Cảnh giác trước thực phẩm “bẩn”
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/4/2016 | 3:17:58 PM
YBĐT - Thời gian gần đây, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề cả xã hội quan tâm, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của mọi người. Đặc biệt, gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện thực phẩm có sử dụng chất cấm Salbutamol, “vàng ô” trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật trong rau… Vì vậy, Yên Bái đã vào cuộc quyết liệt triển khai giải pháp đồng bộ, cùng với đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác trước thực phẩm “bẩn”.
Việc lựa chọn rau sạch mua ngoài chợ là rất khó khăn với các bà nội trợ.
|
Thực tế, vấn đề VSATTP đang diễn ra hết sức phức tạp, nảy sinh ở nhiều phương diện: từ sản xuất, kinh doanh đến sử dụng. Cho nên, bảo đảm VSATTP là tuân thủ một chuỗi điều kiện và biện pháp cần thiết trong quá trình hình thành chất lượng thực phẩm qua nhiều công đoạn: quản lý - điều hành - giám sát, thẩm định và chứng nhận VSATTP. Hơn 5 giờ chiều, có mặt tại chợ phường Đồng Tâm (Km4) - một trong những chợ thực phẩm của thành phố Yên Bái, người mua, người bán rất tấp nập.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở tổ 6, phường Yên Ninh cho biết: “Nhà tôi ở gần đây nên thường xuyên đi chợ này, nhưng bây giờ mua thực phẩm sạch khó lắm chú ạ, rau cứ xanh mơn mởn, măng vàng tươi… nên không biết chọn lựa ra sao. Vì thế, tôi thường xuyên mua hàng của người quen, có dấu kiểm định của cơ quan chức năng và chọn thực phẩm dựa trên kinh nghiệm. Khi chế biến thì rửa kỹ và sục ô-zôn thì mới dám ăn. Quan điểm của tôi là nếu có điều kiện thì tự trồng một số loại rau, nuôi gà để phục sinh hoạt gia đình. Bên cạnh đó, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông cách phân biệt và lựa chọn thực phẩm sạch”.
Còn cô Trần Thị Hoa ở tổ 46, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái) thường xuyên mua thực phẩm ở chợ Yên Thịnh (Km 6) thì cho biết: “Bây giờ đi chợ mua thực phẩm rất khó khăn, không biết phải chọn thực phẩm như thế nào. Bởi càng ngày những người sản xuất sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng hóa chất ngâm tẩm càng nhiều. Theo tôi, cách tốt nhất để tự bảo vệ mình và người thân, người tiêu dùng cần có kiến thức trong lựa chọn thực phẩm, tìm mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn. Ví dụ, khi mua thịt, cần chọn thịt có màng ngoài khô, màu sắc đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, óng ả, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô… Khi mang về nhà, thực phẩm cũng được nhanh chóng cất giữ hoặc xử lý đúng cách”.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thực phẩm không an toàn, như: người sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng phun lên rau, củ, quả khi hoá chất tồn dư trên nông sản đã mang tiêu thụ. Nhiều mặt hàng hải sản cũng bị người buôn bán sử dụng chất bảo quản gây nguy hại cho sức khỏe con người.
Mặt khác, thiếu chế tài xử lý đủ mạnh, quản lý nhà nước chưa rõ ràng, thông tin tuyên truyền, nhận thức của người dân và vai trò của các tổ chức xã hội hạn chế. Cụ thể, hiện nay, việc quản lý an toàn thực phẩm được giao cho 3 Bộ: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên đã tạo ra sự chồng chéo hoặc khoảng trống trong quản lý. Chính sự chồng chéo, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước khiến các cơ quan thực thi chọn văn bản nào có lợi cho mình nhất để thực hiện. Do đó, sự kiểm soát thực phẩm qua nhiều khâu và trên thị trường chưa được thắt chặt.
Thực tế, thực phẩm không sạch đang xuất hiện tràn lan trên thị trường đã là vấn đề, nhưng đáng nói trong quá trình chế biến, ý thức của người chế biến kém dẫn đến ngộ độc thực phẩm nguy hại hơn rất nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, Bác sỹ Lương Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết: “Trước hết, người tiêu dùng phải tự trang bị những kiến thức cần thiết về pháp luật cũng như kiến thức về tiêu dùng. Đặc biệt, khi mua và sử dụng hàng hóa phải lựa chọn những mặt hàng, thương hiệu đã biết trước, có nguồn gốc rõ ràng, thời hạn sử dụng, nhãn thực phẩm phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định của Nhà nước. Mặt khác, người tiêu dùng cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua tiếp cận các nguồn tin để có khả năng kiểm soát đối với các chiêu thức kinh doanh của người bán. Khi mua thực phẩm ở các chợ cần lưu ý lựa chọn 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn để bảo đảm an toàn cho chính mình và gia đình”.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT- Đã bước vào tuổi 73 và ông Lê Quang Hưởng ở khu dân cư Hồng Tiến, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái vẫn luôn tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài trong dòng họ.
Đó là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trong phát biểu chỉ đạo buổi họp Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và triển khai các chương trình hoạt động giai đoạn 2016 – 2020 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 15-4 tại Hà Nội.
YBĐT - Chiều ngày 14/4, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị phối hợp tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 2 (19/10/1946-19/10/2016) và các ngày lễ lớn năm 2016.
YBĐT - “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm (ATTP)” năm 2016 tiếp tục thực hiện chủ đề “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.