Đổi thay nhờ dân vận tốt

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, diện mạo xã Hợp Minh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đổi thay nhanh chóng. Trụ sở xã khang trang, dịch vụ ăn uống với những nhà nghỉ mọc lên bên bờ sông Hồng, với những khuôn viên rộng rãi và các món ẩm thực luôn gọi mời du khách. Những vùng đầm lầy - nơi không thể trồng cấy đã được san lấp và nhường chỗ cho những cửa hàng buôn bán vật tư, những công ty trách nhiệm hữu hạn, những cơ sở chế biến lâm sản, nông sản.

Đến các thôn làng, ta sẽ tận mắt thấy những đồi chè cao sản, những thửa ruộng mùa nối mùa ngô lúa tốt tươi... Cuộc sống của người dân Hợp Minh đang từng ngày, từng giờ đổi thay, bắt nhịp với xu thế của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Để có một Hợp Minh như hôm nay, Đảng bộ xã đã chú trọng và làm tốt công tác vận động quần chúng. Khối dân vận cơ sở được thành lập gồm các thành viên là đại diện Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, trưởng các đoàn thể: phụ nữ, Đoàn thanh niên, cựu chiến binh, hội nông dân, người cao tuổi... do đồng chí Phó bí thư Thường trực Đảng ủy làm trưởng khối. Khối dân vận đã làm tốt công tác tham mưu, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vận động quần chúng thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện có hiệu quả, nhân dân được dân chủ bàn bạc và quyết định những việc liên quan trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tập  trung giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng. Do đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm và giữ vững ổn định. Đảng bộ thường xuyên có nghị quyết và đề ra chủ trương phát triển kinh tế được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay nhân dân đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có kết quả như trồng lúa, trồng chè chất lượng cao, tăng cường cây vụ đông, xây dựng mô hình chăn nuôi bán công nghiệp để dần trở thành hàng hóa, kinh tế tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ phát triển nhanh và khá đa dạng, đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, đến nay đường giao thông liên thôn đã cơ bản được bê tông hóa; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, các trường học được xây dựng và đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm; toàn xã có 8/9 thôn ra mắt xây dựng làng văn hóa, trong đó 3 thôn đã được công nhận làng văn hóa cấp huyện, 7 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó 4 nhà xây cấp IV do dân đóng góp 100% và kế hoạch trong năm 2008 sẽ làm tiếp 2 nhà văn hóa ở thôn còn lại.

Hội đồng làng có nhiều biện pháp vận động phát huy nội lực, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, kêu gọi sự đóng góp về trí lực, vật lực của những người con đất Hợp Minh đang làm ăn từ mọi miền đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Hàng năm, các ngày lễ, ngày kỷ niệm được tổ chức long trọng có ý nghĩa giáo dục tốt; các hoạt động văn hóa được chú trọng tạo nên không khí vui tươi, lành mạnh trong cuộc sống. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân góp phần thắt chặt hơn tình làng nghĩa xóm; các cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", xây dựng "Quỹ đền ơn đáp nghĩa", xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được nhân dân ủng hộ tích cực. Hợp Minh bây giờ không còn nhà dột nát, không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống còn hơn 3%. Tính đến hết tháng 6/2008 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7 triệu đồng.

Là xã ở gần trung tâm tỉnh lỵ và có diện tích tự nhiên hơn 927 ha, có 997 hộ dân trong đó 70% dân số làm nông nghiệp nên Hợp Minh đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, cùngg với cơ hội mở mang kinh tế, xã hội thị xã cũng đang đứng trước những thách thức của quá trình hội nhập. Do tác động của cơ chế thị trường nên nơi đây thường xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai; tệ nạn cờ bạc, nghiện hút ma túy, mại dâm diễn biến khá phức tạp. Sắp tới, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Côn Minh sẽ chạy qua địa phận 4 thôn, dài 2,35km, ảnh hưởng trực tiếp đến 18 hộ với diện tích đất nông nghiệp khá lớn, trong đó dự kiến giá đền bù chỉ có 18.000đồng/m2 ruộng. Vấn đề giải tỏa, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư như thế nào để đảm bảo cuộc sống của người dân, để công trình thế kỷ ngàn đời mong đợi nhanh chóng thành hiện thực.

Làm  thế nào để nhân dân trong xã có được cuộc sống ấm no gấp bội phần... tất cả đều phụ thuộc vào năng lực cán bộ cơ sở và kết quả của công tác vận động. Với thành tựu đã đạt được, với tinh thần trách nhiệm của những cán bộ luôn hết lòng vì dân, một ngày mới tràn đầy niềm tin và hy vọng sẽ bừng sáng trên quê hương Hợp Minh.

 Nguyễn Thị Thanh

Các tin khác

YBĐT - Luật Quản lý thuế được thông qua tại kỳ họp thứ 10 quốc hội khóa IX và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Cùng với toàn ngành thuế, Chi cục Thuế Văn Yên (Yên Bái) đã triển khai Luật Quản lý thuế tới các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện.

YBĐT - Để học sinh ở các địa phương bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 4 có thể đến trường trong năm học 2008-2009, tỉnh Yên Bái đã trích ngân sách 1 tỷ đồng hỗ trợ cho học sinh vùng lũ. Mỗi suất hỗ trợ gồm: 1 bộ sách giáo khoa, 10 quyển vở, 8 chiếc bút, 1 chiếc cặp.

Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa chuyển tới các địa phương hơn hai triệu thẻ khám, chữa bệnh (KCB) miễn phí để cấp cho đối tượng trẻ mới sinh. Như vậy, đến thời điểm này đã có hơn mười triệu trẻ dưới sáu tuổi được nhận thẻ KCB miễn phí.

Hoa hậu Ngô Phương Lan tặng quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn Trường tiểu học Nguyễn Hồng Thái (TP Yên Bái)

YBĐT - Sáng ngày 2/9, Hoa hậu thế giới người Việt Nam Ngô Phương Lan và đại diện của quỹ từ thiện Sao Biển đã đến thăm, tặng quà và giao lưu với học sinh Trường tiểu học Hồng Thái thành phố Yên Bái. Đây là ngôi trường bị thiệt hại nặng trong trận lũ vừa qua, cùng đi có ông Ngô Quang Xuân – Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, thân sinh ra Hoa hậu thế giới người Việt Ngô Phương Lan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục