Mấy năm nay do tuổi cao, sức yếu nên bà Hoàng Thị Múi, 65 tuổi ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái thường xuyên đau ốm. Hiện bà Múi đang bị viêm tủy phải điều trị dài ngày, mỗi đợt phải điều trị ít nhất 10 ngày với số tiền chi trả khá lớn.
Bà Hoàng Thị Múi chia sẻ: "Với bệnh của tôi như bây giờ nếu không có tấm thẻ BHYT thì số tiền lương hưu ít ỏi của tôi chắc chắn không đủ để chữa bệnh”.
Còn ông Nguyễn Quang Trung, phường Đồng Tâm, là lao động tự do, cho biết: "10 năm qua tôi mua thẻ BHYT nhưng không phải dùng đến, cho đến tháng 7 vừa qua không may tôi bị tại nạn xe máy phải nằm điều trị dài ngày, số tiền chi trả lên đến hơn 20 triệu đồng, thật may là có thẻ BHYT, chứ không thì gia đình tôi không biết phải xoay xở thế nào”.
BHYT là một chính sách xã hội do Đảng và Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người khi ốm đau, bệnh tật; thực hiện công bằng trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Với tính ưu việt, những năm qua, BHYT đã giúp không ít gia đình vượt qua khó khăn khi không may ốm đau, phải điều trị...
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, mỗi năm Quỹ BHYT chi trả 600 - 800 tỷ đồng cho việc khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới hàng trăm triệu đồng/ đợt điều trị. Ngoài việc chi trả chi phí KCB thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính như: ung thư, tim mạch, suy thận... Vì thế, BHYT đã được phần lớn người tham gia xem là "phao cứu sinh”.
Cùng với đó, những năm qua, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ BHYT chi trả khi KCB đúng tuyến, đặc biệt người mắc Covid-19 sẽ được Quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị. Các cơ sở y tế đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại, phương pháp điều trị bệnh được nâng cao đồng nghĩa với chi phí KCB tăng cao.
Ông Hoàng Văn Thủy - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Trong tháng 8/2021, BHXH tỉnh đã thanh toán chi phí KCB BHYT với số tiền 54.600 triệu đồng cho 90.738 lượt bệnh nhân đi KCB BHYT tại tỉnh. Lũy kế 8 tháng chi 445.695 triệu đồng cho trên 763.700 lượt bệnh nhân. Chi phí KCB BHYT trong 8 tháng qua chiếm 63,6% dự toán được giao. Trong đó nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn hàng trăm triệu đồng. Như bệnh nhân có mã thẻ DN2151502XXX ở thôn Nà Khao, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên được Quỹ BHYT chi trả với số tiền trên 306 triệu đồng; bệnh nhân có mã thẻ CK2151520904XXX ở xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên được Quỹ BHYT thanh toán trên 217 triệu đồng...”.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT vẫn còn một số khó khăn như tỷ lệ tham gia BHYT chưa bền vững, vẫn còn một số người dân chưa chủ động tham gia do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa ý thức được hết tầm quan trọng của việc tham gia BHYT.
Đặc biệt, theo Quyết định 861 ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 79 xã ra ngoài danh sách vùng II, III; số thôn đặc biệt khó khăn thuộc khu vực I, II giảm 104 thôn. Do vậy có khoảng 170.000 người không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí từ 01/7/2021, chiếm 21% tổng số người đang tham gia BHYT toàn tỉnh, giảm tỷ lệ bao phủ BHYT của toàn tỉnh từ mức gần 97% xuống còn 76,8%.
Để đảm bảo cho người dân tiếp tục tham gia BHYT, tỉnh đã tích cực tuyên truyền nội dung Quyết định số 861 để người dân đồng thuận và chuyển sang tham gia BHYT hộ gia đình nhằm đảm bảo quyền lợi khi tham gia BHYT 5 năm liên tục. Kết quả, trong tháng 8, toàn tỉnh đã cấp mới 155.978 thẻ, nâng tổng số thẻ BHYT lên 717.544 người, đạt 88,61% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 86,28%.
Để tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, phấn đấu hết năm 2021 đạt 90% dân số tham gia BHYT, BHXH tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách BHYT theo nội dung, hình thức phù hợp với đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng khu vực trên địa bàn; phối hợp với ngành y tế nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT của người dân; BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất tham mưu với tỉnh để hỗ trợ mức đóng BHYT cho người tham gia BHYT hộ gia đình từ nguồn ngân sách địa phương.
Cùng với đó, bảo đảm kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHYT thông qua triển khai đồng loạt các giải pháp như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...
Hồng Duyên