Nghề đan rọ tôm - bao điều mới hiểu

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/2/2017 | 8:22:11 AM

YBĐT - Chợ rọ tôm ở Xuân Lai trước đây thường sáng ra mới họp nhưng gần chục năm nay bỗng chuyển họp từ lúc 3 - 4 giờ sáng. Nhiều người bảo rằng, bán sớm như vậy là để ban ngày bà con còn tranh thủ đi rừng, đi ruộng; bán sớm để ô tô kịp chở đi Sơn La, Hòa Bình trong ngày.

Rọ tôm kìn kìn đổ về các phiên chợ ở Xuân Lai, Phúc An.
Rọ tôm kìn kìn đổ về các phiên chợ ở Xuân Lai, Phúc An.

Chợ xã Phúc An, chợ xã Xuân Lai ở phía Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình vào dịp đầu xuân không có nhiều các mặt hàng nhu yếu phẩm bởi bà con thường đã sắm sanh từ trước tết.

Hàng hóa đầu xuân chủ yếu là hạt giống, con giống, nông cụ và nổi bật hơn cả đó là rọ tôm. Sở dĩ rọ tôm bán nhiều nhất vào dịp này được bà con lý giải, đó là thời điểm chờ đón những đợt mưa xuân trong tháng 2 âm lịch và tiết trời ấm dần lên cũng là lúc tôm sinh sản và phát triển rất nhiều.

Vãn đợt tôm này thì lại phải chờ đến tầm tháng 6 Âm lịch, khi có những cơn mưa rào, phù du từ các khe núi chảy xuống nhiều thì tôm lại rộ lên chu kỳ phát triển mạnh trong tháng 7 tháng 8.

Chợ rọ tôm ở Xuân Lai trước đây thường sáng ra mới họp nhưng gần chục năm nay bỗng chuyển họp từ lúc 3 - 4 giờ sáng. Nhiều người bảo rằng, bán sớm như vậy là để ban ngày bà con còn tranh thủ đi rừng, đi ruộng; bán sớm để ô tô kịp chở đi Sơn La, Hòa Bình trong ngày. Cũng có người lại bảo, rọ tôm là thứ hàng cồng kềnh nên chở ban ngày bằng xe máy không bảo đảm an toàn giao thông nên phải đi đêm mới an toàn.

Quả thực là mặt hàng này cồng kềnh thật nhưng nhìn kiểu xếp rọ ở hai bên đường hay cảnh người đi bán rọ gánh gùi những túm rọ, buộc vào hai cọc tre ở đuôi xe máy để thồ rọ tôm trông hệt như những quả cầu hoa thật bắt mắt. Chẳng thế mà chợ Xuân Lai trở thành điểm đến của không ít tay săn ảnh. Không ít những đoàn du khách Tây, ta đã đi thăm các làng nghề đan rọ tôm, trải nghiện đánh bắt tôm trên hồ Thác Bà ở làng văn hóa, du lịch ở xã Vũ Linh hay làng văn hóa Cây Tre ở xã Xuân Lai.

Và rồi, cũng mấy lần đến chợ Xuân Lai, tôi chợt nhận ra rằng, không như trước đây bao người vẫn nghĩ, những cái rọ tôm này là do bà con ở mấy xã Đông hồ tự lên rừng lấy giang, nứa về đan thành rọ rồi mang đi bán. Thực tế, để làm nên một cái rọ cần phải có sự chung sức của rất nhiều người, nhiều địa phương mới thành.

Chẳng là, khi tôi làm quen với một thanh niên có tên là Boóc - Nông Văn Boóc nhà ở xã Bằng Cốc. Cứ tưởng cậu ấy nói đùa, vì ở huyện Yên Bình chỉ có xã Tích Cốc. Nhưng Boóc giải thích: “Tên em theo nghĩa tiếng Tày là đẹp lắm đấy (Hoa). Còn xã Bằng Cốc là ở bên huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Hàm Yên có mấy xã thường đi chợ ở bên này”. Mấy xã lân cận của huyện Hàm Yên và nhiều xã cùng dải Đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình tuy không chuyên nghề đan rọ nhưng lại là đầu mối cung cấp giang, lạt nứa, vỏ tế cho người đan rọ ở Xuân Lai, Yên Thành, Phúc An và Vũ Linh. Người bán nguyên liệu, người đan rọ, rặt chỉ có người Tày, Nùng, Dao và Cao Lan.

Nghề đan rọ tôm khó nhất là đan hom. Không phải là ai cũng có thể đan được hom, vì nan hom yêu cầu phải vót thật tròn, thanh mảnh, đều tăm tắp, đầu nan có độ nhọn và cứng vừa phải, trơn nhẵn để tôm chui vào không bị vướng đau và khi đã chui vào rồi thì khó chui ra được. Nói cách khác, hom rọ quyết định rất lớn đến hiệu quả đánh bắt. Thế nên, người mua hàng nghìn chiếc rọ trong lúc trời tối chỉ cần rọi đèn pin để xem mỗi phần hom có đạt yêu cầu hay không, chứ không phải để ý nhiều đến thân rọ.

Hỏi anh Thành - người chuyên buôn rọ tôm từ chợ Xuân Lai, Phúc An đi đến hồ thủy điện Na Hang (Tuyên Quang); hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu: “Ở những nơi đó, họ không tự đan được rọ hay sao mà phải vận chuyển xa như vậy?”. Anh Thành cho biết: “Cũng có người đã học cách đan rất giống với rọ ở bên mình nhưng khi mang đi đánh bắt tôm thì không hiệu quả bằng, nên họ vẫn thích mua rọ của ta”.

Khó như thế nên mới có nhiều người chỉ chuyên đan hom rọ mang ra chợ bán. Nói như một bà mế Tày rằng: “Già rồi! Hơn chục năm nay, bá chỉ đan hom bán thôi! Làm thế này hợp với sức mình mà cũng dễ bán lắm!”. Người đi mua hom ở chợ về thì nhiều đứa trẻ 9 -10 tuổi ở đây cũng biết đan rọ tôm thoăn thoắt. Một bác làm khuôn hom bằng gỗ tiện ở chợ Xuân Lai cũng “độc quyền” bán mặt hàng này từ nhiều năm nay và giá mỗi chiếc khuôn hom cũng tới 4 – 500.000  đồng.

Trở lại câu chuyện với Boóc, anh cho biết: “Chợ Xuân Lai họp phiên thứ Tư, thứ Bảy; chợ Phúc An họp lệch sang thứ Năm, Chủ nhật nên bà con bên em cũng kiếm được đồng tiền chi tiêu”.

Như Boóc nói chuyện thì nhờ có cái nghề đan rọ tôm ở Yên Bình mà bà con ở bên quê anh giờ đây nhà nhà ham nhận khoán rừng, biết bảo vệ rừng để khai thác tài nguyên hợp lý, tạo kế sinh nhai. Nhà có rừng nứa, rừng giang mà không có người đi chợ thì bán nguyên liệu cho những nhà có người cao tuổi chẻ nan, chẻ lạt cho con cháu mang đi bán.

Còn nhà nào có nứa, có giang mà làm luôn thành nan, thành lạt đi bán thì lợi nhuận càng cao hơn. Không chỉ có bên Hàm Yên mới làm như thế, mà các xã: Mỹ Gia, Cảm Nhân, Xuân Long, Tích Cốc… ở huyện Yên Bình cũng rất nhiều nhà có nguồn thu nhập đáng kể từ khoanh nuôi bảo vệ rừng. Vào mỗi phiên chợ, bà con ở Đông hồ lại nườm nượp mang nan, lạt, giang xuống chợ Xuân Lai, Phúc An bán để lấy tiền chi tiêu, hoặc để mua rọ tôm về để đánh bắt trên hồ.

Cô gái Tướng Thị Viên ở Phúc An cho biết: “Một ngày, em có thể đan được 70 đến 80 cái rọ tôm. Giá rọ đan bằng nứa dao động từ 3.000 đến 3.500 đồng/cái; rọ đan bằng vỏ tế thì từ 4.000 đến 4.500 đồng nên thu nhập bình quân của em đạt gần 200.000 đồng/ngày sau khi đã trừ tiền mua nguyên liệu”.

Tuy nhiên, người chuyên đan rọ chỉ là người già, còn người trẻ thì chỉ đan tranh thủ vào buổi trưa, buổi tối, ngày mưa gió, lúc nông nhàn. Chợ Xuân Lai bình quân mỗi phiên tiêu thụ khoảng 2 vạn cái rọ; chợ Phúc An thì bằng khoảng gần một nửa và chủ yếu là rọ nứa. Mỗi tuần 4 phiên chợ xã và với lượng rọ tôm như thế, đem nhân với giá bình quân của mỗi chiếc thì thu nhập hàng tuần từ rừng, từ nghề phụ của người dân vùng này quả là không hề nhỏ.

Quan trọng hơn là đã giải quyết rất tốt việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn. Nguồn thu này lại được chia sẻ cho nhiều đối tượng: người có rừng, người buôn rọ, người có nghề đan rọ, nhất là người già, trẻ nhỏ cũng có thể làm tốt công việc này. Hiệu ứng kinh tế còn làm cho người dân biết trân trọng những lợi ích từ tài nguyên rừng để bảo vệ, phát triển môi trường rừng. Nhìn ở góc độ rộng hơn, nghề rọ tôm còn gián tiếp tạo sinh kế cho hàng vạn người đánh bắt thủy sản trên các hồ đập lớn; đặc biệt là, ở những hồ đập nhiều tôm sẽ cho người đánh bắt tôm có cuộc sống ổn định, thậm chí là thu nhập khá.

Đáng mừng hơn, đó là triển vọng kinh tế từ nghề rọ tôm đã khẳng định được tính bền vững, bởi thị trường tiêu thụ khá rộng, môi trường đánh bắt thủy sản đã mang tính ổn định lâu dài; nhu cầu đời sống con người luôn gắn với những đòi hỏi thực phẩm ngày càng cao từ tôm cá; nghề đánh bắt tôm trên các hồ đập lớn hiện vẫn chưa có phương tiện nào hiệu quả hơn kiểu đánh bắt truyền thống bằng rọ tôm.

Thế nên, người dân ở vùng Đông hồ về lâu dài vẫn sống được bằng nghề đan rọ tôm mà không hề ảnh hưởng đến những công việc chính như gieo trồng cây lương thực, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà, buôn bán nông - lâm sản…

 Hoàng Nhâm

Các tin khác
Tỷ lệ giảm sinh ở 72 xã đặc biệt khó khăn giảm 0,4%o.

YBĐT - 2016 là một năm nhiều khó khăn đối với công tác dân số. Về mặt nguồn nhân lực, cấp xã chưa có biên chế cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ), số biên chế đã được giao cho 50 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn cũng chưa được phê duyệt phương án tuyển dụng.

Lãnh đạo thành phố Yên Bái tặng giấy khen cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác quân sự, quốc phòng.

YBĐT - Nhiều năm liền, Ban Chỉ huy quân sự phường Yên Ninh được UBND thành phố Yên Bái tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự-quốc phòng.

Đại diện Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tặng hoa chúc mừng Đại hội

YBĐT - Ngày 14/2, Đại hội Chi đoàn Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017 - 2019 đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Đây là đại hội điểm của Chi đoàn trực thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 14/2, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết một đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đã đi Lai Châu để điều tra làm rõ nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục