Cảnh báo sớm lũ quét: Chưa thành công và có vấn đề

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/8/2008 | 12:00:00 AM

Mặc dù đã công bố thành công nhưng các trạm cảnh báo lũ quét đặt tại các tỉnh vừa bị lũ tàn phá hoàn toàn không phát huy tác dụng.

Phần lớn thôn Tùng Chỉn I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bị san phẳng sau trận lũ quét
Phần lớn thôn Tùng Chỉn I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bị san phẳng sau trận lũ quét

Trả lời câu hỏi tại sao lại có tình trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Công Thành nói: "Việc triển khai lắp đặt một số trạm cảnh báo sớm lũ quét như thông tin trên báo chí gần đây mục đích chỉ để xem khả năng thực tế của thiết bị thế nào vì thiết bị công nghệ đã có đổi mới, trước đây truyền tin khó, giờ có khả năng tự động. Tất cả vẫn trong giai đoạn thử nghiệm ở Viện Khí tượng thủy văn. Khi có kết luận cụ thể chúng tôi sẽ phải chuyển sang Trung tâm Khí tượng thủy văn là cơ quan nghiệp vụ. Lúc đó mới có thể nói là làm nghiệp vụ dự báo thật".

 Thưa ông, đề án về cảnh báo sớm lũ quét đã có từ bao giờ, được tiến hành ra sao mà đến nay lũ xong dân mới biết?

- Đề án đã có cách đây hai năm. Nhưng thật ra chuyện cảnh báo lũ quét đã được nói đến từ cả chục năm nay. Đã có nhiều đề xuất nhưng để thực hiện được rất khó khăn.

Hệ thống cảnh báo sớm lũ quét truyền tin qua hệ thống di động từ năm 2006 đã được công bố thử nghiệm thành công. Thưa ông, tại sao Bộ Tài nguyên - môi trường lại để thử nghiệm lâu như vậy? Sao không triển khai tiếp?

- Hệ thống đó chưa thể nói là thành công được. Thực tế lần này đã khẳng định điều đó. Các nhà khoa học, chủ nhiệm đề tài có thể nói với nhau là thành công như một kiểu tự hào trong nghiên cứu, chứ thực tế chưa nghiệm thu. Bộ Tài nguyên - môi trường chưa công nhận đề tài đó thành công. Mới đặt các trạm đo mưa, chưa được kiểm nghiệm mà đã công bố thử nghiệm thành công hệ thống cảnh báo sớm lũ quét là hơi vội vàng.

Các nhà khoa học rất muốn làm thành công, đó là thiện ý nhưng nhà quản lý thì phải đánh giá nhiều chiều mới tiến hành làm từng bước một. Qua trận lũ này có thể khẳng định hệ thống đó có vấn đề. Đây là bài học về sự khắt khe của thực tế đối với các đề tài khoa học. Tôi vừa ký văn bản đề nghị chủ nhiệm đề tài báo cáo cụ thể để xem hệ thống đã làm việc thế nào, có hiệu quả không, từ đó quyết định có tiếp tục làm hay dừng, nếu làm phải định hướng lại thế nào. Báo cáo sẽ có trong tháng tám này.

Theo ông, các nhà khoa học thử nghiệm thành công nhưng cuối cùng hệ thống không hoạt động là vì đâu?

- Cảnh báo lũ quét rất khó. Hệ thống cảnh báo của Viện Khí tượng thủy văn chỉ là một trong các nghiên cứu về vấn đề này. Việc không cảnh báo được có thể do nhiều nguyên nhân, vì hệ thống trục trặc, sóng di động không phủ đến hoặc nơi đặt trạm không mưa, chỗ mưa thì không có trạm. 

 Sắp tới Bộ Tài nguyên - môi trường sẽ có chỉ đạo làm thế nào để có thể cảnh báo lũ quét sớm, chính xác, giảm thiệt hại cho dân?

- Chúng tôi đã chỉ đạo làm rồi, có hai hướng. Thứ nhất là phòng từ xa, tức nghiên cứu cơ bản phân vùng lũ quét, xác định cho được vùng có nguy cơ cao để phối hợp với chính quyền địa phương bố trí lại dân cư. Đây là biện pháp căn cơ và hiệu quả nhất. Đồng thời, chúng tôi sẽ đẩy nhanh thử nghiệm một số mô hình dự báo, các trang thiết bị dự báo để xem cái nào phù hợp. Vấn đề này không thể có một loại thiết bị chung áp đặt cho tất cả vì địa hình mỗi nơi một khác. Một số chuyện có thể khẳng định là làm được nhưng không phải cứ thế là làm ngay, vì càng khảo sát tỉ mỉ, cụ thể thì hiệu quả càng cao. Cùng tiến bộ kỹ thuật, chúng tôi sẽ hoàn thiện các thiết bị phục vụ cảnh báo sớm.

Hai hướng trên đã làm đến đâu và bao giờ có thể cảnh báo lũ quét sớm cho dân, thưa ông?

- Hiện nay, một số bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét cao đã làm xong rồi. Chúng tôi đang tiến hành đánh giá lại xem chất lượng của các bản đồ trên thế nào để cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm 2009 sẽ công bố chính thức. Việc lắp đặt thiết bị kỹ thuật để cảnh báo lũ đang được tiến hành tích cực. Tuy nhiên phải nói rõ không chỉ ở VN mà trên thế giới, cảnh báo sớm lũ quét không đơn giản. Khẳng định bao giờ cảnh báo sớm được lũ quét cũng sẽ giống việc cảnh báo sớm động đất. Có nghĩa cảnh báo lũ quét có lưu vực làm được, có nơi sẽ không thể nào làm được.

(Theo TTO)

Các tin khác
Những gì còn lại ở thôn Cửa Ngòi sau lũ.

YBĐT - Nhìn cái ngấn phù sa bám trên thân hàng cau trước sân nhà anh Luận mà rợn cả người. Có cây đã bị nước lũ quật ngã. Đống gỗ gom được từ ngôi nhà đổ nát xếp trên nền nhà cũ phủ đầy phù sa, cái còn cái mất chẳng biết có đủ để dựng lại nữa không?!

Ông Phạm Văn Lưu - Giám đốc Công ty Bảo Minh Yên Bái trao hàng cứu trợ cho gia đình chị Nguyễn Thị Toán ở khu 4, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên.

YBĐT - Là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt lũ vừa qua, toàn huyện Trấn Yên có 4 người chết, 3 người bị thương; hơn 5 nghìn hộ dân phải di dời, gần 1000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 20 ngôi nhà bị trôi, 50 nhà bị đổ, 55 nhà sập, 500 nhà bị hư hỏng nặng… tập trung tại các xã ven sông như: Âu Lâu, Minh Tiến, Y Can, Quy Mông, Việt Thành, Báo Đáp, Đào Thịnh, Minh Quân …

Thanh niên tình nguyện đang nạo vét bùn đất, vệ sinh môi trường tại đại lộ Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Trên rất nhiều nẻo đường, thôn, bản hay khu dân cư của các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải, Văn Chấn và các xã, phường ở thành phố Yên Bái những ngày này, hàng nghìn đoàn viên thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện tươi trẻ đang tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ.

Số tiền 800.000 đồng/1 tháng cho SV vay vốn đã không còn đủ cho cuộc sống hiện nay, bởi vậy Bộ GD&ĐT đang đề nghị tăng mức vay vốn cho mỗi SV lên tối đa 1,2 triệu đồng/ tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục