Đối phó với trận lũ lớn nhất trong vòng 22 năm qua

Yên Bái gồng mình trong lũ

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Liên tục mấy ngày qua, gồng mình trong bão lũ, các cấp các ngành, đoàn thể đã kề vai, sát cánh, khẩn trương ứng cứu giúp người dân vùng lũ hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, vượt lên ổn định cuộc sống...

Ngay khi có tin về bão số 4, Ban chỉ huy Phòng chống bão lũ tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng ngừa; sẵn sàng ứng trực, ứng cứu; di dời các hộ dân vùng nguy cơ ảnh hưởng tới nơi an toàn. Thành phố Yên Bái có 191 tổ dân phố, thôn bị ngập với 2.961 hộ, chính quyền đã tổ chức di dời an toàn 2.419 hộ. Huyện Văn Yên đã di dời 285 hộ ở các xã ven sông và vùng nguy cơ cao về lũ quét. Huyện Trấn Yên di dời 4.000 hộ ở 14 xã dọc sông Hồng. Huyện Văn Chấn di dời thêm 15 hộ. Tới trưa ngày 10.8, các địa phương trong tỉnh đã di dời an toàn 6.521 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Thiệt hại rất lớn về người và của

Thông tin về bão số 4 đã liên tục được chuyển tải tới người dân, vì thế, có thể khẳng định người dân Yên Bái đã không thiếu thông tin về bão. Nhưng với hoàn lưu rất mạnh, gây mưa rất to và nước sông dâng cao, tới chiều ngày 10/8, bão số 4 đã làm ngập trên 2.500 ha lúa và hoa màu ở 18 xã ven sông Hồng của huyện Trấn Yên, huyện Văn Yên ngập 500 ha, huyện Lục Yên 200 ha, Yên Bình 220 ha.

Đê Phú Thọ, xã Việt Thành và đê thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên), nước sông đã tràn mặt đê. Nhiều ao, đầm nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ. Bão lũ đã làm sập, trôi hoàn toàn 119 ngôi nhà, hư hỏng 168 ngôi nhà khác ở Yên Bình, Trấn Yên.

Tại huyện Lục Yên, đã xảy ra lũ quét tại các xã Mai Sơn, Tô Mậu, An Lạc. Tại Văn Yên, đến trưa ngày 10.8, đã có 33 ngôi nhà bị sập đổ, 168 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, 9 người chết và mất tích ở các xã Tân Hợp, An Bình, Lâm Giang, Xuân Tầm. Mặc dù đã chủ động phòng ngừa, nhưng đến 15 giờ ngày 10.8, toàn tỉnh đã có 33 người chết, 5 người mất tích, 15 người bị thương. Trong đó, 11 người do lũ cuốn trôi, 20 người chết do sạt đất, 2 người khác chết do điện giật.

Nước sông dâng cao, mạng lưới thoát nước nội thành bị vô hiệu, các dòng chảy ứ đọng đã gây ngập lớn ở thành phố Yên Bái. 8 xã ,phường đã bị ngập, hầu hết các tuyến đường nội thành bị ngập từ 0,5 - 1,2 m, giao thông đình trệ, nhiều nơi bị cô lập, không có điện, nước. Trong đó, phường Hồng Hà, Nguyễn Phúc ngập trên diện rộng; đường Điện Biên, đoạn ngã tư Cao Lanh - Đại lộ Nguyễn Thái Học ngập sâu từ 0,5 - 1,2m.

Các tuyến quốc lộ: 32, 37, 32C, 70 bị ngập, sạt lở nghiêm trọng ở 56 vị trí với khối lượng ước tính 22.000m3. Các tỉnh lộ ngập mặt đường ở 12 vị trí, sạt lở trên 21.000 m3.

Tuyến Yên Bái - Khe Sang, nhiều đoạn ngập sâu tới 1m; cầu Ngòi Hóp, Báo Đáp, Đào Thịnh, Móc Tôm ngập cao, tắc đường. Tỉnh lộ 166, đường Yên Bái-Văn Tiến, bến phà Trái Hút, đường Âu Lâu - Đông An... đều bị ách tắc do mưa lũ, sạt lở. Trên quốc lộ 32, tiếp tục sạt lở trên 14.900 m3 đất đá, gây ắch tắc giao thông.  Ngày 9.8, giao thông từ thành phố Yên Bái đi Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Mù Cang Chải ắch tắc hoàn toàn.

Trên tuyến đường sắt, ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng ga Yên Bái cho biết, do sạt đất, một tàu hàng đã trật bánh tại khu gian Trái Hút - Lâm Giang (Văn Yên); 3 giờ sáng ngày 9.8, tàu khách LC1 ngược Hà Nội - Lao Cai chở trên 1.020 hành khách đã trật bánh, làm lật đầu tầu khi qua cầu Ngòi Sen, xã Văn Phú, huyện Trấn Yên và 4 đoàn tàu khách khác với gần 1.700 khách đã phải nằm chờ tại ga Yên Bái.

Tới 15 giờ chiều 9/8, bão lũ đã làm gãy một nhịp công trình thuỷ lợi Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình; ngầm cầu Thống Nhất và phai Minh, xã Bạch Hà bị hư hỏng, gãy 25m kênh bê tông; tuyến kênh chính đập Hang Luồn, xã Vĩnh Kiên bị bồi lấp.

Các lực lượng tập trung cao độ ứng cứu dân trong lũ

Ngay trong lũ bão, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo các ngành, địa phương đã có mặt chỉ đạo tại các điểm "nóng". Bộ CHQS tỉnh đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ, 1.500 dân quân tự vệ, phối hợp với cán bộ chiến sỹ các đơn vị E931, Z183, các đơn vị của Quân khu II, sử dụng 9 xuồng cao tốc, sơ tán 3.000 hộ dân và hành khách tại ga Văn Phú. Tại tổ 39, 41, 42, 43, 45 phường Đồng Tâm (TP Yên Bái), nước dâng ngập nhà dân từ 0,5 - 1m, 9 hộ dân kẹt lại trong nhà, lực lượng của Bộ CHQS tỉnh kịp thời đưa các hộ ra ngoài an toàn. Ngay từ 2h sáng ngày 10/8, lực lượng

Công an tỉnh do Phó giám đốc Đặng Trần Chiêu chỉ huy đã huy động 300 cán bộ chiến sỹ ứng cứu, sơ tán gần 1.000 người dân, trong đó, có nhiều người già và trẻ em ở phường Hồng Hà, phường Nguyễn Thái Học, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái). Công an huyện Trấn Yên, nơi bị cô lập hoàn hoàn với các địa phương khác, đã huy động lực lượng cùng chính quyền địa phương sơ tán 267 hộ dân ra khỏi khu vực ngập lụt.

Công an các huyện Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên cũng huy động lực lượng, cùng chính quyền địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm giao thông. Tuyến đường bộ, theo ông Vũ Văn Quỳnh - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, ngành đã huy động tối đa lực lượng xe máy, nhân lực ở 2 đơn vị quản lý đường bộ; huy động nhân lực tại chỗ tham gia xử lý. Tới trưa ngày 10.8, đã thông xe quốc lộ 37 đoạn Thác Ông - Cát Lem; quốc lộ 32; đường Mậu A - Tân Nguyên; Km 90, quốc lộ 70 (Khánh Hoà, Lục Yên)...

Tinh thần trách nhiệm và tính chủ động được phát huy cao độ ở nhiều địa phương. Như ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, lũ làm ngập 10 ngôi nhà và cuốn trôi 4 ngôi nhà khác; nhiều diện tích ao nuôi trồng thủy sản bị ngập vỡ, đã huy động khoảng 200 dân quân, công an viên, thanh niên, hội viên Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ... giúp dân di dời an toàn, bảo vệ tốt thân đê, kịp thời đưa 5 tấn thóc giống ra khỏi vùng ngập lụt, không để thiệt hại về người; huyện Văn Chấn chủ động di dời và tuyên truyền phòng ngừa bão lũ, nên chưa để xảy ra thiệt hại về người do sập đất, lũ quét.

Tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 3 triệu đồng, mỗi gia đình có nhà bị sập 5 triệu đồng và người bị thương 1 triệu đồng. Ngay chiều qua, chuyến hàng cứu trợ ban đầu của tỉnh gồm 800 thùng mỳ tôm, 400 lít xăng, 1.000 phong lương khô... đã đến với người dân vùng lũ Trấn Yên. Tỉnh cũng đã phân công các đoàn công tác kiểm tra tình hình, tổ chức các hoạt động cứu trợ cho người dân vùng lũ Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái.

Trong bão lũ, ngọn lửa tình người lại được thắp sáng. Người dân ở đường Thanh Niên, thành phố Yên Bái - nơi chìm trong nước từ 3- 4m, đã chia sẻ nhau từng gói mỳ tôm, thậm chí, ca nước sạch cuối cùng; bà con ở xã Vĩnh Kiên, Yên Bình không quản ngại nguy hiểm giúp nhau di dời tài sản, cấp cứu, tìm kiếm người bị nạn... Tình quân dân cá nước, tình đồng chí - đồng đội - đồng bào đã trở thành động lực không gì thay thế giúp những người hoạn nạn vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Tổng thiệt hại do bão số 4 ở Yên Bái, tới ngày 10.8, ước tính khoảng 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bão chưa phải đã hết. Theo cơ quan Dự báo Khí tượng Thủy văn, có thể vẫn còn mưa to gây lũ quét, ngập úng và sạt lở đất. Lúc này, các ngành, địa phương phải bám sát chỉ đạo của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, ưu tiên cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm an ninh trật tự, khôi phục giao thông, ổn định cuộc sống cho người dân.

Phương châm chỉ đạo là, các cấp, các ngành khẩn trương cứu tế, hỗ trợ, nhất là các gia đình có người chết, mất tích, bị trôi, sập nhà cửa; đáp ứng kịp thời các nhu cầu về y tế, môi trường cho người dân vùng lũ, không để người dân bị thiếu lương thực, thiếu nước sạch, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

*Thành phố Yên Bái nhiều doanh nghiệp, nhà dân đang rất nguy cấp

*Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát: Yên Bái cần đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho nhân dân

*Ảnh nước ngập ga Yên Bái - Hành khách rời tàu!

*Mưa lũ làm 25 người chết, 4 người mất tích

*Thành phố Yên Bái ngập trong nước

*Một số hình ảnh mưa lũ tại Yên Bái

*Yên Bái: Thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng cơn bão số 4

*Yên Bái vẫn chìm trong biển nước

Nhóm PV

Các tin khác

Bộ GD-ĐT vừa có thông báo gởi các sở GD-ĐT về việc đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường (GDBVMT) vào các môn học cấp THCS và THPT. Theo đó, từ năm học 2008-2009, cấp THCS thực hiện đưa GDBVMT vào các môn học: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, vật lý, sinh học, công nghệ.

Đưa KH-CN về huyện sẽ giúp giải quyết thực trạng KH-CN khó về tới cơ sở...

Liên Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) vừa ban hành Thông tư liên tịch 05, theo đó, mỗi quận, huyện bố trí 1-2 "biên chế chuyên trách" KH-CN. Cả nước sẽ có khoảng 1.000 cán bộ chuyên trách triển khai hoạt động KH-CN ở quận, huyện.

YBĐT - Trong cơn mưa lớn ào ào như thác đổ, dự định của chúng tôi vào vùng lụt Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái nhưng giờ phải đổi hướng khi gặp chuyến xe chở hàng cứu trợ của tỉnh vào vùng lũ Trấn Yên. Vậy là con đường để đến với người dân trên ốc đảo Cổ Phúc những ngày này đã hé mở.

Thực phẩm tươi sống tăng đột biến.

YBĐT-Mưa lũ kéo dài khắp trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của Yên Bái với lượng mưa lớn khiến cho tất cả các tuyến đường vào thành phố cũng như tuyến đường đi các tỉnh lân cận: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ đều bị tắc nghẽn. Quốc Lộ 70, Quốc lộ 32 giao thông bị đình trệ bởi hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong lúc toàn Đảng, toàn dân Yên Bái đang gồng mình chống lũ thì cũng có không it người đã lợi dụng mưa lũ, lúc dân khó khăn đã tranh thủ lên giá và “ăn theo” mưa lũ khiến hàng ngàn người dân Yên Bái và khách đi đường “cắn răng” làm “thượng đế”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục