Hành trình tiếp cận xã Nậm Mười sau 5 ngày bị cô lập: Chỉ đạo quyết liệt, huy động tổng lực, quyết tâm cao độ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/7/2018 | 8:19:30 AM

YênBái - YBĐT - Dù chỉ cách quốc lộ 32 chừng 14 km nhưng 5 ngày sau cơn lũ đi qua, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn vẫn bị cô lập, chia cắt. Các tuyến đường lên xã đã gần như bị phá hỏng, nhiều điểm đứt gãy tạo thành khe suối.

Các lực lượng tư vấn đi khảo sát thiệt hại và phương án khôi phục đường lên xã Nậm Mười.
Các lực lượng tư vấn đi khảo sát thiệt hại và phương án khôi phục đường lên xã Nậm Mười.



Để tiếp cận trung tâm xã, các đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã cắt rừng đến thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ cũng như kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Nậm Mười nằm tít trên những ngọn núi cao nên nhìn từ xa cũng đủ thấy sự tàn phá khủng khiếp. Những vết trượt lở dội xuống từ trên đỉnh núi khiến nơi đây như vừa trải qua một trận bom kinh hoàng. Con đường liên xã bị vùi lấp, đứt gãy hàng chục đoạn, có những đoạn dài 200 - 300 m với khối lượng đất đá sạt lở hàng nghìn mét khối.
 
Quyết tâm tiếp cận xã Nậm Mười bằng mọi cách, đoàn công tác của tỉnh đã phải cắt rừng, đi bộ từ phía xã Sùng Đô sang để thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ; đồng thời, khảo sát thực địa, mở đường công vụ nhằm hỗ trợ, cứu nạn, sớm ổn định đời sống nhân dân. 

9 giờ sáng, cả đoàn bắt đầu cuốc bộ, tâm thế sẵn sàng vượt mọi gian nan.
 
Dù đã lường trước những khó khăn, nhưng nhiều đoạn phải lần bám từng chút để đi, thậm chí có những điểm mất hết mặt đường, bộ đội phải dùng cuốc, xẻng mở lối tạm. Cơn thịnh nộ của thiên nhiên lần này không xuất phát từ những khe hay những con suối mà từ trên những mỏm núi cao.
 
Mưa kéo dài nhiều ngày với lượng mưa lớn khiến đất đá mất độ kết dính cộng độ dốc cao, thảm thực vật mỏng đã làm hàng triệu mét khối đất đá dồn tụ, trơn tuột, tạo thành những dòng lũ đất, đá đẩy xuống phía dưới tràn lên vùi lấp những bản làng nhỏ bé.

Điểm đầu tiên đoàn công tác tiếp cận là bản Háo Pành - nơi sinh sống của gần 30 hộ dân. Lũ ập đến trong tích tắc mang theo đất đá và cuốn đi tất cả. Điều may mắn là cả bản đã kịp chạy thoát.
 
Chị Đặng Thị Ghến vẫn còn bàng hoàng: "Nghe tiếng ầm ầm từ trên cao và tiếng hô hoán của mọi người, gia đình tôi kéo nhau chạy ra khỏi nhà. Chỉ trong vài giây, căn nhà đã bị vùi lấp hoàn toàn. Mọi người đến giúp đỡ, dọn dẹp cũng chỉ lấy được một ít thóc nhưng đã mọc mầm”. Cũng từ khi mưa lũ xảy ra, đường sá bị chia cắt nên hôm nay, bà con mới đến hỗ trợ khắc phục hậu quả.
 
Anh Triệu Tòn Nái - một người dân bản Háo Pành cho biết: "Sau lũ, bà con và thanh niên trong bản đã trở lại để cùng nhau dọn dẹp, trục vớt lương thực cùng các đồ dùng còn sót lại”. 

Sau khi thăm hỏi, động viên dân bản Háo Pành, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác lại tiếp tục băng rừng đến với trung tâm xã Nậm Mười.
 
Gặp chúng tôi, những người cao tuổi ở đây cho biết, bao nhiêu năm ở đây chưa từng thấy trận lũ đá nào kinh khủng như vậy. Ông Đặng Kim Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Mười báo cáo nhanh về tình hình thiệt hại với đoàn công tác: xã có 2 người chết, 1 người mất tích; 23 nhà sập trôi hoàn toàn, 46 nhà hư hỏng nặng.
 
Ngoài ra, hệ thống đường giao thông lên xã bị tàn phá nghiêm trọng bởi có tới hàng chục điểm mặt đường đứt gẫy, việc khôi phục sẽ phải mất thời gian dài. Không những vậy, hệ thống điện lưới quốc gia, hạ tầng mạng di động cũng hoàn toàn tê liệt. Nậm Mười có 8 thôn thì tới 4 thôn bị thiệt hại nặng nề là: Háo Pành, Khe Trang, Ngã Hai, Làng Cò.

Dù chịu thiệt hại nặng nề, bị chia cắt và cô lập nhiều nơi nhưng xã Nậm Mười đã chủ động các phương án liên lạc, chỉ đạo những thôn, bản bị cô lập tạm ứng lương thực, thực phẩm cứu trợ cho nhân dân; đồng thời, huy động tất cả lực lượng, đoàn thể tổ chức khắc phục hậu quả, giúp nhân dân dọn dẹp, vận chuyển đồ đạc, di dời đến nơi an toàn. Công tác khắc phục ban đầu đều được địa phương thực hiện theo tinh thần "4 tại chỗ”.
 
Ông Đặng Kim Thọ cho biết thêm: "Bên cạnh hỗ trợ của các ngành chức năng khôi phục tuyến đường liên xã, địa phương đã huy động 1 máy xúc để hót, san gạt các điểm sạt lở vào thôn Làng Cò”.

Trao đổi với chính quyền địa phương và lãnh đạo các ngành tại UBND xã Nậm Mười, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác khắc phục hậu quả bão lũ, tìm kiếm cứu nạn, ổn định đời sống nhân dân. Đồng chí yêu cầu chính quyền xã tiếp tục triển khai các biện pháp cứu trợ, bố trí nơi tái định cư và di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đề cao cảnh giác trước diễn biến thời tiết phức tạp...
 
Rời trung tâm xã Nậm Mười, đoàn công tác tiếp tục đến bản Nậm Điếu, Làng Cò để kiểm tra, khảo sát các vùng bị cô lập.
 
Tại những nơi này, đoàn đã đến thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có nhà bị sập, trôi hoàn toàn. Trong gần 7 tiếng đồng hồ di chuyển, tiếp cận gần hết các thôn, bản bị cô lập của xã Nậm Mười, các đoàn công tác của tỉnh đã nắm bắt tình hình, đưa ra phương án hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng lũ. Trên cơ sở đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo huyện trong những ngày này chỉ đạo các lực lượng tích cực hỗ trợ giúp người dân khắc phục thiệt hại, trước hết là nhanh chóng ổn định đời sống.

Với quyết tâm cao nhất cùng các phương án cụ thể, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái đã tiếp cận được những địa bàn bị cô lập. Trong những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đã đặc biệt chú trọng, quan tâm và yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ phải đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, không để bất cứ một người dân nào bị đói, bị thiếu lương thực và nhu yếu phẩm.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy  cho biết: "Đối với việc khôi phục tuyến đường vào xã bị hư hỏng, qua khảo sát thực tế, đánh giá thực trạng, tỉnh sẽ hỗ trợ sửa chữa, nhưng trước mắt lựa chọn phương án tuyến đường khả thi nhất để không bị cô lập và khắc phục hậu quả trong thời gian sớm nhất”.
 
Về việc bố trí tái định cư, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần phải rà soát thật kỹ từng đối tượng, đặc biệt ưu tiên những hộ có nhà sập trôi hoàn toàn, bố trí quỹ đất tái định cư theo hai hướng: tập trung và xen ghép. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đến ngày 30/7 phải hoàn thành việc xác định địa điểm và phương án tái định cư cho từng hộ để bà con tiến hành dựng lại nhà ở, ổn định đời sống và sản xuất.

Hành trình tiếp cận xã Nậm Mười sau 5 ngày bị cô lập do mưa lũ đã cho thấy sự chủ động, cố gắng, trách nhiệm của địa phương trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Hành trình đó cũng thể hiện rõ nét sự chỉ đạo quyết liệt, huy động tổng lực, quyết tâm cao độ của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái đối với việc khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân vùng lũ.  
 
Hùng Cường - Văn Thông 

Các tin khác

YBĐT - Do ảnh hưởng của mưa lũ lớn kéo dài, tại Trấn Yên có 1 người bị chết và 4 người bị thương do sạt lở taluy; 20 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn ở các xã: Hưng Khánh, Lương Thịnh, Hưng Thịnh, Hồng Ca.

Gia đình bà Phạm Thị Trà ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định số 22.

YBĐT -Sau 5 năm thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây mới 3.343 nhà và sửa chữa cải tạo 532 nhà với tổng kinh phí thực hiện trên 80 tỷ đồng.

Các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh tại nghĩa trang liệt sỹ.

YBĐT - Tỉnh đã thường xuyên quan tâm chú trọng việc xây dựng nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ, mộ và nghĩa trang liệt sỹ. Hiện nay, toàn tỉnh có 59 công trình ghi công liệt sỹ. 

YBĐT - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã thực hiện sát nhập Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng thành Trung tâm Ứng dụng, Kỹ thuật, Thông tin KH&CN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục