Yên Bái: Cần đẩy mạnh truyền thông can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2015 | 3:14:21 PM
YBĐT - Năm 2008 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh ta là 119,6 trẻ trai/100 trẻ gái; năm 2009 là 118,7 trẻ trai/100 trẻ gái.
Lồng ghép tuyên truyền các hoạt động của Mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Trạm Y tế xã Bảo Ái (Yên Bình).
|
Trước thực trạng trên, năm 2012 Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh đã triển khai Mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền các hậu quả mất cân bằng giới tính đến với người dân nhằm hạn chế các hành vi can thiệp tới quy luật sinh sản tự nhiên, có chủ đích lựa chọn giới tính.
Sau một thời gian triển khai và đi vào hoạt động đến nay các hoạt động của mô hình giảm thiểu MCBGTKS đã từng bước đi vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Nằm giáp quốc lộ 70, xã Bảo Ái là 1 trong 18 xã được triển khai Đề án trên địa bàn huyện Yên Bình. Là xã có địa bàn rộng, đông dân cư, những năm qua, mặc dù địa phương đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, song đến nay tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn chưa giảm, chủ yếu tập trung vào những gia đình sinh con một bề là gái.
Mặc dù đến thời điểm này, tình trạng mất cân bằng giới tính ở xã Bảo Ái chưa đến mức báo động nhưng trong nhiều năm qua, Ban chỉ đạo công tác dân số xã đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh truyền thông về công tác DS-KHHGĐ nói chung và truyền thông can thiệp giảm thiểu MCBGTKS nói riêng.
Năm 2015, Trạm Y tế xã Bảo Ái phối hợp với các đoàn thể ở địa phương tổ chức được 6 buổi truyền thông với sự tham gia của trên 600 lượt người. Thông qua các buổi truyền thông, nhận thức của các đối tượng đã dần thay đổi.
Chị Lục Thị Hải Dương - thôn Ngòi Ngù, xã Bảo Ái cho biết: “Tôi không lựa chọn giới tính khi sinh, mà sinh theo cách tự nhiên bởi con gái hay con trai đều quý, đều là con của mình cả”. Công tác truyền thông can thiệp giảm thiểu MCBGTKS đã được Trạm Y tế xã Bảo Ái tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán của nhân dân địa phương. Chị Phí Thị Thùy Linh - Cán bộ chuyên trách dân số xã Bảo Ái cho biết: “Thông qua các buổi truyền thông lồng ghép về MCBGTKS, người dân trong xã đã có sự thay đổi. Phần đa những người cao tuổi sau khi được tuyên truyền đã không còn suy nghĩ nhất định phải có con trai nữa”.
Còn tại huyện Văn Chấn đến nay đã có 22/31 xã trên địa bàn huyện triển khai thực hiện Mô hình can thiệp giảm thiểu MCBGTKS. Tại các buổi truyền thông, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tuyên truyền các vấn đề liên quan đến MCBGTKS, tư vấn đối tượng tại địa bàn dân cư với các nội dung như: giới tính, vai trò giới tính trong cuộc sống, bất bình đẳng giới…
Tổ chức được nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, cung cấp kiến thức về giới tính khi sinh cho các đối tượng là những cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là các cặp vợ chồng có 2 con gái. Vì vậy, công tác truyền thông can thiệp giảm thiểu MCBGTKS thời gian qua đã có tác dụng tích cực, làm thay đổi nhận thức từ đó dẫn đến thay đổi hành vi của các đối tượng và người thân của họ.
Hiện Mô hình giảm thiểu MCBGTKS đang được triển khai trên địa bàn 126 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Với việc đẩy mạnh triển khai các hoạt động của Mô hình đã từng bước nâng cao được nhận thức của người dân về tầm quan trọng và hậu quả của mất cân bằng giới tính. Kết quả, chúng ta đã kiểm soát có hiệu quả tình trạng MCBGTKS (năm 2014 là 111,5 bé trai/100 bé gái).
Tuy nhiên, tâm lý mong muốn có con trai trong đại bộ phận nhân dân còn rất nặng nề, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi trong thực hiện các chính sách về dân số. Để nâng cao hiệu quả các hoạt động của Mô hình cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông can thiệp giảm thiểu MCBGTKS, nhất là về hậu quả của MCBGTKS cho người dân nhằm hạn chế các hành vi can thiệp tới quy luật sinh sản tự nhiên có chủ đích lựa chọn giới tính.
Ngọc Hưng (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)
Các tin khác
YBĐT - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lương Kim Đức đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Yên Bái xung quanh kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia dân số - kế hoạch hóa gia đình giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
YBĐT - Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh, phòng chống ma túy; phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình liên gia tự quản về an ninh trật tự; thực hiện phòng, chống ma túy từ gia đình... là những biện pháp giúp xã Hát Lừu (Trạm Tấu) giữ vững danh hiệu địa bàn không có ma túy nhiều năm nay, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
YBĐT - Ngày 25/12, Trung tâm y tế Dự phòng tỉnh đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác phòng chống tác hại của thuốc lá quý IV - năm 2015.
YBĐT - “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” được chọn làm chủ đề cho Tháng Hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2015. Trên phạm vi toàn quốc, Lễ phát động hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số đã được tổ chức tại Thái Bình ngay từ ngày 2/12/2015 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc người cao tuổi và kêu gọi cộng đồng cùng tham gia chăm sóc người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực. Chủ đề này đã phần nào nói lên vấn đề già hóa dân số ở nước ta.