Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Chấn thương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã 2 lần xung phong đến tâm dịch Covid-19. Anh Dũng nhớ lại: "Tôi đến Bắc Ninh cũng nhiều lần nhưng lần này trở lại, cảm xúc thật đặc biệt. Ngay khi bước chân lên chuyến xe tình nguyện, tôi đã xác định tư tưởng phía trước là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khăn".
"Gác lại nỗi nhớ gia đình, đồng nghiệp, tự hứa với bản thân cố gắng hết khả năng mình có sát cánh hỗ trợ các đồng nghiệp tỉnh bạn chống dịch. Đến nơi, tôi và các đồng nghiệp trong đoàn nhanh chóng ổn định và bắt tay vào công việc tại Khu đơn nguyên ICU - nơi điều trị bệnh nhân rất nặng, phải thở máy xâm nhập và chăm sóc toàn diện. Tất cả chúng tôi đến Bắc Ninh lần này đều chung một ý chí, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc Covid-19” - Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng tâm sự.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi cùng chung tay chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và của Sở Y tế Yên Bái. Với tinh thần nhiệt huyết sức trẻ, tận tâm với công việc, đặc biệt trước sự an nguy của đồng bào, điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng tiếp tục xung phong tình nguyện vào tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Có lẽ đây là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời của các chiến sĩ áo trắng lần thứ 2 tại tâm dịch thành phố mang tên Bác. Mỗi ca làm việc 12 tiếng ở Phòng Điều trị ICU, trong trang phục bảo hộ cấp 4 bức bách, nhưng với kỹ năng thành thục và sự thích ứng với điều kiện công việc thường xuyên, các y, bác sĩ đã giành giật lại sự sống cho biết bao bệnh nhân.
Anh Dũng kể lại: "Với kinh nghiệm chống dịch khi tham gia tại Bắc Ninh, ngày đầu tiếp cận với công việc, mặc dù đã từng tham gia chống dịch tại Bắc Ninh và chuẩn bị tinh thần rất kỹ, nhưng tôi cũng không thể kiềm chế được cảm xúc khi chứng kiến bệnh nhân nặng nhiều như vậy. Hầu hết, các bệnh nhân đều trong tình trạng nguy kịch, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất đỗi mong manh. Điều này càng thôi thúc chúng tôi phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Đổi lại là niềm hạnh phúc, một nụ cười, một lời cảm ơn của người bệnh trước lúc được ra viện. Tôi thấy công việc rất khó khăn nhưng mang tính nhân văn sâu sắc, đó là y đức, nghĩa vụ và trách nhiệm cao cả của mỗi chiến sĩ ngành y đối với cộng đồng, xã hội”.
Với phương châm "Vì dân phục vụ, với lòng dũng cảm, nhiệt huyết”, không ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm trên trận địa chống dịch. Đặc biệt là sự hy sinh hạnh phúc cá nhân của các chiến sĩ áo trắng và gia đình, họ đã và đang góp một phần nhỏ bé để giữ bình yên cho đồng bào thân thương trên dải đất hình chữ S trước sự tấn công của "giặc vô hình mang tên Covid-19”.
Với tinh thần "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, Bí thư Chi đoàn Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, bác sĩ Trần Trọng Phúc - Khoa Sức khỏe Môi trường & Y tế trường học đăng ký xung phong tình nguyện. Đây là lần thứ 2 anh trở lại Bắc Ninh kể từ khi còn đang học cao học.
Được giao nhiệm vụ hỗ trợ chuẩn bị hỗn hợp phản ứng, tra mix (tra mẫu phẩm tạo hỗn hợp để khuyếch đại trước khi cho vào máy PCR) và vận hành máy Realtime PRC nên có cơ hội tiếp cận với nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác xét nghiệm khẳng định Covid-19.
Để không gián đoạn công việc, ca kíp được phân công cụ thể, mỗi ngày 1 ca, người làm ca sáng, người làm ca chiều hoặc cả ca đêm, công việc cứ cuốn đi như không có phút giây ngơi nghỉ. Chưa bao giờ bác sĩ Phúc được chứng kiến không khí làm việc tất bật, khẩn trương, thần tốc như thế này.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Phúc tâm sự: "Ở đâu cũng là cống hiến. Hơn nữa, tôi là thủ lĩnh đoàn cho nên cũng mong muốn cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết, hơn thế còn là niềm đam mê với nghề. Những ngày ở đây, tôi chứng kiến những đồng nghiệp ở Bắc Ninh "xông pha” vào trận tuyến thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ở các địa bàn có dịch như: Thuận Thành, Quế Võ và có nhiều y, bác sĩ ngất xỉu vì làm việc với cường độ cao, kiệt sức vì nắng, nóng. Điều ấy tiếp thêm cho chúng tôi quyết tâm trong nỗ lực chia lửa cùng đồng nghiệp”.
Câu chuyện về điều dưỡng Nguyễn Tiến Dũng và bác sĩ Trần Trọng Phúc chỉ là hai trong số hàng nghìn y, bác sĩ của ngành y nói chung và của tỉnh Yên Bái nói riêng đã lăn lộn nơi tuyến lửa, mang thông điệp "Triệu trái tim, một ý chí” và tâm huyết của những chiến sĩ áo trắng trong cuộc chiến với bệnh dịch giành lại sự sống và niềm hạnh phúc an vui cho nhân dân. Nhiệm vụ thầm lặng nhưng thiêng liêng và cao cả ấy chứa đựng sự kỳ vọng, quyết tâm của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị và tình cảm tin yêu, mến phục của nhân dân, Việt Nam đã đẩy lùi đại dịch Covid-19”.
Chúng ta có quyền tự hào về họ - những chiến sĩ áo trắng như tác giả Vũ Thu Hương viết: Trong trái tim vẫn nguyện một lời thề/ Đã bao giờ quên đâu mà hỏi rằng có nhớ?/ Bởi với em..., anh chính là hơi thở/ Là niềm tự hào duy nhất của riêng em...
Trần Minh