Bảo hiểm xã hội tự nguyện- chính sách nhân văn vì cuộc sống người dân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 1/7/2022 | 7:50:44 AM

YênBái - Bắt đầu thực hiện từ năm 2008, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện đã và đang được nhiều người lao động tự do lựa chọn với mục đích tự chủ cuộc sống của bản thân khi về già. Đưa chính sách ngày càng đến với nhiều người lao động tự do, BHXH tỉnh Yên Bái những năm qua luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, có nhiều giải pháp khả thi trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Cán bộ BHXH tỉnh trao sổ bảo hiểm xã hội cho người dân tại nhà.
Cán bộ BHXH tỉnh trao sổ bảo hiểm xã hội cho người dân tại nhà.


CHÍNH SÁCH NHÂN VĂN VÌ CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN

Vì cuộc sống của người dân

BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng do Nhà nước tổ chức thực hiện, được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng; không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. 

Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp, thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây thì có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng lương hưu. 

Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình cũng như lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt hàng tháng, hàng quý, 6 tháng, hàng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm. 

Ngoài các quyền lợi về lương hưu hàng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của Quỹ BHXH từng thời kỳ. 

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. 

Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện và mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo.

Nỗ lực mở rộng diện bao phủ

Bám sát chủ trương, đường lối, mục tiêu của Đảng và Nhà nước, của BHXH Việt Nam và tỉnh Yên Bái về việc thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh luôn chú trọng, tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Để đưa chính sách đi vào cuộc sống, đơn vị đã không ngừng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến nhân dân, nhất là những người lao động tự do về mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn, sự ưu việt của chính sách cũng như trách nhiệm, sự quan tâm, chăm lo cuộc sống cho nhân dân của Đảng và Nhà nước. 

Ngay từ những ngày đầu tiên, khi chính sách chưa được mấy người biết đến và quan tâm, BHXH tỉnh đã có từng bước đi phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn cụ thể. Đơn vị đã tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp với người dân; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai, vận động người dân tham gia. 

Bên cạnh giao chỉ tiêu đến từng xã, phường, thị trấn, lãnh đạo BHXH tỉnh yêu cầu cập nhật số liệu hàng ngày, giao ban kiểm điểm hàng tuần về kết quả vận động và tập trung phát huy tối đa các kênh đại lý như: bưu điện, hội phụ nữ, UBND xã, phường, thị trấn… 

Công tác tuyên truyền thực hiện theo phương châm kiên trì, bền bỉ "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, "mưa dầm thấm lâu”… 

Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, để phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh Covid-19, BHXH tỉnh đã tổ chức các hội nghị chia thành từng nhóm nhỏ để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp qua điện thoại, thực hiện livestream trên trang Fanpage của BHXH tỉnh, trên các trang mạng xã hội để tuyên truyền và giải đáp những thắc mắc của người dân. 

Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong tình hình hiện nay cũng như trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều hơn những khó khăn, thách thức mới nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống. Những vấn đề đó sẽ từng bước được giải quyết kịp thời, hiệu quả khi chính sách BHXH tự nguyện liên tục được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện nhằm mục tiêu tất cả vì cuộc sống của người dân. 

Đồng thời, ngành BHXH tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cũng như không ngừng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân dễ dàng tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách về BHXH tự nguyện. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách”

Sáng 12/6/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với 4.500 công nhân lao động được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang là điểm cầu chính, 63 điểm cầu tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong chương trình có chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: "Các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của Nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế. Đồng thời, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần”. 

Tính đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh Yên Bái có 23.222 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 438 người so với tháng trước, tăng 5.266 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 72,79% kế hoạch thu BHXH Việt Nam giao. Ngoài các hình thức tuyên truyền đồng bộ và linh hoạt, trong tháng 5/2022, BHXH tỉnh đã cử chuyên quản phối hợp với nhân viên các đại lý thu đến trực tiếp các hộ dân để phát phiếu khảo sát lấy ý kiến đối với người chưa tham gia BHXH, bảo hiểm y tế nhằm nắm bắt cụ thể tình hình và đề ra các giải pháp vận động, phát triển người tham gia trong thời gian tới. 

HIỆU QUẢ MỞ RỘNG HỆ THỐNG ĐẠI  LÝ THU

Những năm qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Trấn Yên không ngừng phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình thông qua việc củng cố, xây dựng và mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT.

Hoạt động đã nhiều năm, bà Nguyễn Thị Thu Cống - Đại lý thu UBND xã Báo Đáp hiểu rất rõ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của công tác BHXH, nhất là BHXH tự nguyện. Chính bởi vậy, bà đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. 

Hiện nay, bà Cống đang quản lý gần 2.000 đối tượng, trong đó có 402 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.


Bà Nguyễn Thị Thu Cống (bên phải) - Đại lý thu UBND xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên trao đổi với người dân về lợi ích của BHXH tự nguyện. 

Bà Cống cho biết: "Quan trọng là phải giải thích cho người dân hiểu được lợi ích của BHXH tự nguyện có ý nghĩa và vai trò như thế nào đối với họ trong cuộc sống để người dân tự nguyện tham gia. Đồng thời, làm công việc này phải có lòng yêu nghề, nhiệt tình, kiên trì để tuyên truyền, vận động. Chỉ khi người dân thật sự hiểu ý nghĩa của tấm thẻ BHYT và khó khăn về kinh tế khi tuổi già không có lương hưu thì họ mới đồng ý tham gia”. 

Bên cạnh việc phối hợp với BHXH huyện tổ chức các hội nghị, tuyên truyền tại các buổi họp thôn, bà Cống còn thường xuyên bám sát cơ sở, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, bà Cống đã khéo léo đưa những chính sách về BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện đến gần hơn với các hộ dân. 

Là một trong hàng trăm đối tượng được bà Cống vận động tham gia đóng BHXH tự nguyện, bà Nguyễn Thị Hậu ở thôn Ngòi Hóp đã lựa chọn mức đóng hơn 280.000 đồng/tháng, hình thức đóng 5 năm liên tục và được giảm hơn 2,4 triệu đồng so với số tiền phải đóng trong 5 năm tới. 

Bà Hậu cho biết: "Trước đây, tôi chưa hiểu rõ, chưa phân biệt được giữa BHXH tự nguyện với các loại hình bảo hiểm khác nên vẫn còn lấn cấn, chưa tham gia. Tháng 5/2020, bà Cống đến tận nhà tư vấn cụ thể về mức đóng, mức hưởng, các chế độ an sinh của Nhà nước nên tôi đã lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện. Tôi thấy phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình và yên tâm hơn khi về già sẽ có lương hưu”. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có 4 hệ thống thu BHXH, BHYT gồm: Bưu điện, UBND xã, thị trấn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, Trung tâm Y tế huyện với 84 điểm đại lý. Các nhân viên đại lý thu tích cực, linh hoạt thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền. 

Nhiều nhân viên đại lý thu đã có những cách làm mới trong các hội nghị nhỏ tại gia đình với thông qua đối thoại trực tiếp, tập trung giải đáp những thắc mắc hoặc đưa ra các tình huống phát sinh trong quá trình người dân đang tham gia BHXH tự nguyện sẽ được giải quyết thế nào, hưởng chế độ ra sao... 

Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, BHXH huyện Trấn Yên phối hợp với các đại lý thu tổ chức 74 hội nghị đối thoại, tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT. Riêng 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã phối hợp với UBND các xã, Bưu điện huyện tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền; mở 1 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông cho nhân viên đại lý thu. 

Đến hết năm 2021, huyện Trấn Yên có 3.503 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 109,5% kế hoạch năm, tăng 1.315 người so với năm 2020; có 77.254 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,1% dân số. Trong 5 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã phát triển mới 397 người tham gia BHXH tự nguyện. 

Ông Trần Văn Hải - Giám đốc BHXH huyện Trấn Yên cho biết: Công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Trấn Yên luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của BHXH tỉnh và của Huyện ủy, UBND huyện; sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, có hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành của huyện và UBND các xã, thị trấn trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Nhận thức về ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện của nhân dân và người lao động đã được nâng lên rõ rệt và đã có tác động đến việc phát triển người tham gia. 

Các chế độ, chính sách BHXH, BHYT đi vào cuộc sống được đông đảo người lao động, người thụ hưởng đồng tình ủng hộ, yên tâm, tin tưởng vào chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước. Số người tham gia trong năm 2020 cũng như riêng năm 2021 trên địa bàn huyện bằng cả giai đoạn 5 năm trước đó cộng lại. 

Cụ thể từ năm 2015 - 2019 đã phát triển được 1.130 người; năm 2020 phát triển tăng mới được 1.058 người; năm 2021 phát triển tăng mới được 1.315 người. Những kết quả đó là điều kiện quan trọng để huyện Trấn Yên tiếp tục phát triển và mở rộng thêm các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.


KIÊN TRÌ, LINH HOẠT ĐA DẠNG HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Là huyện vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện luôn là bài toán khó đối với huyện Mù Cang Chải. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ BHXH huyện đã bền bì, kiên trì bám làng, bám bản để phát triển đối tượng tham gia.

BHXH huyện đã chủ động, tích cực tham mưu giúp UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. 

Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với UBND các xã, thị trấn xác định đối tượng để vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ về sự ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện. Trong đó, đối tượng hướng đến là những người trong độ tuổi lao động, có thu nhập ổn định, là người thân của cán bộ xã, đội ngũ giáo viên... với trọng tâm tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện; giới thiệu về mức đóng, phương thức đóng, chế độ và quyền lợi khi tham gia... 

Chị Nguyễn Thị Oanh - cán bộ BHXH huyện chia sẻ: "Với người dân vùng cao, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền nội dung gì cũng phải kiên trì "mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa hiểu thì phải nói, phải giải thích nhiều lần. Nếu tại một buổi tuyên truyền tập trung mà đồng bào chưa hiểu, không hiểu thì mình sẽ tới tận nhà để giải thích cặn kẽ. Tâm lý bà con mình, khi có một vài người tham gia thì lại dễ vận động, thuyết phục người khác hơn. 

Vì vậy, tôi phải chọn người có thu nhập ổn định để quá trình tham gia không bị đứt đoạn cũng như chọn người có hiểu biết về chính sách để người khác hỏi còn trả lời được. Chỉ cần nói thật, nói đúng, có sự so sánh giữa cái được và cái mất, so sánh số tiền họ tham gia tính theo ngày để họ thấy được lợi ích khi về già được hưởng. Cứ vậy, người dân ngày càng tin tưởng vào chính sách của Đảng, Nhà nước và tích cực tham gia”.

BHXH huyện cũng đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể chính trị - xã hội và UBND xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện đến nhân dân. Các hội nghị được tổ chức với thời gian, địa điểm linh hoạt và được tuyên truyền bằng cả tiếng Việt, tiếng Mông. 

Đặc biệt, cùng với đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên của BHXH, các trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ cũng đã phát huy vai trò, nhiệt tình tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân, con, cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải cho biết: "Thời gian qua, đơn vị đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực bám làng, bám bản để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, đưa chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số”. 

Bên cạnh đó, đơn vị luôn coi trọng công tác đào tạo đại lý thu BHXH, bảo hiểm y tế, phối hợp với các đại lý đến từng gia đình theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng công chức, viên chức trong cơ quan; có hình thức khen thưởng, động viên kịp thời những người có thành tích xuất sắc... 

Cùng với kênh tuyên truyền trực tiếp, BHXH huyện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền khác như: phát thanh lưu động bằng song ngữ Việt - Mông; tuyên truyền trực quan bằng pa nô, áp phích, băng rôn, phát hành tờ gấp; tổ chức quầy tư vấn tại các buổi chợ phiên... 

Nhờ đó, tính đến hết tháng 5/2022, toàn huyện có 541 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt gần 50% kế hoạch BHXH tỉnh giao. BHXH huyện tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và tập trung đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tích cực vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.



Nguyễn Thơm - Thanh TânHồng Duyên

Tags Yên Bái Bảo hiểm xã hội tự nguyện chuẩn nghèo đa chiều người lao động an sinh xã hội

Các tin khác
Ban tổ chức trao giải Nhất Hội thi “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc” năm 2022 cho đội thi tổ dân phố số 4.

Sáng ngày 30/6, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái tổ chức Hội thi “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc” năm 2022.

Thông tin trên nhãn thuốc giả và thuốc thật khác nhau.

Ngày 30-6, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) có Công văn số 5673/QLD-CL gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mẫu thuốc Ophazidon giả. Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt (thành phần chính là paracetamol và cafein) chỉ dùng theo đơn của bác sĩ.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, ngành y tế chứng kiến  ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Bạch Mai.

5 năm qua, dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bệnh viện Bạch Mai (BVBM), việc phát triển dịch vụ kỹ thuật cao và chuyên sâu tại các bệnh viện đã đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của nhân dân - là một trong 7 mục tiêu đạt được kết quả tích cực và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Phong trào thể dục thể thao của người dân thành phố ngày một phát triển, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư.

Yên Bái vừa ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục