Tiền đề phát triển kinh tế - xã hội
- Cập nhật: Thứ hai, 18/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Yên Bái có những bước phát triển về quy mô học sinh, mạng lưới trường, lớp học.
Một giờ học của học sinh Trường Dân tộc Nội trú huyện Mù Cang Chải.
|
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ (PCGDTH – CMC) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Đến cuối năm 2007, Yên Bái có 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 95,6% xã đạt chuẩn PCGDTHCS đúng độ tuổi, số đối tượng tốt nghiệp lớp 9 đạt 98,3%, số có bằng tốt nghiệp THCS đạt 85,4% trong tổng số đối tượng từ 15 – 18 tuổi.
Từ năm 1997, Yên Bái đã được công nhận đạt chuẩn PCGDTH – CMC. Rút ra bài học kinh nghiệm và phát huy tốt những thành quả đạt được, tỉnh đã nhanh chóng thực hiện PCGDTHCS. Tỉnh cũng sớm thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên theo dõi, phụ trách các huyện, thị xã, thành phố.
Thực hiện lồng ghép vào các chương trình triển khai trên địa bàn, hàng năm, Yên Bái đã sử dụng nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục nói chung cũng như thực hiện các mục tiêu PCGDTHCS. Đến nay, tổng kinh phí đầu tư từ các nguồn cho công tác phổ cập là trên 25 tỷ đồng.
Không chạy theo thành tích, Yên Bái đã có những bước đi, cách làm thích hợp theo từng thời điểm, từng địa phương và từng vùng. Với chức năng của mình, ngành giáo dục - đào tạo Yên Bái đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục của tỉnh và đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Đến nay, hệ thống mạng lưới trường, lớp học của tỉnh có 164 trường mầm non, 176 trường tiểu học, 52 trường PTCS, 137 trường THCS. Toàn tỉnh có 26 trường THPT, 10 trung tâm giáo dục thường xuyên, 5 trung tâm hướng nghiệp – dạy nghề và 170 xã có trung tâm học tập cộng đồng.
Ngoài việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên; nâng cao chất lượng giảng dạy đối với các cấp học phổ thông và bổ túc văn hóa, công tác kiểm tra, đánh giá, công nhận các đơn vị đạt chuẩn được tiến hành đúng quy trình; các hồ sơ theo quy định được thực hiện nghiêm túc từ xã, phường đến cấp huyện, thị xã, thành phố. Từ đó đã giúp các địa phương đánh giá chính xác chất lượng của công tác PCGDTHCS.
Qua kiểm tra, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều có số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn với tỷ lệ cao từ 90% trở lên. Đặc biệt, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên, Văn Yên có 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn.
Đáng ghi nhận là kết quả của huyện Trạm Tấu. Tuy là huyện vùng cao, trình độ dân trí không đồng đều nhưng việc triển khai đã có sự kết hợp chặt chẽ với các ngành, tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ và quan tâm đến việc học tập của con em, nhất là đối với trẻ em gái. Đến nay, số trẻ huy động vào lớp 1 của Trạm Tấu đạt tỷ lệ 95,8%, PCGDTH đạt 85,6%; huy động học sinh vào lớp 6 đạt 90,5%, tốt nghiệp lớp 9 năm học 2006 – 2007 đạt 93,8%; số người có bằng tốt nghiệp THCS của độ tuổi từ 15 – 18 tuổi đạt 78% và số xã, thị trấn đạt chuẩn là 11/12, bằng 91,7%.
Theo ông Nguyễn Hải Châu – Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục - Đào tạo thì kết quả công tác PCGDTHCS của Yên Bái thể hiện tương đối vững chắc. Để giữ vững, từng đơn vị cần tiếp tục củng cố, duy trì kết quả PCGDTH – CMC và phấn đấu đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi trong thời gian ngắn nhất, tạo tiền đề vững chắc cho PCGDTHCS; coi trọng hoạt động của các trung tâm giáo dục cộng đồng ở cấp xã. Một mặt cần phát triển giáo dục phổ thông, đồng thời củng cố các cơ sở giáo dục thường xuyên để vừa tăng số người đi học vừa nâng cao chất lượng đích thực, phát triển giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hoàn thành công tác PCGDTHCS là thành tựu có ý nghĩa đặc biệt với Yên Bái. Sự kiện này đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, tạo tiền đề phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển toàn diện ở khu vực miền núi phía Bắc.
Khánh Linh
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi tới Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Yên Bái sau một năm Luật Công chứng có hiệu lực. Mọi chuyện đã đổi thay cơ bản, không còn cảnh xếp hàng chờ đợi công chứng như trước, điều đó khẳng định Luật Công chứng ra đời đã góp phần đáng kể cải cách thủ tục hành chính và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn có những bất cập nảy sinh, rất cần sự điều chỉnh sao cho hợp lý và hiệu quả từ các cấp chính quyền.
YBĐT - Ngay từ đầu năm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tích cực tuyên truyền các chế độ chính sách BHXH theo luật tới các đơn vị, chủ sử dụng lao động và người lao động trên toàn huyện.
Thực hiện Công điện số 39 CĐ/PCLBTW ngày 17/8/2008 của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW - Uỷ ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn. Để bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân và tài sản, cơ sở vật chất ngành y tế, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương tiến hành các công việc sau:
YBĐT - Nghĩa Lộ (Yên Bái) bây giờ đương mùa ban nở. Đất trời miền Tây thanh bình với những cánh hoa ban Tây Bắc trắng ngần trong tiết thu dịu mát. Đứng giữa lòng phố thị tươi mới nhìn lên: tượng đài chiến thắng nổi bật trên nền trời xanh ngắt, ấy là Căng - Đồn Nghĩa Lộ - nơi ghi dấu những chiến công anh hùng của nhân dân Nghĩa Lộ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó cũng là niềm tự hào không riêng gì của nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ mà của cả miền Tây Bắc.