Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, hiện toàn tỉnh có 4.263 người nhiễm HIV còn sống, trong đó có 1.582 người đang điều trị bằng thuốc ARV.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu bởi vì điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của virus do đó duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. ARV giúp người nhiễm HIV hồi phục được hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ. Theo tính toán, chi phí cho một bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bằng thuốc ARV theo phác đồ bậc 1 là 2.600.000 đồng/năm.
Trước đây, tất cả chi phí này đều chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của Quỹ Toàn cầu và Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, từ năm 2017, các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã dần bị cắt giảm. Vì vậy, tấm thẻ BHYT được coi là "tấm bùa hộ mệnh” cho các bệnh nhân nhiễm HIV.
Ngày 8/3 vừa qua, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt tổ chức sự kiện "Những bệnh nhân đầu tiên chính thức nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT”. Đây là sự kiện khởi động chính thức áp dụng điều trị, cấp phát thuốc ARV từ nguồn BHYT và là dấu mốc quan trọng trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Thông tư số 27/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, ngày 26/10/2018 có hiệu lực từ 1/1/2019 đã hướng dẫn bổ sung quyền lợi người nhiễm HIV được hưởng khi tham gia BHYT.
Theo đó, ngoài quyền lợi chung, người nhiễm HIV khi tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả thuốc kháng HIV; xét nghiệm HIV trong khám bệnh, chữa bệnh đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn nếu không được các nguồn kinh phí khác chi trả; kỹ thuật đình chỉ thai nghén ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV; khám bệnh, xét nghiệm HIV, thuốc kháng vi rút HIV và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khác liên quan đến HIV/AIDS đối với trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn trong khám, chữa bệnh; xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc kháng HIV đối với người phơi nhiễm với HIV, người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro (trừ các trường hợp tai nạn rủi ro nghề nghiệp đã được ngân sách Nhà nước chi trả); điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội.
Được biết, từ khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ việc mua thẻ BHYT, đồng thời hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV. Tính đến nay, tỷ lệ bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT đạt 96,2%.
Để tất cả bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ BHYT, tỉnh tập trung kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS để ký hợp đồng khám chữa bệnh qua BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường hiệu quả hoạt động khám chữa bệnh BHYT, thường xuyên rà soát, tổng hợp danh sách người nhiễm HIV chưa có thẻ BHYT trên địa bàn; tiến hành mua thẻ BHYT cấp cho người nhiễm HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, các cấp các ngành cần tăng cường công tác truyền thông để người nhiễm HIV/AIDS nhận thức được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT trong khám và điều trị bệnh; giảm kỳ thị phân biệt đối xử của cộng đồng với những người nhiễm HIV/AIDS để người nhiễm HIV/AIDS không sợ bộc lộ danh tính đăng ký tham gia BHYT để hưởng các chính sách hỗ trợ hiện có tại tỉnh.
Văn Thông