Năm học 2008 - 2009: Tạo chuyển biến về chất trong hoạt động dạy và học

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Năm học mới 2008 - 2009 đã bắt đầu, phóng viên Báo YBĐT có cuộc trao đổi với đồng chí Trần Xuân Hưng - Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái xung quanh công tác triển khai năm học mới.

- Xin đồng chí cho biết, năm học 2008 - 2009, toàn tỉnh sẽ có bao nhiêu em học sinh đến trường?

Theo báo cáo tổng hợp ban đầu năm học 2008 - 2009 toàn tỉnh sẽ huy động được trên 210.000 cháu nhà trẻ, học sinh, sinh viên, học viên từ bậc học mầm non đến giáo dục chuyên nghiệp đến trường. Hướng tới “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có chỉ đạo sát sao; các cơ sở trường đã có sự tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, phụ huynh vận động để đưa học sinh đến trường.

 Đồng chí có thể cho biết nhiệm vụ của năm học mới được xác định như thế nào?

Năm học 2008 - 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chỉ thị số 47/2008/CT-BGD&ĐT ngày 13/8/2008 với yêu cầu triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm trong toàn ngành; Uỷ ban nhân dân tỉnh đã có Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 14/8/2008 chỉ đạo các cấp, các ngành và ngành giáo dục và đào tạo triển khai 8 nhiệm vụ cơ bản.

Trên cơ sở những nhiệm vụ mà Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái xác định một số nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường công tác tham mưu đối với cấp uỷ và chính quyền địa phương các cấp, kịp thời khắc phục và tháo gỡ những khó khăn, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động dạy và học.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên; thể chế hoá một số những qui định trong công tác quản lý dạy và học, đảm bảo kỷ cương nền nếp trường học.

Ba là, năm học 2008-2009 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là “Năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với chủ đề năm học được xác định có ba nội dung cơ bản phải được tổ chức triển khai bằng kế hoạch cụ thể từ Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo đến các đơn vị, cơ sở trường học.

Bốn là, chất lượng giáo dục là vấn đề cần được quan tâm để từng bước khắc phục những yếu kém. Đây vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ của nhiều năm tiếp theo, cũng là yếu tố mang tính xã hội. Trong năm học này, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tham mưu với Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn thành việc xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển giáo dục giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020; phối hợp với các ngành, các địa phương xây dựng Đề án về quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học; Đề án về giáo dục dân tộc; Đề án về giáo dục mầm non; quan tâm đúng mức đến công tác chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên; huy động các nguồn lực để tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp.

Năm là, tích cực tham mưu với UBND tỉnh, ban chỉ đạo chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương bảo đảm triển khai nhanh có hiệu quả chương trình. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

- Để chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, các công tác chuẩn bị năm học mới đã được ngành triển khai ra sao?

Chuẩn bị cho năm học 2008-2009, ngành giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định về kế hoạch thời gian tổ chức các hoạt động dạy và học; UBND tỉnh đã có Chỉ thị về một số nhiệm vụ trọng tâm của các cấp học, bậc học. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ cho các cấp học, bậc học. Những điều kiện phục vụ cho công tác dạy và học đã được chuẩn bị: sách, thiết bị lớp 12, thiết bị và sách bổ sung cho các lớp 1 đến lớp 11 đã được chuyển đến các cơ sở trường học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; các địa phương cũng đã rà soát, điều chỉnh, phân bổ và luân chuyển giáo viên đến các trường thiếu giáo viên.

Cơ sở vật chất trường lớp đã được các địa phương quan tâm tu sửa, đảm bảo cho công tác dạy và học ngay từ đầu năm học. Những nơi có khó khăn do hậu quả của cơn bão số 4, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử các đoàn kiểm tra chỉ đạo các đơn vị nhà trường phối hợp các địa phương cơ bản đảm bảo ổn định tình hình cho khai giảng năm học.

- Khó khăn lớn nhất trong năm học tới được ngành xác định là vấn đề gì, thưa đồng chí?

Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái có rất nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, song khó khăn lớn nhất đó là chuẩn bị trang thiết bị cho các trường học kịp khai giảng năm học mới vì việc mua sắm sách, thiết bị phải qua đấu thầu với qui trình, thủ tục mất nhiều thời gian. Đặc biệt năm học này, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 nên nhiều trường bị thiệt hại về tài sản, trang thiết bị dạy học.

Để từng bước giải quyết khó khăn này, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tích cực tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan để xử lý khắc phục. Hậu quả của bão lũ có thể làm cho một số học sinh khó khăn dẫn đến bỏ học, đây là vấn đề cần được quan tâm để giúp đỡ các em, đảm bảo tất cả học sinh đều có sách, vở, có gạo trợ giúp những gia đình nghèo để các em được đến trường.

- Trong hai năm gần đây, cuộc vận động “Hai không” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động đã được ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái đã được triển khai nghiêm túc và bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, vậy năm học này cuộc vận động sẽ được tập trung vào vấn đề gì?

Hai năm gần đây cuộc vận động hai không do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động đã được ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái triển khai nghiêm túc, trong hai năm liên tục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động.

Năm học này, ngành sẽ tập trung tiếp tục triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 06/CT-TW của Bộ Chính trị, gắn với cuộc vận động “hai không”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo” và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tạo chuyển biến về chất trong hoạt động dạy và học, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn đồng chí !

Thành Trung

Các tin khác

YBĐT - Tân Thịnh là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 1.575 hộ với 5.877 nhân khẩu, 7 dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị ở địa phương luôn ổn định, song trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội kiểm tra công tác giải ngân ở cơ sở.

YBĐT - Thời gian vừa qua thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã tích cực thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và đã có 841 học sinh, sinh viên đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của các em.

YBĐT - Với tổng số 1.456 công nhân viên chức - lao động (CNVC - LĐ) tại 7 cơ sở công đoàn, cũng như nhiều tổ chức công đoàn khác, bước vào năm 2008, CNVC - LĐ ngành Giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn về đời sống, việc làm.

Niềm vui trên sân trường.

YBĐT - BHYT tự nguyện học sinh được triển khai tại huyện Văn Yên (Yên Bái) từ năm học 2000 - 2001. Những năm đầu gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động do địa bàn huyện rộng, giao thông đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều loại hình bảo hiểm thương mại cạnh tranh gay gắt với BHYT tự nguyện; trình độ dân trí còn hạn chế, người dân chưa hiểu hết về tính nhân văn, nhân đạo của BHYT tự nguyện nên số lượng tham gia còn ít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục