Dạy nghề ở vùng cao Văn Yên: Con đường đã mở
- Cập nhật: Thứ sáu, 15/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vẫn là những công việc thường ngày của nhà nông như: chăn lợn, nuôi bò, trồng lúa, làm ngô…nhưng giờ đây nhiều nông dân ở vùng cao Văn Yên mới được tiếp cận, nắm bắt nó một cách bài bản với bao điều mới lạ, nhờ có những lớp dạy nghề lần đầu tiên được mở ngay tại xã nhà.
Giờ thực hành tiêm phòng lợn lớp đào tạo nghề ngắn hạn chăn nuôi thú y tại xã Lâm Giang.
|
Chăm chú lắng nghe từng lời giảng viên Trung tâm dạy nghề huyện nói về bệnh dịch của lợn, đôi mắt bác Đặng Đăng Phúc, thôn Đam 2, xã Lang Thíp ánh lên niềm vui háo hức. Trong ngăn bàn, một âu cơm trắng với ít muối lạc và măng ớt. Dưới nền nhà, lấm lem đất cát trên đôi bàn chân không dép… Âu cơm ấy là suất ăn trưa được bác mang theo từ sáng đến lớp học cách nhà gần chục km. Âu cơm đạm bạc theo đôi chân trần đến lớp để mang về những kiến thức thiết thực cho phát triển kinh tế gia đình. Bác bảo: "Những điều biết được ở đây bổ ích lắm. Thật tiếc là bây giờ mới được học. Nhưng cũng không muộn". Sẽ càng là không muộn với những học viên trẻ tuổi trong lớp học này, mà phần lớn các em là thanh niên dân tộc Dao. Em Đặng Thị Yết tâm sự: "Ở nhà thấy bố mẹ nuôi trâu, bò, lợn, gà hay bị chết, bố mẹ xót lắm, em muốn đi học những kiến thức như thế này lâu rồi nhưng chưa có điều kiện. Bây giờ lớp được tổ chức ngay tại xã, thuận tiện cho chúng em tham gia". Đối với nhiều học viên khác, lớp dạy nghề dù chỉ là lớp dạy nghề ngắn hạn trong vòng 1 tháng rưỡi cũng đủ để cho những thanh niên bước vào tuổi lao động nuôi dưỡng một ước mơ lập thân lập nghiệp không quá xa vời.
Từ năm 2007, nông dân huyện Văn Yên, nhất là những thanh niên dân tộc ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện bắt đầu được làm quen và tham gia những khoá đào tạo nghề ngắn hạn được mở ngay tại xã. Thầy, cô giáo có khi là giáo viên của Trung tâm Dạy nghề huyện, cán bộ Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện nhưng có khi là những giảng viên của Trường Trung học Nông - Lâm nghiệp tỉnh Yên Bái cắm xã để truyền thụ kiến thức người dân. Sự hờ hững trong việc tiếp thu kiến thức buổi đầu đến nghe của nhiều người dân ít nhiều đã nhường chỗ cho những suy nghĩ: trồng trọt, chăn nuôi hay bất kì một công việc nào đó cũng đều cần được trang bị những kiến thức cơ bản...
Nhìn những thanh niên dân tộc học tập, tiếp thu kiến thức, chị Nguyễn Thị Vân - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Văn Yên cứ vui dần theo số lượng học viên đến lớp. Bắt đầu từ Viễn Sơn, Lâm Giang, thôn Khe Cạn (xã Đông An), rồi đến Quang Minh, Quế Hạ, Lang Thíp... Ngày đầu dự định mở lớp dạy nghề này đứng trước bao khó khăn, trở ngại không chỉ trình độ, nhận thức về dạy nghề của người dân hạn chế, việc sắp xếp thời gian học tập của người dân khó khăn mà cả chuyện nhân lực, vật lực của Trung tâm cũng còn thiếu thốn... Nhưng, thực trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện chỉ đạt 16,32% thời điểm cuối năm 2006, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 10%, đặc biệt tỷ lệ lao động qua đào tạo ở vùng cao mới chỉ đạt 5%, đã thôi thúc Trung tâm bắt tay vào việc mở lớp dạy nghề tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc của huyện. Phải nói rằng, đây là sự mạnh dạn của một trung tâm dạy nghề non trẻ, chỉ vừa thành lập năm 2005 và đi vào hoạt động năm 2006.
Sự ủng hộ trong công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã góp phần làm thay đổi nhận thức về dạy và học nghề của người dân. Đến nay, nhiều xã như Lâm Giang đã tiếp tục mở thêm những khoá đào tạo mới. Chủ tịch UBND xã Lâm Giang - Vũ Mạnh Hải cho hay: “Lâm Giang là xã vùng cao với phần lớn diện tích là rừng và đất rừng. Vì vậy, phát triển kinh tế bằng chăn nuôi gia súc là một nhu cầu lớn của bà con. Hiện trong xã có trên 2000 con trâu, bò và 3000 con lợn, vẫn được bà con chăn nuôi tự phát và bằng kinh nghiệm. Thật vui là đã có 2 lớp đào tạo nghề được mở tại xã. Việc mở lớp như chăn nuôi thú y như thế này sẽ giúp bà con phát triển chăn nuôi hiệu quả, đồng thời nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã từ 7% hiện nay lên 11% vào năm 2010".
Cho đến nay, Trung tâm Dạy nghề Văn Yên đã mở được 14 lớp tại 8/13 xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, riêng trong năm 2008 là 8 lớp với nhiều ngành nghề thiết thực cho người dân. Thông qua những khoá học này giúp cho người lao động nông thôn được trang bị, bổ sung những kiến thức một cách bài bản, áp dụng vào sản xuất một cách có hệ thống như trồng các loại cây, chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm đem lại năng suất, chất lượng cao, tạo việc làm ổn định; đặc biệt là tạo hành trang lập nghiệp cho thanh niên nông thôn, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số. Chị Vân phấn khởi cho hay, trong tháng 8 này đã có thêm 2 lớp dạy nghề cho người nghèo đã được mở tại Tân Hợp. Nỗ lực với mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 18,1% cuối năm 2007 lên 30% vào cuối năm 2010, Trung tâm Dạy nghề Văn Yên rất cần hơn nữa sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể để gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với các sự trợ giúp sau đào tạo như vay vốn tín dụng, vốn ưu đãi giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm…Có vậy mới mong nâng cao hiệu quả chuyển nghề tại chỗ, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống tiến tới xoá nghèo cho người dân các xã vùng cao của huyện.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT - Nhằm trang bị kiến thức về quản lý, phương pháp xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, vừa qua Phòng LĐ-TB&XH thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Yên Bái tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp cơ sở.
Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn gửi Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, TP đề nghị thông báo cho các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh thuốc và người dân không được kinh doanh, sử dụng thuốc có tên gọi “Thuốc dân tộc cứu nhân vật” hay “Thuốc đông dược dân tộc”.
YBĐT - Nước rút! người dân trở về! Nhưng không ít người không còn nhận ra cái nơi mà người ta đã từng gắn bó trước đó ít ngày! Tất cả đã tan hoang! Nhà cửa ruộng vườn chỉ còn một màu bùn đất. Những ngọn cây vượt cao trên nước cũng rũ xuống sau mấy ngày lũ quần đảo nơi đây.
YBDT - Có 14 trường thuộc huyện Lục Yên và Yên Bình bị lũ quét và sạt lở đất làm cuốn trôi bàn ghế và hư hỏng nhiều công trình xây dựng như: lớp học, nhà giáo viên, nhà để xe...; sập nhiều kè đá, tường bao xung quanh các khu vực trường; làm hư hỏng nhiều sách giáo khoa, đồ dùng thiết bị dạy học, bàn ghế của giáo viên, học sinh...