Đào tạo nghề ở Yên Bái:“Bánh xe” cần tăng tốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 10/9/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Những tháng đầu năm 2008, Trung tâm Dạy nghề Trạm Tấu và thành phố Yên Bái được thành lập, đánh dấu độ phủ kín của mạng lưới các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh tỉnh Yên Bái, hoàn thiện mạng lưới dạy nghề điều mà đến nay không nhiều tỉnh trên toàn quốc đạt được.

Cần tăng cường thực hành trong đào tạo nghề.
Cần tăng cường thực hành trong đào tạo nghề.

Trung tâm Dạy nghề Phú Hưng ra đời giữa năm 2008, Yên Bái đón nhận sự xuất hiện của loại hình trung tâm và trường dạy nghề tư thục. Hiện, toàn tỉnh có 21 cơ sở dạy nghề và cơ sở đào tạo có tham gia dạy nghề. Được biết, thời gian tới, Trường cao đẳng Nghề Âu Lạc thuộc Công ty cổ phần đào tạo Đồng Tâm  và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Công nghệ Yên Bái thuộc Trường cao đẳng công nghệ Bắc Hà cũng chuẩn bị thành lập.

Dạy nghề Yên Bái bước vào thời kỳ "trăm hoa đua nở", khởi động cạnh tranh lành mạnh. Đây là một bước tiến rõ nét, nền tảng cơ bản cho sự phát triển toàn diện và vững chắc của hoạt động dạy nghề. Các trung tâm dạy nghề tư thục trên địa bàn xuất hiện, cho thấy hiệu quả bước đầu của chính sách ở Yên Bái về thu hút đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề.

Theo ước tính, hàng năm số học sinh có nhu cầu đào tạo nghề là gần 14.000 người, trong đó số học sinh được đào tạo nghề khoảng 3.500 người. Bước đầu đã có sự định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở để học văn hoá, học nghề.

Năm 2007, Trường trung cấp Nghề đã mở các lớp đào tạo kết hợp loại hình đào tạo hệ trung cấp nghề và hệ bổ túc văn hoá trung học phổ thông cho 110 học sinh có trình độ tốt nghiệp trung học cơ sở.

Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động liên kết với các trường, trung tâm và các doanh nghiệp trong việc đào tạo các loại hình từ sơ cấp đến đại học. Trường trung cấp Nghề tỉnh đã liên kết mở các lớp đại học chuyên ngành hệ thống điện và điện tử, cơ khí chế tạo máy..., lớp trung cấp nghề quản lý điện nông thôn, vận hành máy thi công công trình cho hàng trăm học sinh, sinh viên…

Các trung tâm dạy nghề cấp huyện đã liên kết, hợp tác đào tạo các lớp lái xe, tin học văn phòng... Hoạt động xã hội hoá dạy nghề ghi nhận một số kết quả bước đầu trong việc huy động nguồn lực đầu tư cho dạy nghề, đa dạng hoá loại hình cơ sở dạy nghề, sự thụ hưởng hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề đã được cải thiện đáng kể so với trước.

Với bước tiến nhiều mặt, tỷ lệ lao động được đào tạo và đào tạo nghề đều tăng hàng năm. Tính đến hết năm 2007, tỷ lệ lao động qua đào tạo chung toàn tỉnh đạt 28,7%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 12%. Song, so với  tỷ lệ 24,7% lao động qua đào tạo nghề của cả nước thì tỷ lệ này còn thấp, đồng thời nảy sinh sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo: đào tạo nghề dài hạn chỉ chiếm có 13,2% so với tổng số lao động đã qua đào tạo.

Trong ngành nghề, đào tạo nghề dài hạn chủ yếu là các nhóm nghề công nghiệp xây dựng, đối với nhóm nghề nông, lâm nghiệp và thương mại, số lượng lao động được đào tạo nghề còn ít, chủ yếu mới chỉ được đào tạo ngắn hạn từ các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề của tỉnh hàng năm.

Trong đào tạo, vẫn chủ yếu là lý thuyết, đơn cử: hệ trung cấp nghề 55% chương trình học là lý thuyết, điều kiện cho thực hành còn thiếu thốn, nghèo nàn. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được quan tâm, thực hiện thông qua các triển khai các dự án đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hàng năm, nhưng nhìn chung lao động qua đào tạo của tỉnh vẫn chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị.

So với nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của địa phương, lao động qua đào tạo cả về số và chất lượng mới đáp ứng được phần nhỏ. Còn thiếu hụt lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lao động được đào tạo ở ngành nghề mũi nhọn. Việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, gắn với tạo việc làm bước đầu khởi sắc.

Trường trung cấp Nghề đã liên kết đào tạo hàng trăm công nhân kỹ thuật trình độ trung cấp nghề cho các đơn vị trên địa bàn. Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Hưng cũng đã liên kết với Nhà máy Luyện gang thép - Công ty cổ phần Thép Cửu Long Vinashin đào tạo trình độ trung cấp nghề cho 500 công nhân thuộc 9 ngành nghề.

Nhiều lao động sau khi học nghề đã được các cơ sở dạy nghề giới thiệu đi làm việc tại các thị trường lao động trong và ngoài nước. Con số này năm 2007 là trên 1.200 lao động, song chưa phải là nhiều.

Đáp ứng nhu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2010 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%, trong đó qua đào tạo nghề đạt trên 17%; đến 2015, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng chiếm 60%, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 20%, thương mại - dịch vụ chiếm 20%.

Mục tiêu này đòi hỏi các cấp các ngành phải chủ động xây dựng chiến lược đào tạo và sử dụng lao động cho hợp lý. Đây là cơ sở quan trọng để định hướng và xác định mục tiêu đào tạo nghề. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về vai trò và nhiệm vụ của đào tạo nghề trong giai đoạn hiện nay, tăng cường nguồn lực đào tạo nghề, điều chỉnh mức thu học phí ở trình độ trung cấp nghề cũng như kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho các đối tượng hàng năm để phù hợp với tình hình thực tế.

Sớm nâng cấp Trường trung cấp Nghề thành trường cao đẳng nghề và Trung tâm Dạy nghề Nghĩa Lộ thành trường trung cấp nghề.

Cần tập trung ưu tiên đào tạo một số nghề trọng điểm, nhất là những nghề có thế mạnh về nguồn nguyên liệu của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng, sản xuất điện, vật liệu xây dựng; các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu như sản xuất và chế biến chè, chế biến tinh bột, chế biến lâm sản, tinh dầu quế, quan tâm đầu tư các nghề trồng trọt và chế biến cây lương thực, chè, quế, cây ăn quả.

Tỉnh cũng cần tích cực đào tạo nghề trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản và các ngành nghề hướng dẫn du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... trong lĩnh vực dịch vụ. Việc đào tạo không chỉ đối với lực lượng lao động mới mà cả lực lượng lao động hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp chưa qua đào tạo, lực lượng lao động khu vực nông nghiệp nông thôn hiện còn đang chiếm tỷ lệ không nhỏ.

Thu Hạnh

Các tin khác

YBĐT - Trước những thiệt hại rất lớn về người, tài sản, giao thông, thủy lợi do cơn bão số 4 vừa qua gây ra, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã phát huy sức mạnh của nhân dân chủ động khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Đại diện một số tổ chức quốc tế và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã cùng thảo luận về thực trạng, xu hướng tội phạm buôn bán người, cũng như các biện pháp phòng chống, tại hội thảo về vấn đề này, tổ chức ngày 9/9 ở Hà Nội.

Sáng 8.9, trong cuộc họp tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ KHĐT sớm hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, biện pháp ưu đãi, khuyến khích các DN, thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho CN, NLĐ tại các KCN, KCX.

Cục Đường bộ Việt Nam đang tiến hành phát số điện thoại nóng của CSGT các địa phương để yêu cầu doanh nghiệp vận tải gắn trên thành xe khách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục