Đổi mới ở vùng cao Nậm Búng
- Cập nhật: Thứ tư, 27/8/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ năm 2005 trở về trước, cuộc sống của nhân dân xã vùng cao Nậm Búng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) gặp nhiều khó khăn. Số hộ đói, nghèo còn cao. Thế nhưng, bằng sự phấn đấu nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, việc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư đã có nhiều chuyển biến.
Thôn mới Nậm Pươi, xã Nậm Búng nằm trong dự án do Chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển tài trợ.
|
Phát huy những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã khoá XVII, (nhiệm kỳ 2004 - 2009), Đảng uỷ, chính quyền Nậm Búng tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân dân toàn xã thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội đã đề ra; không ngừng nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nhân dân, trong đó chú trọng tới việc thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đồi rừng và đầu tư xây dựng các kiến trúc hạ tầng tại cơ sở.
Mấy năm gần đây, Nậm Búng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều chương trình, dự án xoá đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống xã hội như: Chương trình 135; vốn đầu tư WB của Ngân hàng thế giới và Dự án Chia sẻ... Nậm Búng đã vận động các hộ ở trên cao hạ sơn xuống núi định cư như thôn Nậm Pươi; mở mới đường giao thông tại thôn Sài Lương và nhiều thôn khác. Các trường, lớp học được xây dựng kiên cố như: Trường tiểu học cơ sở Sài Lương, Trường trung học phổ thông cơ sở Nậm Búng và các lớp học mầm non tại thôn, bản.
Em Bàn Thiều Mây, thôn Nậm Pươi cho biết: “Từ khi hạ sơn về nơi định cư mới, em thấy yên tâm hơn, không còn lo sợ lũ quét như ngày trước. Ở nơi định cư mới gần đường quốc lộ, đi đâu rất thuận tiện, nhất là việc đi học”. Cũng từ các nguồn vốn hỗ trợ, xã đã tranh thủ mở mới và sửa chữa nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xây dựng các công trình nước sạch và thuỷ lợi phục vụ cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất.
Trong năm 2007, đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân, toàn xã đã gieo cấy được trên 68 ha lúa mới, tăng 6 ha so với năm trước, năng suất đạt 50 tạ/ha. Diện tích vụ mùa gieo cấy được 115 ha, đạt 100% kế hoạch, năng suất đạt trên 10 tạ/ha. Xã đã trồng được 110 ha, tăng hơn 10 ha.
Bên cạnh đó nhân dân còn tích cực trồng thêm 19,5 ha đậu, đỗ và 18 ha sắn cao sản. Mặc dù năm qua thời tiết không thuận lợi, thường xuyên diễn ra những đợt rét đậm, rét hại làm ảnh hưởng lớn tới sự tăng trưởng của đàn gia súc, gia cầm, song Nậm Búng vẫn phát huy tốt thế mạnh của đồng cỏ để phát triển đàn đại gia súc, tích cực làm chuồng, trại chống rét vào mùa đông, đảm bảo đủ sức cày, kéo trong sản xuất. Năm 2007, đàn trâu của xã là 1.250 con, tăng 86 con so với năm 2006; đàn bò 396 con, tăng hơn năm trước 126 con. Đàn ngựa chủ yếu ở các thôn, bản vùng sâu chăn nuôi để dùng làm phương tiện vận chuyển hàng hoá với 45 con.
Từ một xã vùng cao có tập quán tự cung, tự cấp, nay Nậm Búng đã chuyển dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Vài năm trở lại đây, đàn lợn luôn được áp dụng các phương pháp tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi theo mô hình mới với trên 2000 con. Bên cạnh phát triển chăn nuôi, xã còn vận động nhân dân chăm sóc 74 ha chè đã cho thu hoạch với năng suất bình quân mỗi vụ đạt 4 tấn /ha; chăm bón 90 ha chè mới trồng. Nhân dân đã trồng 181 ha rừng, bảo vệ tốt 4.461 ha rừng tự nhiên, gần 588 ha rừng phòng hộ, trong đó 70 ha mới trồng. Chợ phiên đã được hình thành tại trung tâm xã giúp người dân trong xã và trong vùng thuận lợi trong lưu thông trao đổi người dân đã có bát ăn bát để nên đã đầu tư hơn đến việc học của con em mình. Hiện nay, 9/10 thôn trong toàn xã đã có y tá thôn bản để phục vụ bà con tại chỗ.
Năm 2008, Đảng uỷ và chính quyền xã tiếp tục phấn đấu phát huy nội lực, thế mạnh của địa phương. Trong 7 tháng đầu năm, các chỉ tiêu đã đề ra như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản, sản xuất cây lương thực, phát triển cây ăn quả, trồng chè, trồng và bảo vệ rừng đều được chính quyền chỉ đạo sát sao và nhân dân tích cực thực hiện. Đặc biệt mạng quỹ tín dụng tại xã phát huy và khai thác tốt hiệu quả đã tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn phát triển kinh tế hộ, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng và quê hương đổi mới.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Cách trung tâm huyện Văn Chấn tới trên 60 cây số, địa bàn lại giáp ranh với 2 xã của huyện Mù Cang Chải, xã Tú Lệ là nơi tập trung nhiều đầu mối giao lưu buôn bán của đồng bào các dân tộc sống trên địa bàn lân cận.
YBĐT - Trong đợt lũ vừa qua gia đình ông Đinh Phú Kim ở tổ 9 phường Yên Ninh thành phố Yên Bái có 4 chiếc xe ô tô, loại xe du lịch, chất lượng cao bị ngập nước hỏng hóc một số phụ tùng, ước thiệt hại cả chục triệu đồng. Tuy nhiên toàn bộ số tiền đầu tư cho sửa chữa, thay thế đã được các nhà cung cấp bảo hiểm chi trả hết.
Từ 10 giờ sáng 27/8, giá xăng A92 đã được điều chỉnh xuống mức 17.000 đồng/lít, giảm 1.000 đồng/lít so với trước đó.
GS Ngô Đình Tuấn cho biết: Dự kiến, phải đến năm 2015 - 2020 mới có thể hoàn thành cơ bản công tác cảnh báo lũ quét trên cả nước.