Khi ánh trăng rằm bắt đầu nhu nhú, đám trẻ xóm tôi đã rộn lên vào mỗi tối. Mỗi đứa một hướng, chạy nhanh về nhà mang đồ đã chuẩn bị đến nhà cụ Thao, cụ nội thằng Tít để làm đèn ông sao, xâu dây bưởi, đón ngày phá cỗ. Cụ ngoài 80 tuổi, đẹp như một ông Bụt. Cụ có mái tóc trắng bạc phơ, ánh mắt nhân từ, đôn hậu.
Mỗi lần hướng dẫn bọn trẻ chúng tôi làm đèn, cụ đều nhắc đi nhắc lại câu nói: "Chiếc đèn ông sao mang nhiều ý nghĩa lắm, vì nó cũng là ngôi sao trên lá cờ Tổ quốc Việt Nam các cháu ạ!”. Cụ im lặng một lúc rồi thong thả nói: "Năm cánh ngôi sao dán giấy kiếng màu đỏ, ở giữa là lồng đèn màu vàng tượng trưng cho niềm tự hào của chúng ta là "Người Việt Nam máu đỏ, da vàng”.
Đó cũng là dòng máu của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giành lại nền độc lập, tự do cho đất nước, để hôm nay các cháu có được cuộc sống thanh bình, hạnh phúc”. Chúng tôi vừa chăm chăm nhìn vào những ngón tay cứng cáp đã trải qua mọi phong ba bão táp nhưng vẫn khéo léo của cụ đang cẩn thận xếp gọn các que tre, cán đèn, hồ dán, giấy bóng kính vào từng chỗ vừa chăm chú nghe như thấm từng lời.
Cụ Thao thong thả vuốt chòm râu bạc như cước rồi xếp năm que tre dài vào nhau để tạo thành hình ngôi sao, sau đó dùng dây thép nhỏ buộc đầu các thanh que lại để cố định. Buộc xong năm đỉnh ngôi sao, cụ tiếp tục buộc phần hình ngũ giác ở giữa. Trong chốc lát, hình ngôi sao năm cánh đã hiện ra trước mắt.
Cụ Thao dường như không để ý đến sự trầm trồ thán phục của bọn trẻ chúng tôi, thoăn thoắt với năm que tre dài khác để làm hình ngôi sao thứ hai. Sau đó, cụ để hai hình ngôi sao chồng khít lên nhau rồi buộc cố định ở năm đỉnh của hai ngôi sao.
Khi các mối nối đã được buộc thật chắc, cụ Thao cẩn thận dùng năm que tre ngắn lồng vào giữa hai ngôi sao tại năm góc của hình ngũ giác để tạo độ phồng ở giữa. Thêm một lần buộc dây cố định cho chắc chắn, khung xương ngôi sao năm cánh đã sẵn sàng để trang trí. Lúc này, lũ trẻ chúng tôi mới được thỏa sức thể hiện.
Những miếng bóng kính được cắt sẵn đủ loại màu sắc được chúng tôi bôi hồ dán, dính vào thân tre rồi cắt bỏ những phần giấy thừa bên ngoài để có một ngôi sao hoàn chỉnh. Thấy chúng tôi tranh luận về việc dán màu nào cho đẹp, cụ cười hiền: "Ngoài cách cụ hướng dẫn, các cháu có thể dán mỗi cánh một màu để ngôi sao trông lung linh hơn. Chú ý giấy bóng kính phải được kéo thật căng thì đèn ngôi sao của các cháu mới đẹp được”. Chỉ với các thao tác đơn giản, chưa đầy ba mươi phút, chúng tôi đã có thể tự trang trí chiếc đèn ông sao cho đêm Trung thu.
Đến buổi tối thứ hai, chúng tôi đã có trong tay mỗi đứa một chiếc đèn ông sao tuyệt đẹp. Đợi cụ Thao buộc xong cán đèn, không kìm được sự háo hức, chúng tôi mỗi đứa cầm một chiếc đèn chạy quanh trong sân nhà cụ.
Sợ chúng tôi mải chơi quên phần việc quan trọng, cụ ra hiệu chúng tôi dừng lại rồi bảo: "Đừng quên xâu đèn bưởi nhé”. Sau tiếng "Vâng!” đồng thanh chúng tôi lại kéo về ngồi chật chiếc chiếu cói. Cụ khệ nệ vào bếp bê ra một rổ hạt bưởi đầy cho chúng tôi tha hồ làm đèn. Nói làm đèn cho sang nhưng thực chất chúng tôi chỉ cần sâu hạt bưởi vào dây thép rồi đem phơi khô, đợi đến đêm Trung thu mang đốt cho sáng.
Nhìn rổ hạt bưởi mà đám trẻ chúng tôi mắt sáng lên như những vì sao nhỏ, lòng thầm cảm ơn cụ Thao vô cùng. Chắc cụ phải đi xin cả xóm mới được chỗ hạt quý giá ấy. Mấy đứa con gái khéo tay được cụ phân công bóc hạt, còn mấy thằng giặc chúng tôi thì lấy dây thép xâu nhân hạt theo hướng dẫn của cụ.
Từng hạt, từng hạt được xiên vào giữa, ken chặt như chuỗi hạt vòng dài chừng 50 phân rồi buộc thắt nút lại. Thằng Hưng xuôn xong trước tiên liền ngoặc hai đầu dây vào nhau thành chiếc vòng đeo vào cổ, hắng giọng rồi ưỡn ngực ra đầy vẻ hãnh diện. Nghe cụ Thao khen: "Thằng này khá”, thằng Hưng khoái chí cười nhe hàm răng sún làm cả lũ chúng tôi cười nghiêng ngả.
Tiếp những ngày sau đó, tối tối, chúng tôi đều hẹn nhau đến nhà thằng Tít cắt tua xúc xích, tập đánh trống, múa lân, nghe cụ Thao kể chuyện sự tích chị Hằng Nga, chú Cuội… Thời gian như có chân, chạy vèo qua những ngày trăng khuyết...
Đêm Trung thu, không hẹn mà tất cả chúng tôi đều có mặt từ rất sớm. Điểm phá cỗ của chúng tôi năm nay là nhà thằng Tí, vì nhà nó có sân thượng rộng lại nằm ở giữa xóm. Mỗi lần trèo lên sân thượng nhà nó, chúng tôi ai cũng vừa run vừa thích. Ngày ấy, xóm tôi không nhà nào có cầu thang xây mà chỉ trèo theo những thanh sắt gắn vào tường để lên sân thượng. Nắp sân thượng nhà nó cũng bằng sắt, to bằng chiếc mâm, nặng trịch, trông y hệt cái nắp hầm. Chui qua được ô sân thượng, cả bầu trời trăng sao tràn ngập, chúng tôi như lạc vào thế giới thần tiên.
Dưới ánh trăng vàng rười rượi, chúng tôi cùng nhau gắn nến vào thanh tre phía trong đèn ông sao. Sau tiếng hô "Thắp đèn” của cụ Thao, đồng loạt đèn ông sao và mười xâu hạt bưởi được thắp sáng. Hòa trong ánh trăng sáng vằng vặc, dưới muôn vàn vì sao lấp lánh trên bầu trời, những chiếc đèn ông sao đủ mọi màu sắc cùng ánh lửa bùng bùng kèm mùi thơm cực kỳ dễ chịu tỏa ra từ những xâu hạt bưởi khiến cho không gian trở nên vô cùng lung linh, huyền ảo.
Với lũ trẻ chúng tôi, đó là thứ ánh sáng tuyệt diệu nhất. Giữa không gian vô cùng đặc biệt ấy, cụ Thao múa lân dẫn đầu, còn chúng tôi rước đèn theo sau trong tiếng trống rộn ràng, tiếng cười nói, tiếng nhạc tưng bừng "Tết trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường...” phát ra từ chiếc đài cassette.
Không thể nào tả hết được niềm vui sướng của chúng tôi lúc đó. Sự vui vẻ và ấm áp tràn ngập. Sau đó, chúng tôi cùng phá cỗ, cắt bánh dẻo, bánh nướng, gọt hồng, bóc bưởi, chuyện trò rôm rả. Ngày ấy, không biết bởi do đói hay vì sau bao ngày háo hức mà chúng tôi ăn cái gì cũng thấy ngon. Không gian náo nhiệt và vui nhộn khiến chúng tôi như quên cả thời gian, quên cả ông trăng đang dần trôi lên cao tít...
Thời gian trôi đi, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy đều đã trưởng thành, ít có dịp gặp nhau nhưng hình ảnh về những ngày tết Trung thu ấy vẫn mãi nằm trong miền ký ức đẹp, để rồi mỗi khi mùa thu đến, cùng gia đình quây quần vui đón tết Trung thu giữa muôn vàn tiện nghi đầy đủ, chúng tôi vẫn không quên kể về những đêm rằm cổ tích ấm áp, yêu thương…
Minh Ngọc