gia giảng dạy trẻ khuyết tật tại Trung tâm và các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh mà còn thực hiện tốt việc giáo dục, chăm sóc các cháu tại Trung tâm.

Thanh niên tình nguyện giúp đỡ học sinh vùng cao trong cuộc sống và học tập.

YBĐT - Trong những năm qua, cuộc vận động "Cùng em tôi đến trường" đã, đang và đang mang đến cho thiếu nhi vùng cao những điều tốt đẹp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục