Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - So với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Mù Cang Chải vẫn là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn, một số phong tục lạc hậu như tảo hôn, cúng ma... vẫn tồn tại. Song song với phát triển kinh tế, năm 2006, công tác xây dựng đời sống văn hóa, nhất là văn hóa cơ sở đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, bước đầu có chuyển biến tốt.
Một góc trung tâm cụm xã Khao Mang huyện Mù Cang Chải.
|
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) Nguyễn Văn Minh cho biết: “Phòng đã tích cực triển khai các nghị quyết của Đảng, các văn bản chỉ đạo của Sở Văn hóa -Thông tin, của UBND huyện và phối hợp với các ngành triển khai công tác văn hóa cơ sở, tuyên truyền vận động và thực hiện điểm mô hình tiên tiến về văn hóa. Phòng cũng tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này. Bên cạnh đó tích cực tuyên truyền vận động, tạo chuyển biến mới trong nhận thức và huy động sự tham gia thực hiện của toàn dân”.
Năm 2006, đã có 2.675 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, chiếm 89,2% số hộ toàn huyện; 70/70 cơ quan đăng ký xây dựng cơ quan văn hóa; 40 bản đăng ký xây dựng bản văn hóa. Toàn huyện đã có 1.500 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 40 cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa và có 5 bản, tổ dân phố ra mắt xây dựng bản, tổ dân phố văn hóa. Công tác phối hợp được coi trọng, Phòng VH-TT&TT đã phối hợp với Trung tâm Y tế, Huyện Đoàn vận động xây dựng mô hình chuẩn quốc gia về y tế ở các xã Cao Phạ, Púng Luông, Zế Su Phình; xây dựng quy ước cho 5 bản văn hóa, xây dựng đề án và tổ chức ra mắt xây dựng xã văn hóa Zế Su Phình giai đoạn 2006-2010, hoàn thành đề án xã văn hóa La Pán Tẩn dự kiến ra mắt năm 2007. Về cơ sở vật chất, năm qua đã xây dựng và đưa vào sử dụng 5 nhà sinh hoạt cộng đồng do Dự án Chia sẻ hỗ trợ tại các xã Cao Phạ, Nậm Khắt, Nậm Có, La Pán Tẩn, Mồ Dề. Huyện cũng đã triển khai xây dựng nhà văn hóa cộng đồng tại làng văn hóa khu 4 thị trấn Mù Cang Chải, dự kiến sẽ khánh thành đầu năm 2007.
Năm 2006 cũng là năm công tác kiểm tra thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được thực hiện có kết quả ở Mù Cang Chải. Phòng VH-TT&TT huyện đã tiến hành kiểm tra 14 xã, thị trấn về việc đăng ký xây dựng gia đình và bản văn hóa; tổ chức kiểm tra và đề nghị UBND huyện ra quyết định xử lý hành chính với 4 hộ vi phạm các quy định về kinh doanh dịch vụ internet, xử lý hành chính 200 đối tượng vi phạm nếp sống văn hóa ở 13 xã, thị trấn trong huyện... Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở Mù Cang Chải tuy còn “khiêm tốn”, so với yêu cầu còn chưa đáp ứng nhưng đó là những chuyển biến bước đầu, có tính căn bản ở một huyện vùng cao có trên 90% dân số là dân tộc Mông, 30% trong số đó đang phải sống trong những căn nhà tạm, nhận thức và trình độ dân trí thấp cũng như nhiều phong tục, tập quán lạc hậu còn chưa được loại bỏ. Tuy nhiên, công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở Mù Cang Chải cũng đang bộc lộ những tồn tại như thiếu tính bền vững, chưa huy động được sức dân tham gia xây dựng cơ sở vật chất, nhiều nơi vẫn có biểu hiện của “căn bệnh” hình thức và thành tích, chất lượng cũng như môi trường các bản văn hóa chưa cao, có nơi cấp uỷ và chính quyền cơ sở chưa quan tâm thích đáng tới công tác này.
Năm 2007, Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo 14 xã, thị trấn vận động nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa đạt từ 70 - 75% số hộ, có từ 500 - 600 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 90% số cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa; đăng ký xây dựng từ 30 - 45 bản văn hóa, ra mắt từ 5 - 7 bản văn hóa; tổ chức ra mắt xây dựng xã văn hóa La Pán Tẩn giai đoạn 2007 - 2011; tiếp tục tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ xã và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm nếp sống văn hóa mới theo nghị quyết của HĐND huyện. Để công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đi vào chiều sâu, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành văn hóa - thông tin, trong đó vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và công tác tuyên truyền vận động, nhân rộng mô hình điểm có ý nghĩa rất quan trọng.
PV
Các tin khác
YBĐT - Cũng như nhiều địa phương trong toàn tỉnh, những năm gần đây, mô hình trường bán trú dân nuôi ở huyện Trạm Tấu đang thu hút được nhiều học sinh đồng bào Mông theo học. Mô hình này không những giúp địa phương đẩy nhanh việc hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học và trung học cơ sở mà còn góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng cao.
YBĐT - Ma túy luôn là nỗi ám ảnh lớn đối với toàn thể xã hội, tất cả chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện công tác đấu tranh phòng chống, bài trừ loại hình tệ nạn này. Trong các trường học - nơi tập trung đông đảo thanh thiếu niên, việc tăng cường kiểm soát và đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ma túy lại càng cần thiết hơn nữa, nhằm mang lại một môi trường học tập lành mạnh, hiệu quả. Trường THPT bán công Phan Chu Trinh là một trong những cơ sở giáo dục của thành phố Yên Bái đã tích cực và thực hiện triệt để việc ngăn chặn tệ nạn ma túy học đường.
YBĐT - Đó là thôn Quyết Tiến 11 thuộc xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Toàn thôn hiện có 42 hộ, 169 nhân khẩu và những năm trước đây, do nhận thức của người dân trong thôn về sinh đẻ có kế hoạch chưa cao đã dẫn đến tình trạng sinh con thứ 3, thứ 4 khá phổ biến. Tình trạng đó cũng làm cho tỷ lệ hộ nghèo trước những năm 90 của thôn có lúc lên đến 40-50%.
YBĐT - Hội cựu chiến binh (CCB) huyện Văn Yên có gần 4 nghìn hội viên sinh hoạt ở 237 phân chi hội. Trong những năm qua, Hội CCB của huyện đã có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành và các đoàn thể quần chúng từng bước đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Hội đi vào đời sống cán bộ hội viên góp phần đưa kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của huyện ngày một phát triển.