Giúp trẻ vượt qua nỗi đau

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/10/2017 | 1:51:19 PM

YBĐT - Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 21 vụ hiếp dâm trẻ em, 35 vụ giao cấu với trẻ em, 8 vụ dâm ô với trẻ em. Số vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em ngày càng có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và tính chất nghiêm trọng.

Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng tiếp nhận thông tin qua các số điện thoại 02163.852.160 – 0988.441.339 – 0918.901.982.
Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng tiếp nhận thông tin qua các số điện thoại 02163.852.160 – 0988.441.339 – 0918.901.982.

Em T, sinh năm 2007, ở với bà ngoại tại thành phố Yên Bái. Một lần, trong lúc bà ngoại đi vắng, T ở nhà thì một người hàng xóm sang. Thấy T có một mình, hắn đã thực hiện hành vi XHTD với T. Khi bà đi chợ về, thấy T mếu máo, bà đã vội vàng kiểm tra thì phát hiện cháu T có vết bầm bên ngoài nên đã trình báo tới cơ quan chức năng.
 
Sau khi được tiếp nhận thông tin ban đầu về trường hợp của em T, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo vệ xã hội tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) đã cử nhân viên xã hội đến gia đình để xác minh thông tin và động viên, chia sẻ với gia đình. Được biết, trường hợp của T đã được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quan tâm, vụ việc cũng đã được đưa ra ánh sáng.
 
Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình em T tương đối khó khăn. T mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng. Em ở cùng bà ngoại, lại là trẻ khuyết tật nhưng vẫn chưa được hưởng trợ cấp hàng tháng đối với trẻ khuyết tật. Nhận thấy vấn đề mà T và gia đình gặp phải, nhân viên công tác xã hội đã làm việc với UBND phường nơi hai bà cháu sinh sống để trợ giúp hoàn thiện hồ sơ hưởng trợ cấp cho T, giúp giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống cho 2 bà cháu.

Trường hợp của cháu A ở huyện Lục Yên, sau khi được tiếp nhận thông tin, nhân viên công tác xã hội của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh đã thu thập thêm thông tin qua gia đình, chính quyền địa phương, đánh giá sơ bộ nguy cơ, những tổn thương trẻ gặp phải và xây dựng phương án can thiệp, hỗ trợ.
 
Sau khi triển khai, cháu A đã ổn định tâm lý, sức khỏe thể chất, tinh thần; chính quyền đã hỗ trợ thủ tục nhập học, nhà trường tạo mọi điều kiện để cháu A hòa nhập tốt, không bị kỳ thị, xa lánh. Nhân viên còn kết nối gia đình với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ. Qua đó, gia đình cháu A đã có nhận thức đầy đủ về mặt pháp lý, giải tỏa được những bức xúc, tin tưởng vào chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Chị Phạm Thị Làn - Trưởng phòng Công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh cho biết: "Trung tâm đã và đang nỗ lực thực hiện các hoạt động theo chức năng nhiệm vụ để giúp phòng tránh XHTD trẻ em và can thiệp, trợ giúp các trường hợp trẻ xâm hại hoặc có nguy cơ bị XHTD. Đặc biệt, từ tháng 8/2016, đường dây tư vấn miễn phí 18001776 của Trung tâm đi vào hoạt động là một kênh quan trọng để Trung tâm tiếp nhận các thông tin liên quan đến XHTD trẻ em từ cộng đồng. Để cộng đồng biết đến đường dây nóng này, chúng tôi đã và đang chú trọng vào công tác truyền thông bằng nhiều hình thức như: thông qua Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái, in và phát tờ rơi cho các xã trên địa bàn tỉnh và thông qua các buổi truyền thông, truyền thông lồng ghép để tuyên truyền, phổ biến với người dân để họ nắm được về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm nói chung và đầu số của tổng đài nói riêng”.
 
Được biết, từ khi đi vào hoạt động, thông qua đường dây nóng, Trung tâm đã tiếp nhận và trợ giúp được 11 trường hợp liên quan đến XHTD trẻ em. Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm đã cử nhân viên công tác xã hội đến nhà để xác minh thông tin, thăm hỏi, động viên các em và gia đình.
 
Căn cứ vào những tổn thương về thể chất và tâm lý của nạn nhân và nhu cầu của gia đình để có hướng trợ giúp phù hợp: tư vấn ổn định tâm lý, kết nối trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, tư vấn trợ giúp thụ hưởng chính sách với nạn nhân bị xâm hại là trẻ khuyết tật và kết nối chuyển gửi đến Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng của Hội Phụ nữ tỉnh để trẻ được trị liệu tâm lý và học nghề, hỗ trợ sinh kế.

Tổ chức Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng đã và đang có những hoạt động giúp phòng chống, can thiệp, trợ giúp trẻ bị XHTD. Đặc biệt, từ tháng 12 năm 2015, dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam, Hội Phụ nữ tỉnh đã triển khai Dự án thí điểm mô hình Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng cho các nạn nhân bị bạo hành trên cơ sở giới, trong đó có hoạt động hỗ trợ trẻ em gái là nạn nhân của XHTD tái hòa nhập cộng đồng.

Để cộng đồng biết đến hoạt động của Trung tâm cũng như nâng cao nhận thức cho người dân về các vấn đề phòng chống lạm dụng tình dục trẻ em, mua bán người, bạo lực gia đình, Hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tuyên truyền giới thiệu mô hình Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng và kiến thức về các vấn đề này tại các buổi sinh hoạt chi hội, trên website của Hội Phụ nữ tỉnh, trên fanpage của Trung tâm và qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép tuyên truyền tại các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hội phụ nữ cơ sở; tuyên truyền qua card visit, tờ rơi...
 
Nhờ đó, đến nay, nhiều người đã tìm đến sự hỗ trợ của Trung tâm, trong đó có nạn nhân của XHTD và được Trung tâm tích cực hỗ trợ. Sau khi bị người hàng xóm thường xuyên XHTD, cháu H, 10 tuổi ở Văn Chấn rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng dẫn đến việc tự sát.
 
Sau khi tiếp nhận thông tin, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng trực tiếp đến thăm hỏi, tư vấn và đưa cháu đi trị liệu tâm lý tại Tổ chức Hagar Hà Nội. Đến nay, H đã ổn định tâm lý, hòa nhập với cộng đồng và tiếp tục theo học văn hóa tại đây.
 
Cháu L, 13 tuổi, ở thành phố Yên Bái cũng luôn trong tâm trạng hoảng loạn, sợ hãi sau khi trở thành nạn nhân XHTD. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng đã đưa L đi thăm khám tại cơ sở y tế và hỗ trợ điều trị tâm lý tại Hà Nội. Trung tâm còn phối hợp với các cơ quan liên quan như: Công an tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trong quá trình đưa vụ việc ra ánh sáng.

Chị Trần Thanh Huyền - điều phối viên Dự án thí điểm mô hình Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng cho biết: "Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ tâm lý kịp thời cho 10 trường hợp bị XHTD, chủ yếu là hỗ trợ về tâm lý và phối hợp với cơ quan chức năng thúc đẩy quá trình xác minh điều tra cũng như đề nghị luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án XHTD. Hội Phụ nữ đã chuyển tuyến 2 trường hợp về Tổ chức Hagar quốc tế để hỗ trợ tâm lý và giáo dục, đưa đi khám chữa bệnh 1 trường hợp, tổ chức thăm hỏi và làm việc với gia đình của 2 thân chủ”.

Trong nỗ lực phòng, chống XHTD trẻ em, các văn bản, quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống XHTD trẻ em được các cấp, các ngành chức năng nghiêm túc triển khai. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống XHTD trẻ em cũng đã được triển khai bằng nhiều hình thức như: qua phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tập huấn chuyên sâu về quản lý trường hợp trẻ bị XHTD; thành lập các câu lạc bộ cho trẻ, cho cha, mẹ, các mô hình tại địa phương nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ dựa vào cộng đồng...

Trong khuôn khổ Dự án "Chấm dứt bạo lực ở trẻ em” (EVAC) tại tỉnh Yên Bái do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam triển khai từ tháng 10/2016 trên địa bàn hai huyện Lục Yên và Văn Chấn, một số hoạt động liên quan đến phòng, chống XHTD trẻ em cũng đã được triển khai, đặc biệt là các hoạt động truyền thông và tập huấn về phòng, chống XHTD trẻ em.
 
Chị Nguyễn Thị Duyên - chuyên viên phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Văn Chấn, cộng tác viên Dự án EVAC cho biết: "Thông qua các hoạt động, người dân có thêm kiến thức, kỹ năng về phòng chống XHTD trẻ. Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền về kỹ năng phòng tránh XHTD trẻ em của ban bảo vệ trẻ em các xã trong Dự án đã giúp cho cộng đồng nắm được các kỹ năng này một cách dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện”.

Trong công tác xét xử, từ năm 2015 đến 20/5/2017, chỉ tính riêng các vụ án XHTD trẻ em theo các tội danh tương xứng được quy định trong Bộ luật Hình sự, tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã xét xử 53 vụ án XHTD trẻ em, trong đó 28 vụ giao cấu với trẻ em với 28 bị cáo, 10 vụ dâm ô với trẻ em với 20 bị cáo và 15 vụ hiếp dâm trẻ em với 16 bị cáo.
 
Thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố bản án quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử của tòa án từ ngày 1/7/2017, các bản án sau khi có hiệu lực pháp luật sẽ được mã hóa và công khai trên cổng thông tin điện tử của tòa án. Đây là kênh thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đó có pháp luật liên quan đến XHTD trẻ em đến đông đảo người dân.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, người dân đã có thêm kiến thức, kỹ năng về phòng, chống XHTD. Đặc biệt, sự can thiệp, hỗ trợ kịp thời giúp trẻ là nạn nhân của XHTD và gia đình giải quyết các khó khăn trước mắt và ổn định cuộc sống lâu dài.

Thu Hạnh – Hoài Anh

Các tin khác
Lực lượng chức năng giải phóng hành lang khu vực chợ ngã tư Nam Cường, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Là địa phương điển hình trong giải phóng hành lang hè phố, năm 2017, thành phố Yên Bái triển khai thực hiện công tác quản lý đô thị theo chủ đề: "Tăng cường quản lý trật tự đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư; từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật”, với quan điểm chỉ đạo rất quyết liệt, dứt điểm, địa bàn nào để xảy ra sai phạm thì chủ tịch UBND phường, xã đó phải chịu trách nhiệm...

Đồng chí Quách Quang Tuấn - Đoàn Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà tại Lễ tuyên dương Người thợ trẻ giỏi toàn quốc lần thứ VIII năm 2017.

YBĐT - Hơn 600 sáng kiến cải tiến kỹ thuật là con số tổng kết nhiệm kỳ 2012 - 2017 của đoàn viên, thanh niên Khối Doanh nghiệp tỉnh Yên Bái được áp dụng vào sản xuất. Điều này thể hiện tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ trong các doanh nghiệp, thiết thực làm lợi cho các đơn vị hàng tỷ đồng mỗi năm.

Đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ nhân dân phường Pú Trạng vận chuyển đồ đạc.

YBĐT - Mặc dù không có thiệt hại về người nhưng trận lũ lịch sử xảy ra rạng sáng 11/10 đã gây ra những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, đời sống của nhân dân phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Do vậy, công tác khắc phục hậu quả, triển khai hỗ trợ và ổn định đời sống cho nhân dân sau lũ đang được chính quyền phường khẩn trương triển khai.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Bắc Giang trao cờ luân lưu cho lãnh đạo Hội Nhà báo Hà Nội đăng cai Hội thảo năm 2018.

YBĐT - Hội Nhà báo Bắc Giang vừa chủ trì đăng cai tổ chức Hội thảo Hội nhà báo các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc và thành phố Hà Nội lần thứ XII năm 2017. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục