Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập Nhà báo và Công luận khẳng định, việc phát triển kinh tế báo chí, bảo đảm nguồn thu từ lâu đã là bài toán nan giải của các tòa soạn, đặc biệt với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Đại dịch COVID-19 như siêu bão khủng khiếp quét qua, để lại những dư chấn nặng nề lên nền kinh tế nói chung, ngành công nghiệp truyền thông nói riêng càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách với giới báo chí.
Phần lớn các tòa soạn bị sụt giảm tới 50% doanh thu và có thể, còn tiếp tục nhiều hơn thế nữa. Để có thể cầm cự, duy trì sự tồn tại, hoàn thành tốt nhiệm vụ thông tin của mình, hầu hết các tòa soạn vừa phải cắt giảm triệt để chi phí vừa phải nỗ lực tìm kiếm nguồn thu mới.
Chia sẻ với khó khăn của các cơ quan báo chí trong bối cảnh số, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông) cho biết, với hơn 900 cơ quan báo chí ở các loại hình, nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị trường quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống.
Tại diễn đàn, các đại biểu bàn luận đến những giải pháp đa dạng hóa nguồn thu cho các cơ quan báo chí, nhất là với những đơn vị tự chủ về tài chính. Phần lớn giải pháp tập trung vào vấn đề đầu tư công nghệ để đổi mới nội dung, sản phẩm truyền thông, tăng tính hấp dẫn, thu hút độc giả; hợp tác chia sẻ thông tin trên nền tảng số hóa; siết chặt vấn đề bản quyền sản phẩm truyền thông, báo chí.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra những đề xuất, hiến kế cũng như thống nhất về một thông điệp trong đó đề xuất những kiến nghị về chính sách để báo chí tiếp tục phát triển nguồn thu, bảo đảm kinh tế báo chí...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư đề xuất để thuế về 0% trong hoạt động báo chí. Bởi đóng góp của các cơ quan báo chí vào tổng thu nhập quốc dân không đáng kể và nên có sự hỗ trợ đối từ Chính phủ. Đồng thời có sự phân biệt rạch ròi giữa cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn, cơ quan báo chí tự chủ 1 phần và cơ quan báo chí bao cấp để từ đó đưa các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của một cơ quan báo chí, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định đề nghị Nhà nước nên làm rõ các chính sách về kinh tế báo chí, liên quan đến hoạt động kinh doanh trong mặt báo và ngoài mặt báo; đồng thời duy trì việc đặt hàng các báo trong việc tuyên truyền chính sách và trả phí cho việc tuyên truyền đó. Đây là việc cần thiết để đảm bảo sự công bằng và khẳng định vai trò của báo chí.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ kiến nghị tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp trong hoạt động báo chí nước nhà.
Bên cạnh việc kiến nghị, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, các cơ quan báo chí phải có bản sắc riêng, mang tính đặc thù. Đồng thời không ngừng ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực truyền thông trong cơ quan báo chí và thiết lập mối quan hệ đồng hành một cách đúng đắn với các thành phần trong xã hội, mà trực tiếp là các doanh nghiệp.
(Theo dangcongsan.vn)