Đồ chơi trẻ em nhập khẩu: Nguy hại nhiều nhưng không ghi cảnh báo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/8/2008 | 12:00:00 AM

Một đoàn của T.Ư đã đi một vòng ba TP lớn để kiểm tra về chất lượng đồ chơi trẻ em nhập khẩu. "Giá rẻ, đủ chủng loại, đa sắc màu nhưng không hề có ghi kèm cảnh báo là điều dễ nhận thấy nhất đối với đồ chơi trẻ nhỏ đang được bày bán tràn lan...".

Đồ chơi trẻ em bày bán la liệt nhưng hiếm có cảnh báo.
Đồ chơi trẻ em bày bán la liệt nhưng hiếm có cảnh báo.

Ông Đặng Thành Công, phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa thuộc Bộ Khoa học - công nghệ (KH-CN), nhận định như vậy khi ông dẫn đầu đoàn đi kiểm tra tình hình quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em nhập khẩu tại ba TP lớn là TP.HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Công cho biết:

- Từ năm 2005, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhất là với trẻ em, Bộ KH-CN đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ đưa mặt hàng đồ chơi trẻ em dưới 36 tháng tuổi vào danh mục buộc phải kiểm tra chất lượng. Trước sự cảnh báo của Hội Người tiêu dùng Hoa Kỳ, Cộng đồng châu Âu và theo đề nghị của Ban chỉ đạo 127 T.Ư, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em trên toàn quốc, nhất là với những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện tại có hai đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư đang ra quân (đoàn 1 do Bộ Công thương chủ trì sẽ đi kiểm tra năm TP và cửa khẩu ở phía Bắc, đoàn 2 do Bộ KH-CN chủ trì kiểm tra ba TP lớn là Cần Thơ, TP.HCM và Đà Nẵng) nhằm kiểm tra sự quản lý của địa phương trong lĩnh vực quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em.

Qua kiểm tra bước đầu cho thấy hầu hết đều vi phạm như đồ chơi không rõ nhãn mác, không có địa chỉ đơn vị nhập khẩu, phân phối, đặc biệt hầu hết đồ chơi trẻ nhỏ không hề có cảnh báo của nhà sản xuất theo quy định của pháp luật.

* Điều đó chứng tỏ việc quản lý đồ chơi trẻ em trên thị trường không được kiểm soát?

- Thời gian qua, một số doanh nghiệp nhập khẩu đã tìm cách lách luật bằng hình thức: trò chơi trẻ em dưới 36 tháng tuổi có ghi những cảnh báo, nhưng những cảnh báo ấy lại không hề dành cho lứa tuổi này nhằm tránh bị kiểm tra chất lượng. Thêm vào đó nó được nhập về quá nhiều bằng đường tiểu ngạch, không được kiểm soát.

Chính vì vậy, sắp tới Bộ KH-CN sẽ đề xuất thay đổi danh mục kiểm tra đối với hàng hóa là đồ chơi trẻ em không chỉ dưới 36 tháng tuổi mà cho tất cả, kể cả hàng nhập tiểu ngạch lẫn chính ngạch. Chúng tôi cũng sẽ đề nghị thay đổi thông tư liên tịch 37 giữa Bộ KH-CN với Tổng cục Hải quan về việc kiểm soát, ghi nhãn mác sản phẩm đầy đủ xong mới cho thông quan lô hàng.

* Trong lần đi kiểm tra này, điều làm ông quan ngại nhất là gì?

- Theo khuyến cáo của Cộng đồng châu Âu và Hoa Kỳ thì một số đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc hiện có chứa một số độc tố nguy hại lẫn trong màu sơn và nhựa. Hay như một số đồ chơi có gắn vật nhỏ, nhọn, nam châm dễ bị trẻ em nuốt vào rất nguy hiểm. Ngoài ra còn có một số đồ chơi rất dễ bắt lửa (dễ cháy). Vì vậy trong lần này, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra các độc tố ảnh hưởng đến người tiếp xúc. Ngoài ra còn có chỉ tiêu về chống cháy. Hiện các địa phương đang tiến hành kiểm tra nên vẫn chưa có kết quả giám định cuối cùng.

* Thưa ông, vừa qua xuất hiện những đồ chơi hạt nở nhiều màu của Trung Quốc gây ngộ độc cho trẻ làm các bậc phụ huynh hết sức lo ngại. Ở góc độ quản lý nhà nước, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Theo tôi, những địa phương nào phát hiện thì phải tịch thu, đưa đi tiêu hủy ngay. Đồng thời rất mong các phương tiện truyền thông nên tuyên truyền mạnh hơn để phụ huynh không mua và không cho con em mình chơi những đồ chơi nguy hiểm này.

* Như vậy cũng mới xử lý được phần ngọn, còn phần gốc thì thế nào?

- Như tôi đã nói, ở các vùng biên giới các lực lượng biên phòng, hải quan phải tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn.

* Ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng khi lựa chọn đồ chơi cho trẻ?

- Người tiêu dùng phải cân nhắc khi chọn mua đồ chơi cho trẻ. Đối với các em nhỏ cần tránh những dạng vật chơi tròn, nhỏ, nhọn. Còn với trẻ lớn hơn một chút nên xem xét chọn mua đồ chơi không có tính bạo lực, như vậy sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến phát triển tính cách của trẻ về sau.

(Theo TTO)

Các tin khác
Trao đổi kinh nghiệm phòng chống bạo lực gia đình tại xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái).

YBĐT - Năm 2008, Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vữmg cộng đồng các dân tộc miền núi (SUDECOM) đã chọn xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) là 1 trong 2 đơn vị thực hiện dự án " Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, HIV/AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình" do Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới tài trợ.

YBĐT - Thực hiện chương trình Dự án giáo dục tiểu học đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD&ĐT về tuyển chọn nhân viên hỗ trợ giáo viên tiểu học năm 2008, Phòng Giáo dục huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phối hợp với các xã và chỉ đạo các trường tiểu học ở cơ sở tuyển chọn nhân viên hỗ trợ giáo viên tiểu học.

YBĐT - Bão lũ đi qua, để lại nhiều thiệt hại nặng nề về người và của. Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân bị thiệt hại là nhiệm vụ hàng đầu mà các cấp ủy, chính quyền ở Yên Bình (Yên Bái) đang tập trung chỉ đạo, thực hiện.

Ngày 27-8, Bộ GD-ĐT cho biết, triển khai đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là “Đề án 165” của Bộ Chính trị), Ban Cán sự Đảng bộ đang yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài năm 2008 và những năm tiếp theo của giai đoạn 2008 - 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục