Bảo tồn và phát triển cây dược liệu ở Cảm Ân
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2015 | 3:13:46 PM
YBĐT - Từ lâu đồng bào các dân tộc thiểu số xã Cảm Ân, huyện Yên Bình đã khai thác nguồn dược liệu, phục vụ đời sống.
Lương y Nông Ngọc Chung (bên trái) giới thiệu cây huyết đằng trên 35 năm tuổi với các hội viên Chi hội Đông y xã.
|
Tuy nhiên, đó không phải là nguồn tài nguyên bất tận nên khi người dân chưa có cách thức khai thác bền vững thì nhiều cây dược liệu quý hiếm ngày càng ít thấy trong các bài thuốc của các ông lang, bà mế.
Điều đó đặt ra sự cần thiết trong việc bảo tồn, khôi phục vùng nguyên liệu cây thuốc nam. Để giữ gìn những cây thuốc quý, xã Cảm Ân đã đưa việc phát triển và bảo tồn cây thuốc bản địa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, giai đoạn 2015 - 2020.
Đến thăm vườn thuốc nam của gia đình lương y Nông Ngọc Chung, thôn Ngòi Cát dễ dàng nhận thấy sự phong phú và đa dạng về chủng loại cây thuốc. Với diện tích trên 5 sào, trong vườn nhà anh có hàng trăm loại cây thuốc nam, nhiều loại cây quý hiếm và có tuổi đời vài chục năm như: huyết đằng, kim tiền thảo, mạch môn, dây xanh, tô mộc… phục vụ việc sản xuất và bốc thuốc chữa bệnh.
Để tạo nên sự phong phú về các loại cây trong vườn thuốc của gia đình, anh Chung đã đi nhiều địa phương để tìm kiếm, sưu tầm.
Anh Chung kể: "Gia đình tôi có truyền thống làm thuốc nam từ rất nhiều đời. Cha truyền, con nối, tôi luôn ý thức được tầm quan trọng của các loại cây thuốc nam đối với sức khỏe con người. Do đó, khi có điều kiện là tôi lại đi các tỉnh để học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương có phong trào y học cổ truyền phát triển, đồng thời sưu tầm thêm những cây thuốc quý để làm đa dạng vườn thuốc nam của gia đình".
Để bảo tồn và phát triển cây thuốc nam, nhiều gia đình ở xã Cảm Ân đã đưa cây thuốc nam về trồng trong vườn nhà. Đó được coi là một nỗ lực để bảo vệ nguồn gen dược liệu quý đang dần bị cạn kiệt bởi phương pháp khai thác không có kỹ thuật, chưa bền vững làm lãng phí tài nguyên.
Cùng với đó, Cảm Ân cũng là địa phương nhận được sự quan tâm của một số tổ chức trong việc bảo tồn cây thuốc nam. Từ năm 2009 đến nay, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững thực hiện 2 Dự án tại xã là: "Phát triển và bảo tồn các bài thuốc dân tộc và nguồn cây thuốc bản địa” của tổ chức Cordaid Hà Lan và “Bảo tồn và phát triển cây thuốc, bài thuốc để cải thiện sinh kế và sức khỏe cho người dân tộc thiểu số” do Tổ chức Caritas - Australia tài trợ.
Thông qua các dự án này, người dân trong xã được hỗ trợ, tư vấn về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thuốc nam, từ đó góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhân dân.
Ông Trương Kim Sơn - Chi hội trưởng Chi hội Đông y xã Cảm Ân phấn khởi cho biết: "Trước đây, bà con thường khai thác cây thuốc một cách tự nhiên, nghĩ đó là “cây của trời” nên mặc sức khai thác mà chưa có khái niệm trồng mới.
Từ khi các dự án bảo tồn và phát triển cây thuốc nam được triển khai trên địa bàn xã, nhận thức của người dân thay đổi rõ rệt, các gia đình tham gia vào Dự án đã xây dựng quy ước cùng cam kết hạn chế khai thác cây thuốc nam trên rừng và bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên rừng.
Nhiều người ngoài việc trồng, chăm sóc thì đã có ý thức đi sưu tầm, tìm kiếm những giống cây quý mang về trồng tại vườn thuốc của gia đình, đảm bảo việc thu hái, sử dụng đi đôi với việc trồng và bảo vệ cây thuốc".
Xã Cảm Ân hiện có gần 30 vườn thuốc nam gia đình với nhiều loại cây dược liệu cùng những bài thuốc gia truyền được truyền từ đời này sang đời khác tạo nên kho tàng kiến thức bản địa phong phú về sử dụng cây rừng làm thuốc.
Để nguồn dược liệu địa phương được bảo tồn, xã luôn vận động nhân dân tích cực trồng thêm các loại cây thuốc nam dưới tán rừng, từ đó từng bước mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng.
Đồng chí Hoàng Văn Đại - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xác định việc bảo tồn và phát triển cây thuốc bản địa là giúp người dân phát triển kinh tế, quan trọng hơn cả là lưu giữ được những bài thuốc hay trong dân gian, Đảng ủy, UBND xã Cảm Ân luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác, sử dụng, mở rộng gieo trồng, thu hái bền vững các loại cây thuốc quý. Năm 2011, xã chúng tôi được công nhận có một Làng thuốc nam bản địa”.
Những kết quả trên là điều kiện tốt để các ông lang, bà mế - những thầy thuốc dân gian phát huy nghề truyền thống và là lực lượng nòng cốt trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý, phục vụ nhu cầu chữa bệnh của nhân dân.
Đồng thời, góp phần thực hiện có kết quả tiêu chí về thu nhập của người dân nông thôn và tiêu chí chuẩn y tế quốc gia cùng chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Chỉ tính riêng năm 2014, đã có khoảng 150 ngàn lượt người được KCB và điều trị bằng thuốc y học cổ truyền, chiếm khoảng 15% tổng số người được khám chữa bệnh toàn tỉnh.
YBĐT - Ngày 11/12, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) thành phố Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chữ thập đỏ năm 2015; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016; phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” năm 2016.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh có nguồn cây thuốc tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại; đất đai, khí hậu phù hợp với nhiều loài cây, trong đó có nhiều loài cây thuốc quý xuất xứ từ các nguồn khác nhau.
YBĐT - Trung bình mỗi năm có trên 12.000 đến 300.000 lượt người được khám tại các phòng chẩn trị lồng ghép và 1.600 đến 5.000 lượt người được các ông lang, bà mế thăm khám.