Đưa KH-CN về huyện: Mỗi huyện, bố trí 1-2 cán bộ chuyên trách khoa học
- Cập nhật: Thứ hai, 11/8/2008 | 12:00:00 AM
Liên Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) vừa ban hành Thông tư liên tịch 05, theo đó, mỗi quận, huyện bố trí 1-2 "biên chế chuyên trách" KH-CN. Cả nước sẽ có khoảng 1.000 cán bộ chuyên trách triển khai hoạt động KH-CN ở quận, huyện.
Đưa KH-CN về huyện sẽ giúp giải quyết thực trạng KH-CN khó về tới cơ sở...
|
Bộ trưởng các Bộ Nội vụ, KH-CN vừa ký ban hành Thông tư liên tịch 05 "Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH-CN thuộc UBND cấp tỉnh, huyện". Theo đó, các thành tựu KH-CN có cơ hội "thẳng tiến" về cơ sở, do hơn 500 quận, huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) trực tiếp triển khai ứng dụng trên toàn quốc.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân tại Hội nghị Triển khai thực hiện Thông tư 05 (Hà Nội, 7/8), đây là văn bản pháp luật hướng dẫn giải quyết thực trạng khó đưa KH-CN về cơ sở.
Thông tư 05 quy định, cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện có nhiệm vụ phát triển phong trào lao động sáng tạo, phổ biến, lựa chọn các tiến bộ KH-CN, các kết quả nghiên cứu KH và phát triển công nghệ, các sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để áp dụng tại địa phương; tổ chức thực hiện các dịch vụ KH-CN trên địa bàn.
Cơ quan này đồng thời được thực thi quyền hạn mới: Quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về KH-CN trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Giải thích lý do trao nhiều quyền mới cho cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện, Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết: "Nghiên cứu KH có thể thực hiện ở tầm vĩ mô nhưng việc ứng dụng thành tựu KH-CN lại rất cần thực hiện ở cấp cơ sở. Cán bộ chuyên trách KH-CN cấp quận, huyện, nhờ sự gần gũi về địa lý và thông hiểu địa bàn, sẽ dễ nắm bắt nhu cầu ứng dụng KH-CN của các DN, các cá nhân tổ chức làm KH-CN tại đây, trên cơ sở đó, hướng dẫn, hỗ trợ họ triển khai hiệu quả các hoạt động KHCN".
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Quân, cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện là đơn vị quản lý "sát" nhất trên nhiều lĩnh vực, như an toàn bức xạ (với bệnh viện, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có trang thiết bị liên quan nguồn phóng xạ), quản lý sở hữu trí tuệ (quy định về nhãn hiệu, hàng hóa trên địa bàn), quản lý đo lường chất lượng (phối hợp các ban ngành quy định chất lượng hàng hóa sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn; phát hiện hàng giả, hàng nhái). Đồng thời, có khả năng tư vấn cụ thể nhất cho DN, cơ sở có hoạt động KH-CN khi họ gặp các vấn đề tranh chấp.
Để cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện thực hiện tốt nhiệm vụ, Thông tư 05 quy định 1-2 "biên chế chuyên trách" cho mỗi đơn vị. Với quy định này, cả nước sẽ có khoảng 1000 cán bộ chuyên trách KH-CN (thuộc Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công thương, UBND quận/huyện), chuyên thực hiện các nhiệm vụ triển khai hoạt động KH-CN ở cấp này, trong khi trước đây, đội ngũ này đều là cán bộ kiêm nhiệm; hiệu quả hoạt động vì vậy thấp.
Cùng với đó, lần đầu tiên cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp huyện được quyền phân bổ ngân sách (trước đây quyền này thuộc cấp tỉnh), tuy trung bình chỉ khoảng vài trăm triệu/đơn vị/năm (như muối bỏ bể khi triển khai các hoạt động), nhưng cũng tạm giúp đầu tư để khuyến công, khuyến nông, khuyến khoa. Nhờ quyền trực tiếp sử dụng nguồn kinh phí cho triển khai nghiên cứu lẫn ứng dụng KH-CN, cán bộ chuyên trách KH-CN cùng cơ sở nghiên cứu có nhiều cơ hội liên kết để thực hiện nhiệm vụ KT-XH của địa phương.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
YBĐT - Trong cơn mưa lớn ào ào như thác đổ, dự định của chúng tôi vào vùng lụt Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái nhưng giờ phải đổi hướng khi gặp chuyến xe chở hàng cứu trợ của tỉnh vào vùng lũ Trấn Yên. Vậy là con đường để đến với người dân trên ốc đảo Cổ Phúc những ngày này đã hé mở.
YBĐT-Mưa lũ kéo dài khắp trên địa bàn các huyện, thị, thành phố của Yên Bái với lượng mưa lớn khiến cho tất cả các tuyến đường vào thành phố cũng như tuyến đường đi các tỉnh lân cận: Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ đều bị tắc nghẽn. Quốc Lộ 70, Quốc lộ 32 giao thông bị đình trệ bởi hàng trăm điểm sạt lở nghiêm trọng. Trong lúc toàn Đảng, toàn dân Yên Bái đang gồng mình chống lũ thì cũng có không it người đã lợi dụng mưa lũ, lúc dân khó khăn đã tranh thủ lên giá và “ăn theo” mưa lũ khiến hàng ngàn người dân Yên Bái và khách đi đường “cắn răng” làm “thượng đế”.
YBĐT - Chiều ngày 10/8, trên địa bàn thành phố Yên Bái trời đã ngớt mưa và có nắng nhưng lũ vẫn ở mức cao, nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái vẫn chìm trong biển nước. Công tác cứu trợ, cứu hộ vẫn đang diễn ra khẩn trương.
YBĐT - Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái, tính đến 11h trưa ngày 10/8, toàn tỉnh Yên Bái có 33 người chết và 4 người mất tích. Trong đó, huyện Lục Yên 7 người, thành phố Yên Bái 2 người, Yên Bình 12 người, Văn Yên 10 người, Trấn Yên 2 người. Số người bị thương do sập đất ta luy là 19 người (Lục Yên 2, Văn Yên 2, Yên Bình 15). 18 xã dọc sông Hồng bị tràn đê: đê Phú Thọ của xã Việt Thành và đê của thị trấn Cổ Phúc.