Nơi tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Nằm trong hệ thống các trường phổ thông công lập của cả nước, trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) được coi là loại hình trường tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số. Không những thế, đây còn là một trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật, giữ vị trí mũi nhọn trong sự nghiệp giáo dục miền núi, vùng dân tộc của các địa phương.

Giờ học trong hè của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Trạm Tấu.
Giờ học trong hè của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Trạm Tấu.

Tất cả những gì tốt đẹp dành cho các em

Thầy giáo Nguyễn Duy Thanh, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Văn Chấn cho biết: "Trường PTDTNT là trường phổ thông dành cho thanh, thiếu niên các dân tộc thiểu số mà bản thân và gia đình có hộ khẩu thường trú ở vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh. Học sinh được Nhà nước bảo đảm các điều kiện cần thiết để ăn học, được tổ chức nuôi dạy và sống nội trú tại trường trong quá trình học tập. Là trường thành lập khá sớm, đến nay đã có nhiều thế hệ học sinh tốt nghiệp và tiếp tục học lên, hầu hết đều trở thành cán bộ chủ chốt của các địa phương, cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện. Có người là Anh hùng Lao động như bác sĩ Vàng A Sàng, đại biểu Quốc hội như các đồng chí Giàng A Chu, Lý A Sáng, Sùng Thị Chư...".

 Trường PTDTNT Văn Chấn được huyện dành cho vị trí khá đẹp tại trung tâm huyện lỵ. Với diện tích 11.000m2, tất cả phòng học, nhà ở nội trú, nhà hiệu bộ, nhà ăn và các công trình phụ trợ, điện nước đều được xây dựng kiên cố và hiện đại. Đi giữa sân trường rợp bóng phượng, ngắm nhìn cơ ngơi khang trang mới cảm thấy hết tất cả những gì tốt đẹp Nhà nước dành cho các em. Không chỉ huyện Văn Chấn, các trường PTDTNT Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, Yên Bình.. đều có sự ưu ái như vậy.

Theo thống kê của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), năm học 2007 - 2008 toàn tỉnh có 8 trường DTNT với 59 lớp, 1.757 học sinh, trong đó có 1 trường trung học phổ thông với 18 lớp, 501 học sinh và 7 trường trung học cơ sở ở 7 huyện. Cũng để đáp ứng yêu cầu học lên của học sinh là người dân tộc thiểu số các huyện phía Tây của tỉnh mà Trường THPT DTNT tỉnh đã mở thêm phân hiệu tại Trường trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ. Trong 337 phòng học, phòng ở, phòng làm việc, thí nghiệm và nhà công vụ thì đã có 309 phòng xây kiên cố, còn lại là bán kiên cố. Ngành cũng đang tập trung nguồn lực để xây dựng thêm và tiến hành tu sửa những công trình đã xuống cấp.

Riêng chế độ đối với học sinh nội trú, các địa phương thực hiện nghiêm túc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh là người dân tộc thiểu số tại trường đào tạo công lập. Như vậy là học sinh theo học tại trường được hưởng 12 tháng học bổng với mức trợ cấp bằng 80% lương tối thiểu của cán bộ, công chức. Cũng để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc Mông của 2 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải học lên bậc PTTH, tỉnh đã hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Đồng thời cũng đang nghiên cứu để thực hiện chế độ đối với học sinh các lớp bán trú. Ngoài ra, các chế độ bảo hiểm y tế, giao lưu và tham quan hàng năm giữa hệ thống trường DTNT trong cả nước đều thực hiện đầy đủ.

Phát triển giáo dục đang trở thành mục tiêu quan trọng nhằm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho vùng cao đặc biệt khó khăn. Cũng chính vì vậy mà đội ngũ người thầy ở các trường DTNT đều được lựa chọn trong số các giáo viên giảng dạy giàu kinh nghiệm, không có giáo viên dưới chuẩn, cơ cấu môn học đủ và nhất là nhiệt thành với công tác giáo dục. Đặc biệt, tỉnh luôn quan tâm tới công tác đào tạo giáo viên là người dân tộc thiểu số để về giảng dạy tại trường DTNT và vùng đồng bào dân tộc.

Năm 2006, toàn tỉnh có 2.460 giáo viên dân tộc thiểu số thì năm 2007 là 2.704 người, trong đó có 129 giáo viên dân tộc Mông, 89 giáo viên dân tộc Dao. Riêng hệ thống trường DTNT đã có 33/198 giáo viên là người dân tộc thiểu số. Trong năm học, nhiều giáo viên người dân tộc thiểu số đạt giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh. Thế nên, một số trường DTNT đã xây dựng được môi trường sư phạm khá tốt để thu hút học sinh như Trường THPT DTNT tỉnh; các trường DTNT huyện Yên Bình, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Vấn đề tuyển sinh và chất lượng đào tạo

Không như các trường trong hệ thống phổ thông công lập, trường PTDTNT có khu vực tuyển sinh là các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Mặt khác, yêu cầu đào tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc nên phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng vùng, miền. Hằng năm, căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch đào tạo của Sở GD-ĐT và số lượng học sinh học tại địa phương mà các trường DTNT tham mưu với UBND huyện xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với những thành phần dân tộc và từng xã.

Đối với Trường THPT DTNT tỉnh, học sinh đăng ký dự tuyển vào trường được hội đồng tuyển sinh các huyện xét duyệt hồ sơ, quyết định danh sách học sinh dự tuyển. Nhà trường tổ chức kiểm tra, báo cáo Sở GD - ĐT duyệt và trình dự kiến danh sách đề nghị Hội đồng tuyển sinh tỉnh xét, quyết định. Do đối tượng tuyển sinh là học sinh diện chính sách nên nhìn chung chất lượng đầu vào của trường DTNT còn thấp và không đồng đều. Đây cũng là khó khăn trong giáo dục toàn diện cũng như nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường.

Tuy vậy, các nhà trường đã nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung giáo dục theo chương trình Bộ GD - ĐT ban hành. Học sinh được học đủ các môn theo qui định của bậc học; được quan tâm giáo dục thể chất, đào tạo nghề, giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh học văn hóa, một số huyện còn đưa chữ Mông vào giảng dạy, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi bổ ích phù hợp phong tục, tập quán địa phương. Khảo sát qua 5 năm (2003 - 2008), tỷ lệ chuyển cấp, chuyển lớp thường xuyên đạt 100%; Trường THPT DTNT tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 97 - 100%. Riêng số học sinh học lên đại học, cao đẳng đạt trên 50%, còn hầu hết tham gia công tác tại địa phương.

Năm học 2007 – 2008, tỉnh cũng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đạt giải quốc gia trên tất cả các mặt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Có trường như Dân tộc nội trú huyện Yên Bình, qua các kỳ thi học sinh giỏi 5 năm nhà trường đạt 38 giải cấp huyện và 21 giải cấp tỉnh.

 

Bữa ăn của học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú

Vẫn còn nhiều bất cập

Đối với những người dân vùng núi không ai là không thừa nhận hiệu quả và sự cần thiết của hệ thống trường DTNT. Dù sao vẫn còn nhiều ý kiến, kể cả những người trong cuộc băn khoăn về chất lượng đầu ra của loại trường này. Biết làm sao khi tuyển sinh đầu vào theo địa chỉ có sự kết hợp thi tuyển và xét tuyển, nhiều địa phương không có nguồn để tuyển nên vẫn còn tình trạng tỷ lệ học sinh các dân tộc chưa hợp lý.

Hiện nay, nhu cầu của con em đồng bào dân tộc thiểu số khá cao mà chỉ tiêu tuyển sinh có hạn. Như các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn.., số đơn xin học vài trăm mà chỉ tiêu chỉ được vài chục, dẫn đến tình trạng có học sinh trong độ tuổi không đủ khả năng kinh tế để theo học. Rồi quy định về trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc nội trú chậm có hướng dẫn và ngân sách địa phương chưa đáp ứng được nên tới nay vẫn hưởng mức 80% của lương tối thiểu 450.000 đồng/tháng, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của các em. Thậm chí, các nhà trường vẫn áp dụng Quyết định về việc cấp học bổng cho học sinh các trường DTNT từ năm 1990 của UBND tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ) do chưa có văn bản mới thay thế.

Gần đây, cơ sở vật chất trường học tuy đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học vì còn thiếu các phòng chức năng, phòng bộ môn. Cùng với việc dành một phần ngân sách để xây dựng bảo đảm đủ cơ sở vật chất tối thiểu cho trường DTNT, đáp ứng việc dạy và học trong tình hình mới, ngành GD - ĐT cũng kiến nghị Nhà nước xây dựng hoàn thiện mạng lưới trường lớp giáo dục đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo cơ hội để trẻ em vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục tốt nhất và thu hút trẻ em là người dân tộc thiểu số ra lớp học tập chuyên cần. Với kinh nghiệm tổ chức hoạt động nhiều năm và được sự quan tâm của Nhà nước, tin rằng các trường DTNT Yên Bái cùng hệ thống trường DTNT trong cả nước sẽ đóng góp tích cực vào việc tạo nguồn cán bộ dân tộc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới vùng cao.

Thế Quynh

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư số 72 hướng dẫn thực hiện nghị định số 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ người dân vùng bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Chủng tả mới nguy hiểm hơn nhiều.

Chủng vi khuẩn gây bệnh tả ở nước ta từ cuối năm ngoái đến nay không còn là chủng năm 2005 nữa mà là chủng mới, có độc tính cao hơn, khiến bệnh nặng hơn và có thể tồn tại lâu hơn.

Tuyền truyền giữ gìn sức khỏe, thực hiện kế hoạch hoá gia đình cho đồng bào vùng cao.

YBĐT - Chiến dịch Thanh niên - Học sinh - Sinh viên tình nguyện hè 2008 đã được Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Yên Bái triển khai rất sớm với phương châm: “Sáng tạo, an toàn, hiệu quả và rộng khắp”.

Các tủ sách này góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của người dân.

YBĐT - Thời gian qua, Hội đồng Giáo dục pháp luật huyện Văn Yên đã tổ chức mở được trên 2.600 lớp tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua các hội nghị, các lớp tập huấn cho gần 134.000 công dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục