Giáo viên vất vả trong đánh giá học sinh tiểu học
- Cập nhật: Thứ bảy, 21/5/2016 | 9:41:41 AM
Ngày 20-5, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức diễn đàn khoa học “Đánh giá kết quả một năm thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT đánh giá học sinh tiểu học” (Thông tư 30). Đây là thông tư quy định đánh giá học sinh tiểu học thu hút sự chú ý của dư luận xã hội thời gian qua.
Giờ học của cô và trò Trường tiểu học Hóa Thượng 1 (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
|
Giáo viên lo vất vả
Thông tư 30 đổi mới việc đánh giá học sinh tiểu học không phụ thuộc hoàn toàn vào điểm số. Theo đó, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên nhận xét bằng lời nói trực tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; những lời nhận xét động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên... Việc đánh giá bằng điểm số chỉ được thực hiện thông qua bài kiểm tra giữa và cuối kỳ học.
Học sinh sẽ được tổng hợp đánh giá trên cơ sở theo dõi mức độ nhận thức, kỹ năng và điểm số của các bài kiểm tra cuối kỳ.
Thông tư 30 được kỳ vọng sẽ đem lại bước ngoặt trong đánh giá học sinh từ nặng về kiến thức sang kỹ năng, năng lực, nhận thức… Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, PGS,TS Vũ Trọng Rỹ cho biết: Hội đã tiến hành khảo sát ở một số tỉnh, thành phố về thực trạng thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ GD và ĐT.
Qua phỏng vấn gián tiếp bằng phiếu hỏi và tọa đàm trực tiếp 630 giáo viên tiểu học ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hòa Bình, Phú Thọ, Đà Nẵng cho thấy, có 95,2 % số giáo viên được hỏi đều khẳng định thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 giáo viên vất vả hơn so với trước đây, nhất là với giáo viên ở vùng nông thôn. 582 trong số 630 giáo viên cho rằng, mất quá nhiều thời gian cho việc ghi nhận xét học sinh. Thời gian trung bình trong ngày dành cho nhận xét học sinh là 92,47 phút.
Riêng với các giáo viên dạy các môn nhạc, mỹ thuật, thể dục thường dạy nhiều lớp và phải nhận xét hàng hai ba trăm học sinh trở lên cho nên rất vất vả và trên thực tế họ cũng không có điều kiện theo dõi từng học sinh. Thí dụ, tại Trường tiểu học thị trấn Thanh Miện (Hải Dương), một giáo viên dạy Mỹ thuật cho 23 lớp phải nhận xét 789 học sinh.
Đáng chú ý, một số thầy giáo, cô giáo cho rằng, việc nhận xét kết quả học tập của học sinh khá khó vì thiếu kỹ năng diễn đạt, tìm từ ngữ sát hợp với từng trường hợp cụ thể để không bị trùng lặp. Dẫn đến hiện tượng một số giáo viên tìm cách đối phó như đưa ra các loại ký hiệu thay cho điểm số như bông hoa, ngôi sao, mặt người cười, mếu... Và nhiều giáo viên chỉ có lời nhận xét chung chung áp dụng cho nhiều trường hợp, kiểu như "em học tốt", "em cần cố gắng hơn"... mà không chỉ ra được tốt ở chỗ nào và cần cố gắng ở chỗ nào.
Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học (PGS,TSKH) Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì cho rằng: Đánh giá theo Thông tư 30 khiến kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh không được định lượng, không biết mức độ đạt được khi tham chiếu với chuẩn kiến thức, kỹ năng và yêu cầu cần cơ bản. Việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét có thể thiếu tác nhân kích thích hình thành nhu cầu, động cơ học tập của học sinh và động lực dạy của giáo viên.
Trong khi đó, đại diện phòng giáo dục tiểu học, Sở GD và ĐT tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Bích Huệ chia sẻ: Khi thực hiện đánh giá về: “Mức độ hình thành và phát triển năng lực” và “Mức độ hình thành và phát triển phẩm chất” là khó thực hiện vì đó là cả một quá trình lâu dài chứ không thể nhận xét đánh giá hằng ngày, hằng tuần hay hằng tháng…
Hiểu để đổi mới hiệu quả
Trước một số băn khoăn về cách đánh giá mới theo Thông tư 30, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, giáo viên sẽ vất vả hơn. Tuy nhiên, nếu vất vả hơn mà có sự đổi mới, phù hợp với quá trình phát triển thì có thể chấp nhận được.
Vụ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo T.Ư) Nguyễn Đắc Hưng cho biết: Nhìn chung giáo viên ngại đổi mới, không muốn thay đổi và thích cho điểm. Thực tế tại một số tỉnh, huyện, xã và các trường, những giáo viên được tập huấn về Thông tư 30 bài bản thì không có băn khoăn, trăn trở điều gì và đều thực hiện tốt. Tuy nhiên, để Thông tư 30 thật sự hiệu quả cũng cần giảm số lượng học sinh trong lớp.
“Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để trợ giúp cho nền giáo dục. Cùng với việc có một số điều chỉnh để thông tư gắn với thực tế sẽ tạo được sự đồng thuận thực hiện tốt hơn” - Ông Hưng nhìn nhận.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam Trần Kiều khẳng định, chủ trương trong Thông tư 30 của Bộ GD và ĐT là đúng và ủng hộ hình thức nhận xét bằng lời hoặc bằng chữ viết. Tuy nhiên, nhận xét như thế nào và làm thế nào để bảo đảm độ tin cậy của những nhận xét ấy là điều cần chú ý.
GS,TSKH Nguyễn Hữu Tăng thì cho rằng, đổi mới phương pháp đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, thay đổi cần phải từng bước, nơi nào có điều kiện thì làm trước, nơi nào chưa có điều kiện thì làm sau. Giáo dục là vấn đề rất nhạy cảm, đụng tới từng gia đình, từng thành viên trong xã hội cho nên khi nhìn nhận điều gì phải rất thận trọng để khi thực hiện cố gắng không phải điều chỉnh.
Giải đáp những ý kiến của các chuyên gia, Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Bộ GD và ĐT sẽ tiếp thu ý kiến, rút kinh nghiệm để Thông tư 30 được thực hiện ngày càng tốt hơn. Hiện, điều khó nhất vẫn là đổi mới nhận thức của ngay từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đến các phụ huynh, học sinh.
Một số cán bộ quản lý giáo dục còn máy móc, chưa tích cực đổi mới trong công tác quản lý chất lượng chuyên môn dẫn đến việc chỉ đạo vẫn gây áp lực, quá tải cho giáo viên. Mặt khác, để thực hiện đổi mới đánh giá thành công đòi hỏi các thầy giáo, cô giáo cũng phải có năng lực để tự chủ bởi nếu không chủ động bắt tay vào làm thì không thể lường trước được hết những khó khăn.
(Theo Nhân Dân)
Các tin khác
Ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày nay. Từ đó đến nay, ngày 22 tháng 5 hàng năm đã trở thành một ngày đầy ý nghĩa, mang tính lịch sử và truyền thống đối với sự nghiệp phòng, chống thiên tai ở Việt Nam.
YBĐT - Ngày 20/5, Ban chỉ đạo công tác cảo vệ và chăm sóc trẻ em tỉnh Yên Bái tổ chức triển khai Kế hoạch, nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2016, triển khai Tháng hành động vì trẻ em.
YBĐT - Để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Trạm Tấu đã triển khai đồng bộ các chương trình, dự án gồm: hợp phần phát triển kinh tế huyện, ngân sách phát triển xã, tăng cường năng lực và quản lý dự án và giám sát. Các nguồn lực đầu tư đã góp phần tích cực cho kinh tế, xã hội của địa phương phát triển, người nghèo đã giảm bớt khó khăn và ổn định cuộc sống.
YBĐT - Theo khảo sát hàng năm trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ thì số lao động cần được giải quyết việc làm khoảng 1.000 người. Tuy nhiên, trong số này đa phần tự giải quyết việc làm thông qua đi lao động ngoài tỉnh và việc làm ở địa phương.