Mày râu làm “cô nuôi dạy trẻ”

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/2/2014 | 9:00:22 AM

YBĐT- Nam giới thường chọn cho mình những công việc như: luật sư, bác sỹ, kỹ sư, ít ai chọn làm giáo viên mầm non suốt ngày hát, múa và dỗ dành trẻ nhỏ. Ấy vậy, ngày nối ngày, những thầy giáo dạy mầm non ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải vẫn miệt mài vượt dốc đến từng nhà vận động trẻ ra lớp.

Thầy Cứ A Giàng trong giờ học “Bé làm thợ xây”.
Thầy Cứ A Giàng trong giờ học “Bé làm thợ xây”.

Người đầu tiên chúng tôi gặp và trò chuyện là thầy giáo Cứ A Giàng sinh năm 1988. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mầm non Hải Dương, A Giàng về quê xin làm “cô nuôi dạy trẻ” tại điểm lẻ Hú Trù Lìn, Trường Mầm non xã Lao Chải. Sinh ra và lớn trên mảnh đất này, hơn ai hết, A Giàng thấu hiểu cuộc sống của người dân với muôn vàn khó khăn, đặc biệt, sự thiệt thòi của trẻ vùng cao khi gia đình chưa quan tâm đúng mức đến cái chữ.

Ngoài dạy học, thầy Giang, thầy Lứ, thầy Giàng còn là người “mẹ hiền” thứ hai của bọn trẻ nơi đây. Bởi ngày qua ngày, các thầy phải khéo léo dỗ dành khi trẻ khóc. Nhiều phụ huynh thầy giáo tay chân lóng ngóng trong các động tác dạy múa cho các cháu mà ngại ngùng làm sao? Rồi chuyện cắt hoa, dán giấy trang trí lớp học, làm đồ chơi cho các cháu đâu phải chuyện dễ.

Lớp học của A Giàng nằm cheo leo trên bản Hú Trù Lìn với 30 cháu từ 3 - 5 tuổi. Nhớ về ngày đầu mới lên bản dạy học, A Giàng bồi hồi: “Nhà cách điểm lẻ hơn 8 km, trời nắng thì có thể đi được xe máy đến lớp, còn trời mưa chỉ có cuốc bộ, mất hơn nửa ngày đường mới tới lớp. Không như học sinh vùng thấp, các cháu nơi đây nhát lắm. Lúc mình vào lớp, các cháu cứ tưởng mình là cán bộ xã đến kiểm tra. Dạy được mấy buổi vào lớp, hay ra đường, các cháu gọi mình bằng “mẹ”. Nhiều lúc mình cũng ngại đỏ cả mặt nhưng rồi cũng thành quen”. Múa không dẻo, hát không hay, làm đồ chơi không đẹp bằng các cô giáo nhưng với quyết tâm không để các cháu thiệt thòi, ngày dạy học, tối đến A Giàng lại cần mẫn làm đồ dùng, đồ chơi, tìm các bài hát, điệu múa để dạy các cháu.

Những ngày nghỉ, thầy lại đến từng nhà thăm hỏi, động viên phụ huynh tạo mọi điều kiện cho các cháu ra lớp. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng với A Giàng, niềm vui lớn nhất là mỗi ngày đến lớp không thấy có trẻ nào nghỉ học. Anh Giàng A Thái phụ huynh cháu Giàng Thị Dở nói: “Nhờ có thầy Giàng vượt khó khăn lên đây dạy học nên các cháu trong bản mới được đến lớp. Người dân nơi đây biết ơn thầy nhiều lắm!”.

Chia tay thầy Cứ A Giàng, chúng tôi có mặt tại điểm lẻ Háng Gàng cách điểm trường chính 16 km, nơi thầy giáo trẻ Giàng A Lứ cũng đang ngày đêm miệt mài vì đám trẻ. Cũng giống như A Giàng, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mầm non Hải Dương, A Lứ tình nguyện lên bản Háng Gàng dạy học. Năm học 2013 - 2014, lớp thầy Lứ có 23 cháu từ 3 đến 5 tuổi. 100% học sinh trong độ tuổi này khi ra lớp đều nói tiếng địa phương (tiếng Mông) nên rất khó khăn trong chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy học. Nhớ ngày đầu mới bước vào nghề, nhiều người thắc mắc tại sao nam giới lại đi dạy mầm non, thầy Lứ thổ lộ: “Lúc học, trong lớp gần 100 bạn chỉ có 2 bạn là con trai, rồi về đi dạy, nhiều ánh mắt tò mò của các bậc phụ huynh nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ tôi xác định những việc nữ giới làm được dĩ nhiên nam giới cũng có thể làm”.

Học trò vùng cao. Ảnh: Phí Đức Long

Đến nay, 100% trẻ trong độ tuổi ở bản Háng Gàng đều được ra lớp. Tạm biệt bản Hú Trù Lìn và Háng Gàng, chúng tìm đến thầy Hoàng Long Giang, người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy mầm non và hiện là Phó hiệu trưởng Trường Mầm non xã Lao Chải. Vẻ ngoài giản dị, thân thiện, thầy Giang kể: “Quê gốc ở Hà Tây, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mầm non Yên Bái mình tình nguyện lên xã Khao Mang dạy học. Rồi được điều động về dạy ở Lao Chải. Đến tháng 1/2012, được đề bạt làm Hiệu phó nhà trường”. Nói là vậy nhưng đối với Long Giang đã biết bao kỷ niệm ở vùng sơn cước này.

Giang nhớ lại: “Lúc đầu khó khăn nhất là bất đồng ngôn ngữ, hầu hết các em ra lớp không biết tiếng phổ thông nên trong tổ chức lớp vô cùng khổ sở. Ví dụ, khi thầy nói “Các em trật tự”, học trò cũng đáp lại: “Các em trật tự”, rồi thầy nói “Bây giờ chúng ta học hát…”, các em… cũng “Bây giờ chúng ta học hát”…”. Rồi chuyện những người bạn cùng trang lứa hỏi sao không đi học làm bác sỹ, kỹ sư, công an… mà lại đi dạy học mầm non để suốt ngày cầm kéo làm đồ chơi, tập hát, tập múa. Nhiều phụ huynh thấy mình tay chân lóng ngóng trong các động tác dạy múa cho các cháu mà ngại ngùng làm sao! Rồi chuyện cắt hoa, dán giấy trang trí lớp học, làm đồ chơi cho các cháu đâu phải chuyện dễ. Nhưng tình yêu thương trẻ thơ, say nghề đã giúp Long Giang vượt qua tất cả.

Ngoài dạy học, thầy Giang, thầy Lứ, thầy Giàng còn là người “mẹ hiền” thứ hai của bọn trẻ nơi đây. Bởi ngày qua ngày, các thầy phải khéo léo dỗ dành khi trẻ khóc. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, thầy Giang chia sẻ: “Nhiều người nghĩ nam giới làm việc chăm sóc, giáo dục trẻ rất khó khăn nhưng khi tiếp xúc với trẻ, chúng tôi càng thương yêu trẻ như con mình”. Từ những việc làm cụ thể nhất, trẻ thích đến trường, nhớ lớp đã làm các bậc phụ huynh yên tâm. Tuy còn nhiều vất, thiếu thốn, các điểm lẻ của nhà trường chỉ tranh, tre, vách nứa nhưng với tâm huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhất là những người thầy như Giang, Lứ, Giàng đang ngày đêm bám trụ để gieo ánh sáng tri thức cho con em vùng cao nên đến nay, chất lượng giáo dục của trường đã có nhiều chuyển biến; tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt trên 92%, 96% học sinh đạt yêu cầu vào lớp 1.

   Văn Tuấn

Các tin khác
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và động viên thầy trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu.

YBĐT - Ngày 16/5/2013, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng có thư khen Đảng bộ và nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Đồng chí rất vui mừng trước những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở một xã thuộc huyện đặc biệt khó khăn...

YBĐT - Người Mông ở tỉnh Yên Bái có gần 82.000 người, cư trú chủ yếu ở vùng cao, miền núi nên nhà ở của đồng bào luôn được thiết kế thấp với cấu trúc phù hợp với môi trường sống nơi có địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Tuy nhiên, cũng từ tập quán đó đã tạo nên nét độc đáo riêng về ngôi nhà của người Mông.

YBĐT - Vào thời khắc chuyển giao năm cũ và đón chào năm mới Xuân Giáp Ngọ năm 2014, hẳn là trong lòng mỗi chúng ta trào dâng niềm tin hân hoan chào đón một mùa xuân mới, với biết bao niềm tin và kỳ vọng vào một năm mới tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, may mắn và thành công trong cuộc sống.

YBĐT - Đón năm mới 2014 trong niềm hân hoan với những thành quả và nỗ lực cùng quyết tâm của một năm vượt khó thành công. Người dân Yên Bái tưng bừng trong niềm vui đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014. Phóng viên Báo YBĐT đã có mặt tại nhiều điểm đón xuân trên địa bàn thành phố Yên Bái để ghi lại những khoảnh khắc người dân Yên Bái chờ đợi thời khắc giao thừa thiếng liêng với những mong uốn, ước nguyện cho một năm may mắn, hạnh phúc và an khang thịnh vượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục