Xuất sắc giành giải Nhất tập thể Hội thi "Hòa giải viên giỏi” cấp tỉnh năm 2020, sau Hội thi, các thành viên của Tổ hòa giải phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái trở về với cuộc sống hàng ngày, tiếp tục công việc.
Họ là những hòa giải viên tận tình, tâm huyết, chẳng quản nắng mưa, sớm tối, góp phần tích cực vào việc giải quyết, hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Sau khi giành giải Nhất Hội thi "Hòa giải viên giỏi” cấp thành phố Yên Bái, các thành viên trong Tổ hòa giải phường Hồng Hà đại diện cho thành phố tiếp tục tham dự Hội thi "Hoà giải viên giỏi” cấp tỉnh. Sau nhiều ngày tập luyện, dàn dựng, tìm hiểu pháp luật với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, Tổ hòa giải phường Hồng Hà một lần nữa xuất sắc đạt giải Nhất Cuộc thi cấp tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Oanh - Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà, thành viên Đội thi chia sẻ: "Để có thành tích đó tại Hội thi, chúng tôi may mắn khi nhận được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền thành phố, phường Hồng Hà rất nhiều. Các thành viên trong đội tuy tuổi cao, trí nhớ giảm sút, sức khỏe hạn chế nhưng đều nhiệt tình, tận tâm, tích cực tập luyện, đoàn kết với quyết tâm mang đến Hội thi những phần thi tốt nhất.
Đặc biệt, trong phần thi tiểu phẩm mang tên "Người làm… gương vỡ lại lành”, xuất phát từ một tình huống có thật trong cuộc sống, chúng tôi đã sân khấu hóa sao cho nội dung tiểu phẩm hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục Ban Giám khảo và khán giả. Với nội dung chính của tiểu phẩm kể về cuộc sống của người chồng có vợ làm công tác xã hội, thường xuyên đi tập luyện văn nghệ. Do người chồng chưa cảm thông dẫn đến ghen tuông, mâu thuẫn, cãi vã. Tuy nhiên, khi tổ hòa giải cơ sở đến giải thích, thuyết phục, hai vợ chồng đã thông cảm được cho nhau”.
Được biết, phường Hồng Hà hiện có 18 tổ hòa giải, 82 hòa giải viên. Năm 2020, Tổ hòa giải phường đã thụ lý hòa giải 22 vụ, trong đó, hòa giải thành công 16 vụ. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Hồng Tân cho biết: "Trước khi hòa giải bất cứ vụ việc nào, chúng tôi cũng phải tìm hiểu sự việc, hội ý, lắng nghe ý kiến cả hai bên để tìm ra nguyên nhân. Bên cạnh đó, khi hoà giải, tổ hòa giải luôn vận dụng những quy ước của làng xóm không trái với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý, có tình nhằm thuyết phục hai bên đi đến thỏa thuận vui vẻ”.
Thực tế cho thấy, các mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống rất đa dạng. Vì vậy, nếu tổ hoà giải nắm rõ các quy định của pháp luật vừa vận dụng tình cảm thuyết phục, tình làng nghĩa xóm để khuyên nhủ vừa phân tích cái đúng, cái sai sẽ giúp họ đi đến thỏa thuận; cùng họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của các hòa giải viên, không để mâu thuẫn phát sinh, phát huy vai trò của những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm tham gia hòa giải...
Nhờ đó, các hoạt động hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hình thành trong mỗi cá nhân ý thức chấp hành pháp luật, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Làm công tác hòa giải tại cơ sở thực sự là công việc không hề đơn giản, thậm chí là rất vất vả. Mỗi vụ việc hoà giải thành là sự khẳng định phương pháp hoà giải đúng, sự vận dụng đầy đủ, linh hoạt của pháp luật vào cuộc sống cũng như thái độ nhẹ nhàng, ôn hòa, đúng mực, đặc biệt là xuất phát từ tình cảm, lòng nhân ái bao dung; góp phần vận động nhân dân thực hiện tốt quy ước, hương ước của khu dân cư, xây dựng khu dân cư tự quản về an ninh trật tự…
Mai Linh