Đừng để loạn thần vì rượu!

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/10/2017 | 8:06:22 AM

YBĐT - Rượu bia là tác nhân gián tiếp gây ra nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông... Không phải ngẫu nhiên mà người ta dùng từ "ma men” để nói về rượu và những anh nghiện rượu.

Vì nghiện rượu nên nhiều người phải đến bệnh viện đều trị bệnh tật.
Vì nghiện rượu nên nhiều người phải đến bệnh viện đều trị bệnh tật.

Từ khi thức giấc, những người này đã làm một ngụm to, rồi lai rai từ sớm tới đêm khuya, cứ ra một chén, vào một ngụm, người nghiện rượu chẳng khi nào tỉnh táo. Họ lèm bèm chửi bới, than thân, trách phận, khóc lóc kêu than, rồi lầm lỳ, bất động như chứng tự kỷ. Khi ấy, người nghiện rượu đã chính thức mắc bệnh loạn thần, hoang tưởng. Tất cả những khổ đau, phiền muộn từ đây người thân của họ phải gánh chịu.

 Tại Khoa Hồi sức -  Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103, điều dưỡng Phan Thu Hương sau rất nhiều nỗ lực, có cả sự trợ giúp của đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân mới cắm dịch truyền cho bệnh nhân Dương Văn Bình, 45 tuổi (tên nhân vật đã được thay đổi) ở xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên bởi ông Bình liên tục lăn lộn, kêu gào, chửi bới. Khi đã kiệt sức, bệnh nhân mới thiếp đi, nằm như dính xuống giường, cơ thể tiều tụy, gầy gò, nước da tái mét, râu tóc bù xù.
 
Phía bên ngoài hành lang, chị Lý - vợ ông Bình tiều tụy chẳng kém. Chị thở dài thườn thượt rồi mong các y, bác sỹ thông cảm cho anh chồng nghiện rượu của mình. Có lẽ quá quen với việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu và xử lý những tai nạn khác của người say rượu nên kíp trực đều im lặng, chỉ có điều dưỡng Thu Hương lên tiếng: "Không có gì đâu, người nhà đừng đi đâu nhé, có gì hỗ trợ chúng tôi”.

Khi mọi chuyện trở nên yên ắng, bác sỹ Hồ Hữu Hóa – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hữu Nghị 103 cho biết: "Chuyện phải cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến rượu là quá thường xuyên rồi. Đáng tiếc là phần lớn đối tượng này ở nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Họ đều là đàn ông đang trong độ tuổi lao động, từ 35 đến 55 tuổi. Dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội, cưới hỏi, số bệnh nhân còn đông hơn, bên cạnh số tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, những trường hợp đánh đấm, đâm chém nhau vì rượu rồi đưa nhau đến viện để xử lý, khâu vá cũng không ít”.
 
Chưa có thống kê nhưng số người nhập viện, trong tình trạng loạn thần, hoang tưởng do rượu, ảo giác chiếm ưu thế, có nhiều trường hợp còn bị mất trí do rượu đang gia tăng. Điều đáng nói, các trường hợp nghiện rượu nhập viện rất trễ. Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần kèm bệnh nội khoa nặng mới đưa đi cấp cứu. Thông thường, bệnh nhân tử vong do nhiều bệnh nội khoa nặng kèm theo, như: loét bao tử, viêm gan, xơ gan, lao phổi, suy thận…

Cũng theo bác sỹ Hồ Hữu Hóa, một trong nhóm loạn thần do rượu hay gặp là bệnh hoang tưởng, ảo giác, thường hình thành và phát triển trên người uống rượu nhiều năm (trên 10 năm, có thể nghiện hoặc không nghiện). Người bệnh luôn coi mình là đúng và luôn cảm thấy như có người nói bên tai.
 
Thời gian đầu mắc bệnh hoang tưởng, người bệnh uống rượu say sẽ xuất hiện biểu hiện ghen tuông, khi hết say thì hết ghen. Khi đã nghiện rượu lâu ngày, hoang tưởng xuất hiện cả lúc không uống rượu với các biểu hiện luôn nghi ngờ vợ ngoại tình, tìm cách theo dõi, hành hạ, đánh đập, thậm chí giết cả vợ con. Có người ảo giác luôn nhìn thấy ma quỷ ám hại… Bản thân người bệnh cũng có rất nhiều các rối loạn cơ thể kèm theo, như: thần kinh thực vật, chức năng gan, tim mạch suy giảm…

Nhà có hai hoặc ba lao động chính mà một người không hề làm việc, suốt ngày chỉ uống rượu rồi chửi bới, hành hạ các thành viên còn lại nên đại đa số gia đình có người nghiện rượu đều khánh kiệt về kinh tế. Trong hoàn cảnh ấy, người nghiện rượu đổ bệnh, đặc biệt là bệnh loạn thần, mất trí nhớ, kèm với các bệnh nội khoa như tim mạch, gan, thận… khó mà chạy chữa. Chưa kể, vợ con, người thân đã quá chán nản, dễ sinh ra bỏ mặc, trong khi những căn bệnh này đòi hỏi phải chạy chữa dài ngày, tốn kém tiền bạc và công sức.
 
Chị Nguyễn Thanh Hoa ở xã Minh Quán, huyện Trấn Yên đưa vạt áo bạc màu lên lau dòng nước mắt rồi phân trần: "Em muốn thương chồng cũng chẳng được bởi anh ấy có thương bản thân mình đâu. Đánh đập, chửi rủa, em chịu được hết. Không làm ra nổi một đồng nhưng bắt chó, vồ gà, rồi xúc trộm thóc của nhà đi đổi rượu, em cũng tha thứ. Đến khi say rượu, ngã vỡ đầu, tụ máu não, gần đất xa trời rồi mà khi vừa tỉnh được hai hôm, vẫn phải điều trị tích cực mà lúc vợ con bón cháo cho ăn cứ kêu nhạt mồm không nuốt nổi. Rồi khai thật là không có ngụm rượu là không ăn được thứ gì. Mười mấy năm nghiện rượu đã khiến chồng em tàn tạ sức khỏe, kinh tế gia đình vào loại nghèo nhất xã. Rồi anh ấy đập phá lung tung, đi lang thang rồi tai nạn mà chết. Món nợ chồng nghiện rượu để lại giờ này em chưa trả hết”.

Câu chuyện của chị Hoa và trường hợp anh Bình không phải là hiếm gặp mà đang  phổ biến ở nhiều vùng quê. Rất nhiều người uống rượu triền miên; vui uống, buồn uống, chẳng vui, chẳng buồn... cũng uống. Đám ma, đám cưới, đám mừng nhà mới… họ uống vô tội vạ. Rượu uống nhiều thì say, rồi phát sinh vô số hậu quả; uống lâu sinh nghiện, nghiện rượu sinh nhiều bệnh tật. Đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế và ngăn chặn tệ nạn uống rượu đang là việc rất nên làm, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Đừng để "ma men” hủy hoại thể xác, đày đọa tinh thần thêm nữa! Những ai còn mê mẩn với loại "thuốc độc” này thì hãy dừng lại trước khi quá muộn!

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT- Mua hàng Việt cũng là thêm một cử chỉ yêu nước, biết trân trọng và thích sử dụng hàng Việt cũng lại là thêm một hành động yêu nước nữa. 

Đêm nay và ngày mai (10/10), áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ) nên thời tiết các khu vực trong tỉnh Yên Bái có mưa vừa (có nơi mưa to) và dông.

Cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về ứng phó áp thấp nhiệt đới sáng 9/10. (Ảnh: phongchongthientai.vn)

Sáng 9/10, tại Hà Nội, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo tổ chức cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới gần bờ.

Cơ sở sản xuất chè của anh Hồng (đứng giữa) đã tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

YBĐT - Cây chè Shan được xác định là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn. Hiện, toàn xã có trên 355 ha chè ở cả 10 thôn, trong đó 255 ha đang cho thu hoạch với sản lượng đạt khoảng trên 2.000 tấn búp/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục