Ngày lễ, ngày tết, dân gian vẫn duy trì tục đốt đồ mã cho người đã khuất. Tục lệ này ngày càng phát triển, lượng đồ mã ngày càng nhiều, số tiền bỏ ra mua sắm ngày càng lớn, nhà ít thì vài chục nghìn, vài trăm nghìn, nhiều nhà dịp rằm tháng Bảy đốt vài triệu tiền mã là chuyện thường; số doanh nghiệp trước khi động thổ xây dựng công trình, khai mỏ, khai trương… đốt vài chục, vài trăm triệu tiền đồ mã cũng không phải là hiếm. Vậy việc đốt vàng mã đến từ đâu, có nên đốt vàng mã hay không? Còn biết bao câu chuyện khác nữa xung quanh vấn đề này!
Nghiên cứu văn hóa tâm linh cho thấy, tại một số nước, nhất là Trung Quốc có quan niệm sống trên đời mấy chục năm chỉ là tạm thời, chết đi, xuống âm phủ mới là mãi mãi; đặc biệt là quan niệm trần sao, âm vậy! Tại Trung Đông, những ông vua Ai Cập xưa kia cho xây lăng mộ rất lớn, khi chết được chôn theo vàng, bạc, châu báu, cung tần mỹ nữ để sang thế giới bên kia được hưởng lạc.
Người Trung Quốc không chôn cất vàng, bạc, châu báu, không chôn theo cung tần mỹ nữ thật nhưng lại làm vàng, bạc, hình nộm mỹ nữ, sau này là nhà cửa, tài sản mã để hóa gửi cho người chết. Việt Nam phần nào bị ảnh hưởng từ nền văn hóa của họ, tục đốt đồ mã cho người đã khuất dần hình thành, phát triển trong đời sống nhân dân. Không nói thì ai cũng biết, việc đốt vàng mã cho người chết thể hiện sự tôn kính, biết ơn họ chỉ là chuyện nhỏ, mục đích lớn chính là mong họ phù hộ cho khỏe mạnh, làm ăn phát đạt; chưa kể, nếu không đốt thì sẽ bị vong linh của trách, phá phách, không cho làm ăn yên ổn...
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, vấn đề đốt vàng mã nhuốm đậm màu sắc mê tín, dị đoan. Đối với vấn đề xã hội, đốt vàng mã rất tốn kém, góp phần hủy hoại môi trường (vàng mã làm từ tre nứa, quá trình sản xuất sử dụng hóa chất và thải ra môi trường nhiều chất thải nguy hại), chưa kể một số vụ hỏa hoạn do lửa đốt vàng mã gây ra.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ - trụ trì chùa Giác Ngộ, hiện đang giữ chức Phó trưởng Ban Phật giáo Quốc tế thuộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thì trong 30.000 cuốn kinh do Đức Phật viết, không có lời dạy nào về việc đốt vàng mã. Thượng tọa Nhật Từ cũng khẳng định: "Việc đốt vàng mã là không đúng với tinh thần của Phật giáo.
Quan niệm của Phật giáo rất rõ ràng là không có âm phủ, không có cái gọi là "thế giới bên kia”, con người ta chết đi sẽ nhanh chóng được tái sinh. Tục đốt vàng mã cần được loại bỏ. Rất tiếc, hiện nay tại nhiều cơ sở tâm linh, thậm chí là nhiều nhà sư vẫn chiều lòng phật tử và du khách, cho phép việc đốt vàng mã trong các ngôi chùa, nhiều ngôi chùa còn xây cả lò hóa vàng cho phật tử và du khách; làm như vậy không những trái với tinh thần Phật giáo mà còn ít nhiều cổ súy cho mê tín, dị đoan”.
Trở lại với câu chuyện đốt mã trong dịp Rằm tháng Bảy. Thời điểm này, các cơ sở sản xuất vàng mã đã và đang làm hết công suất, cửa hiệu bán vàng mã đã bày biện đủ các mặt hàng, sẵn sàng chiều lòng những con cháu "hiếu thảo” với người đã khuất. Đồ mã thì vô cùng đa dạng, đúng với tinh thần "trần sao âm vậy”.
Nào voi, ngựa, mỹ nhân, nào ô tô xe máy, điện thoại di động, quần áo, mũ nón, giày dép; riêng tiền bạc thì có đủ loại từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng rồi ngân hàng địa phủ, USD, EURO, hình dạng, màu sắc như thật.
Ông M, ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái nói vui: "Chính phủ kiềm chế lạm phát rất tốt mà dưới âm phủ quản lý kinh tế vĩ mô chẳng ra gì, lạm phát có lẽ là mấy chục phần trăm. Cứ nhìn vào lượng tiền và mệnh giá đồng tiền mà vợ tôi gửi cho các cụ là biết rõ điều đó”. Anh Lê Thanh Phong ở Cổ Phúc - Trấn Yên thì hài hước: "Gửi cho các cụ xe ô tô và nhiều rượu tây thế này thì các cụ bị "cảnh sát giao thông âm phủ” thu xe là cái chắc!”. Bà Liên đang lựa đồ mã chuẩn bị cho lễ xá tội vong nhân ở chợ Yên Bái của trách: "Toàn báng bổ thánh thần, các cụ dạy rồi, "trần sao âm vậy" cơ mà!”.
Nghe chuyện, ông K - hàng xóm thủng thẳng: "Có tâm, có đức thì thể hiện với nhau khi còn sống, cái quý hơn khi chăm nhau lúc ốm đau, hoạn nạn. Khi người thân qua đời rồi thì đến ngày lễ nên tưởng nhớ công lao, từ đó phát huy truyền thống gia đình, dạy bảo nhau tiến bộ. Cúng lễ là phong tục dân gian, nhưng đừng quá coi trọng lễ vật, càng không nên đốt mã một cách u mê, cuồng tín, để rồi đốt tiền âm, "cháy" tiền trần không đâu!”.
Lê Phiên