Hiện nay, mất vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung đang là vấn đề đáng lo ngại của toàn xã hội. Tình trạng này đã tới mức báo động đỏ trong đời sống, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Trước tình hình đó, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương đã có nhiều chủ trương, biện pháp và chính sách nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nói chung và phát triển sản xuất rau an toàn nói riêng.
Tại tỉnh Yên Bái, những năm gần đây, đã có rất nhiều chính sách cho phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa trên địa bàn nói chung và sản xuất chuỗi giá trị sản xuất rau an toàn nói riêng.
Từ năm 2015 đến nay, diện tích rau được công nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn ngày càng được mở rộng như: mô hình sản xuất rau thủy canh tại xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái quy mô 0,2 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị thuộc chương trình dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng chuỗi giá trị sản xuất rau an toàn tại huyện Văn Yên", Hợp tác xã Thanh niên Q&C ở xã Đại Phác có quy mô 3 ha với 30 loại rau củ các loại.
Đề án sản xuất rau an toàn tại thành phố Yên Bái xây dựng được 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo chuỗi được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại 3 xã: Tuy Lộc, Âu Lâu, Văn Phú với tổng quy mô 9 ha; Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Trấn Yên”; tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Yên Bình cũng đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn tập trung...
Năm 2019, Dự án "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Trấn Yên” được triển khai. Dự án do Sở Khoa học- Công nghệ quản lý, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau - hoa - quả Gia Lâm là đơn vị chủ trì thực hiện tại huyện Trấn Yên với 14 hộ tham gia, chủ yếu tập trung tại 2 thôn Minh Tân và Minh Phú, xã Minh Tiến. Đây là 2 thôn có diện tích đất ven sông, thuận lợi về giao thông và hệ thống tưới tiêu, người dân trong thôn đa phần là làm nông nghiệp, có kinh nghiệm trồng rau từ lâu đời.
Dự án tiến hành xây dựng 0,2 ha nhà lưới và 1 ha là diện tích trồng rau ngoài trời. Chủng loại rau gieo trồng là cà chua, dưa chuột, su hào, cải ngọt, mùng tơi, rau muống. Rau được sản xuất quanh năm, khu vực sản xuất được đánh số, phân lô.
Dự án nhằm mục tiêu xây dựng 1 chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao trình độ, nhận thức và trách nhiệm của người dân trong sản xuất rau an toàn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, kết nối thị trường tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho người trồng rau thông qua liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các cửa hàng, siêu thị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận...
Trong 6 tháng đầu năm 2019, mô hình đã cho thu hoạch gần 4 tấn rau các loại, sản phẩm đầu ra có mẫu mã đẹp, được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn so với rau sản xuất theo quy trình truyền thống, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Ông Nguyễn Cảnh Hiếu - Bí thư Đảng ủy xã Minh Tiến trao đổi: "Sự chuyển biến rõ nét nhất của người dân địa phương khi được tiếp cận Dự án đó là đã phân biệt được kỹ thuật sản xuất rau an toàn với sản xuất rau truyền thống, đã nhận biết được thế nào là rau an toàn và từ đó tập trung cho sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, số lượng và giá trị của sản phẩm trên thị trường, góp phần tăng thu nhập.
Sau một thời gian triển khai, đến nay, cơ bản các hộ dân tham gia Dự án đã chủ động được kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó cây giống được sản xuất theo đúng quy trình, hạt giống được xử lý nấm bệnh, quá trình tưới nước bón phân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, ghi chép nhật ký sản xuất... Vì vậy, khách hàng rất tin tưởng vào các sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGAP của các hộ dân tham gia Dự án”.
Hiện nay, Dự án vẫn đang trong quá trình triển khai, thời gian tới sẽ tiếp tục sản xuất rau trong nhà lưới, ngoài tự nhiên, giám sát tiến độ thực hiện Dự án, phấn đấu đến cuối năm đơn vị chủ trì sẽ phối hợp với các đơn vị chuyên ngành kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP cho vùng sản xuất rau của Dự án, tiến tới hình thành chuỗi liên kết sản xuất rau, kết nối thị trường tiêu thụ đầu ra ổn định cho người trồng rau thông qua liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo nguồn rau an toàn cung cấp cho thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Phan Thu Hương (Trung tâm ƯDKTTT Sở KH&CN tỉnh Yên Bái)