Trong Bảo tàng Thành Cổ, chúng tôi đã được xem, được đọc một trong những bức thư cuối cùng của anh viết trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ - một kỷ vật thiêng liêng lưu giữ những cảm xúc với một tâm thế vững vàng đến kỳ lạ của người chiến sĩ cách mạng đã nguyện một lòng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cho ngày chiến thắng, thống nhất giang sơn.
Thư đề Quảng Trị ngày 11 tháng 9 năm 1972 - ngày thứ 77 trong 81 "ngày đêm đỏ lửa” ở Thành Cổ: "Toàn gia đình kính thương! Hôm nay con ngồi đây, biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất" thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột".
Một dự cảm, một sự kiên định, sẵn sàng hy sinh và làm chủ hoàn cảnh của người chiến sĩ trong những ngày giờ khốc liệt nhất của cuộc chiến đấu ở một nơi khốc liệt nhất của chiến trường đánh Mỹ.
Trong thư, đầu tiên anh nói với mẹ: "Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi... Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình. Con mong ... mẹ đừng buồn nhiều, mạnh khỏe cho đời mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất... Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi... Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau...".
Trong tủ kính trưng bày, lá thư của người chiến sĩ công binh Lê Văn Huỳnh hiển hiện lên những dòng rắn rỏi, rõ ràng. Dự cảm được sự ra đi của mình, với hạnh phúc riêng của mình, anh nhắn mẹ: "Chúng con sống với nhau chẳng được bao lâu, đã... Chắc em nó buồn lắm... mẹ động viên em thay con. Theo con đời em còn trẻ lắm. Nếu ai người ta thông cảm thì mẹ động viên em nên đi thêm bước nữa".
Dành riêng cho người vợ mới cưới, trong thư anh viết: "Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em bao nhiêu tình yêu thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều. Song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau... Anh rất hiểu, biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh thì em ơi, hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe, yêu đời".
Không ai trong chúng tôi cầm được nước mắt, người hướng dẫn viên giọng thuyết minh nghẹn lại vì xúc động. Trong bom đạn khốc liệt của kẻ thù, người chiến sĩ cách mạng cho dù xót xa trước mất mát của người mẹ, người vợ thân yêu nhưng thư biên cũng không hề bi lụy, một tâm hồn người con đất Việt với khí phách hiên ngang và niềm tin tưởng tuyệt đối vào một ngày chiến thắng: "Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người quen thuộc trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống trong hòa bình hãy nhớ tới anh!".
Điều kỳ lạ, trong bức thư này, Lê Văn Huỳnh đã dự cảm đúng ngày anh hy sinh: ngày 02/1/1973. Và nơi anh hy sinh: "...
Thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nham Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ thấy... ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn".
Và sau này, năm 2002, khi đi tìm mộ của anh, gia đình và chính quyền địa phương đã tìm thấy anh yên nghỉ ngay cạnh thôn Nham Biều 1, gia đình đã tìm được hài cốt và đón anh về yên nghỉ tại quê hương Thái Bình.
Lá thư của Lê Văn Huỳnh đã không kịp tới tay người mẹ, người vợ, đứa cháu đích tôn và bà con lối xóm vì anh đã ngã xuống trong trận đánh ác liệt nhất của ngày thứ 77 trong 81 ngày đêm đỏ lửa ở Thành Cổ. Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, anh ra đi như lời chào kết thư của người chiến sĩ nơi tuyến lửa này: "Thôi con đi đây. Chào tất cả gia đình và làng xóm quê hương!".
Chúng tôi đứng lặng bên di thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh - một huyền thoại trong cả ngàn huyền thoại bi tráng gắn với Quảng Trị - Thành Cổ, thấy con tim như đang cùng nhịp đập của những người con một thời "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".
Tự hào thay, khâm phục thay chí khí, con người Việt Nam. Các anh - Thành Cổ - Quảng Trị, đúng như lời cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: "Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại".
Bên dòng Thạch Hãn thanh bình hôm nay, trong tôi ngân lên những giai điệu cảm xúc mà Lê Bá Dương đã chắt lọc thành thơ: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ mãi, mãi ngàn năm".
Vâng, chúng tôi sống trong hòa bình hôm nay mãi mãi nhớ đến các anh!
Tuấn Anh (Tư liệu)