Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia dân số ở Yên Bái: Mức giảm sinh đạt được có ý nghĩa quan trọng
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2015 | 3:12:13 PM
YBĐT - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lương Kim Đức đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái xung quanh kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Yên Bái tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho đối tượng vị thành niên.
|
P.V: Được biết, mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh đề ra là tiếp tục nỗ lực giảm mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến nay, kết quả thực hiện mục tiêu này như thế nào, thưa ông?
Ông Lương Kim Đức: Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các sở, ban, ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn bộ đội ngũ những người làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh tới cơ sở, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh đã đạt được mục tiêu đề ra. Mức sinh hàng năm giảm 0,3%o, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên năm 2015 ước thực hiện là 1,086% - đạt chỉ tiêu của tỉnh giao.
Các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được triển khai ở 9/9 huyện, thị xã, thành phố và tập trung mô hình tại 126 xã, phường, thị trấn có điều kiện khó khăn; tổ chức hội nghị tuyên truyền, ký cam kết không tiết lộ và cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, không phá bỏ thai nhi vì lý do giới tính… đối với các phòng khám tư nhân, cơ sở siêu âm, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn. Kết quả đã hạn chế và bước đầu kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Năm 2015, tỷ số giới tính ước thực hiện 111,8%, đạt 100% kế hoạch giao.
Các mô hình về chất lượng dân số bước đầu tác động đến nhận thức của người dân về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Vấn đề về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đưa vào tuyên truyền tại một số xã vùng cao, dân tộc thiểu số. Đặc biệt, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được duy trì thực hiện tại 20 xã thuộc 4 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.
Chương trình đã góp phần nâng cao nhận thức cho các bà mẹ về việc khi mang thai và sinh con cần tiến hành sàng lọc để phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm những bất thường của trẻ giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời giúp thai nhi và trẻ sơ sinh phát triển khỏe mạnh bình thường, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Năm 2015, thực hiện sàng lọc trước sinh cả miễn phí và tự nguyện là 1.115 ca/1.000 ca chỉ tiêu, đạt 115% kế hoạch giao, thực hiện sàng lọc sơ sinh đạt 520/520 ca miễn phí, đạt 100% kế hoạch, đã phát hiện 7 trẻ bị thiếu men G6PD và bị tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh gửi về bệnh viện Trung ương để can thiệp kịp thời.
P.V: Mức giảm sinh đạt 0,3%o - tỷ lệ này so với cả nước ra sao và nó có ý nghĩa như thế nào với tỉnh thưa ông?
Ông Lương Kim Đức: Mức giảm sinh của tỉnh là 0,3%o, mức này cao hơn so với bình quân của cả nước nhưng mức giảm sinh này có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh khi Yên Bái vẫn là tỉnh có mức sinh còn cao, lại là tỉnh còn nghèo so với cả nước. Với mức giảm sinh này, tỉnh ta mỗi năm khống chế được khoảng 300 trẻ sinh ra ngoài ý muốn.
- Như đánh giá, chúng ta đã kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Kết quả này có mang tính bền vững không, thưa ông?
Ông Lương Kim Đức: Mặc dù bước đầu tỉnh ta đã khống chế và kiểm soát được tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tuy nhiên, kết quả này còn cao và chưa mang tính bền vững. Vì phong tục tập quán muốn có con trai để nối dõi tông đường đã hình thành lâu đời trong tiềm thức của nhân dân. Để thay đổi nhận thức và chuyển đổi hành vi này, ngoài việc tiếp tục đầu tư cho công tác tuyên truyền, vận động, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách đủ mạnh để giải quyết vấn đề này.
P.V: Tảo hôn có phải là vấn đề quan trọng nhất trong nâng cao chất lượng dân số hiện nay ở tỉnh? Ông có thể cho biết, kết quả đạt được trong việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn giai đoạn qua giúp ích như thế nào trong giải quyết vấn đề này thời gian tới?
Ông Lương Kim Đức: Tảo hôn là một vấn đề rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Yên Bái đã có nhiều biện pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tỉnh ủy đã có kết luận số 796-TB/TU, ngày 6/10/2014 giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các ngành tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số khắc phục tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3 trở lên ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, song cũng đã giúp các nhà hoạch định chính sách có chủ trương, chính sách nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh. Để công tác này đạt hiệu quả như mong muốn, trong giai đoạn tới, cũng đề nghị các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cần tập trung hơn nữa trong việc tuyên truyền, tư vấn kết hợp xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
P.V: Xin ông cho biết mục tiêu cơ bản của công tác dân số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020? Được biết, trong giai đoạn này sẽ không còn Chương trình mục tiêu quốc về DS-KHHGĐ nữa. Điều này tác động thế nào tới việc thực hiện những mục tiêu đặt ra?
Ông Lương Kim Đức: Mục tiêu cơ bản của công tác DS-KHHGĐ của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020 là tập trung duy trì mức sinh hợp lý ở vùng thấp, tiếp tục giảm sinh ở vùng cao, vùng có mức sinh cao, nâng cao chất lượng dân số, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyến thống.
Trong giai đoạn tiếp theo, không còn Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, công tác DS-KHHGĐ toàn quốc nói chung và của tỉnh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, dù kinh phí cho chương trình này sẽ giảm nhưng không phải cắt hoàn toàn mà được bố trí trong chương trình y tế - dân số lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Nắm bắt được tình hình đó, ngành y tế đã tham mưu cho tỉnh xây dựng Đề án “Một số chính sách hỗ trợ công tác DS-KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020”, trình tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII. Đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ chúng tôi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình cho những mục tiêu đặt ra.
P.V: Trân trọng cảm ơn ông! Xin chúc cho công tác DS-KHHGĐ tỉnh sẽ đạt được nhiều thành tựu trong giai đoạn tới!
Thu Hạnh (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT - Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh, phòng chống ma túy; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình liên gia tự quản về an ninh trật tự; thực hiện phòng, chống ma túy từ gia đình... là những biện pháp giúp xã Hát Lừu (Trạm Tấu) giữ vững danh hiệu địa bàn không có ma túy nhiều năm nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
YBĐT - Ngày 25/12, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng chống tác hại của thuốc lá quý IV - năm 2015.
YBĐT - “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” được chọn làm chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2015. Trên phạm vi toàn quốc, Lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số đã được tổ chức tại Thái Bình ngay từ ngày 2/12/2015 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc người cao tuổi và kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chăm sóc người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực. Chủ đề này đã phần nào nói lên vấn đề già hóa dân số ở nước ta.
YBĐT - Xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải có gần 100% dân tộc Mông và có trên 65% số hộ là hộ nghèo. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của thầy và trò nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân nên năm 2015, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chế Cu Nha đã đạt chuẩn quốc gia.