Đưa bác sĩ về xã ở Văn Yên: Cách giải hay cho bài toán khó
- Cập nhật: Thứ năm, 18/9/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhiều trạm chuẩn y tế quốc gia đã được xây dựng nhưng việc đưa bác sĩ về các trạm y tế tuyến xã phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang là bài toán khó. Huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có cách giải hay cho bài toán này.
Khám bệnh cho nhân dân tại Trạm Y tế xã Xuân Ái (Văn Yên).
(Ảnh: Hồng Duyên)
|
Hiện nay, Văn Yên có 27 trạm y tế xã, thị trấn, trong đó có Trạm Y tế Phong Dụ Hạ lồng ghép với Phòng khám Đa khoa khu vực. Toàn huyện có 149 y, bác sĩ công tác tại các trạm y tế, trong đó có 84 người công tác ở các xã vùng thấp, 65 người công tác ở các xã vùng cao. Trong khoảng ba năm trở lại đây, từ năm 2005 – 2007, được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở nên huyện đã có 15/27 trạm đạt chuẩn y tế quốc gia. Nhưng trong số này, chỉ 5 trạm có đủ 7 phòng chức năng, còn lại 10 trạm thì mỗi trạm chỉ có 6 phòng chức năng.
Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, trong cả nước, trước đây, không ít bác sĩ được điều động từ huyện về xã công tác, nhưng không bao lâu lại bằng mọi cách xin chuyển về huyện khác hoặc tỉnh khác. Bác sĩ không yên tâm công tác ở xã xuất phát từ nhiều lý do như: không phải người địa phương, xa gia đình; có một số nhận công tác tại địa phương vì đi học từ nguồn vùng cao; lương thấp, trước chỉ chấm công, chấm điểm; không có điều kiện phát huy nghề nghiệp.
Thực tế hiện nay, các trạm y tế tuyến xã chủ yếu chỉ khám lâm sàng, chẩn đoán, xử trí sơ cứu và xử trí các trường hợp nhẹ bằng các dụng cụ thông thường. Và còn có một nguyên nhân nữa về tâm lý, nếu không phải quê mình thì không bác sĩ nào muốn ở nông thôn mà đều mong được công tác tại thành phố, thị xã, thị trấn.
Năm 1987, Nhà nước đã có quyết định cho các y, bác sĩ ở các trạm y tế hưởng lương như y, bác sĩ tại các trung tâm y tế huyện. Song xem ra ưu đãi này vẫn không tạo được sức hút với họ, vì ở thành thị, bác sĩ có điều kiện phát huy nghề nghiệp, mở phòng khám tư, có thu nhập cao hơn. Chưa kể tới vẫn còn bất cập trong chính sách, chẳng hạn giáo viên vùng cao được ưu tiên hơn vùng thấp, trong khi đó thì cán bộ các trạm y tế vùng cao cũng chỉ hưởng lương như vùng thấp, chỉ khác là được hưởng theo khu vực. Từ những lý do này đã khiến các bác sĩ “chảy” về thành thị, không ai muốn ở xã. Từ thực tế đó nên ở Trạm Y tế xã Yên Hợp đã xảy ra trường hợp bác sĩ xin thôi việc và bỏ việc.
Để khắc phục khó khăn này, Phòng Y tế Văn Yên đã tham mưu cho huyện và ngành y tế tập trung đào tạo bác sĩ là người địa phương. Các trạm cử các y sĩ là người địa phương đi học chuyên tu để đào tạo bác sĩ rồi lại về công tác tại trạm. Các cán bộ trước khi được cử đi học đều có cam kết với UBND xã, huyện và Phòng Y tế sau khi ra trường sẽ trở về công tác tại địa phương, nếu vi phạm cam kết phải đền bù toàn bộ chi phí đào tạo. Giải pháp ấy bước đầu đã đem lại hiệu quả, huyện đã có 8/27 trạm y tế gồm: Châu Quế Hạ, Mậu Đông, Tân Hợp, Viễn Sơn, Yên Hưng… có bác sĩ.
Nói về hiệu quả của việc đào tạo bác sĩ là người địa phương, chị Lê Thị Kim Dung – Phó trưởng Phòng Y tế huyện Văn Yên cho biết: “Hiện trong tổng số 8 bác sĩ công tác ở các trạm y tế xã thì có 6 người địa phương. Qua theo dõi về tư tưởng cho thấy họ tuyệt đối yên tâm công tác, còn 2 bác sĩ nơi khác được phân công nhận công tác tại trạm và cử đi học theo nguồn vùng cao luôn có tư tưởng muốn chuyển công tác. Theo tôi, giải pháp đào tạo bác sĩ người địa phương là thực sự hiệu quả. Hiện Văn Yên đang đào tạo 22 cán bộ của các trạm y tế, chủ yếu là người địa phương để tạo nguồn bổ sung bác sĩ cho tuyến xã. Mục tiêu đến năm 2012, tất cả các trạm y tế ở Văn Yên có bác sĩ chắc chắn sẽ đạt được”.
Thực tế cho thấy, ở Văn Yên, các trạm y tế xã có bác sĩ luôn thu hút lượng bệnh nhân tới khám và điều trị nội trú nhiều hơn. Mặc dù hiện nay, các trạm chuẩn quốc gia về y tế thì trang thiết bị cũng chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của các bác sĩ ở tuyến xã, nhưng về lâu dài sẽ được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Vì vậy, việc lựa chọn cán bộ y tế người địa phương cử đi đào tạo rồi trở về phục vụ như ở Văn Yên đang là giải pháp tối ưu để có bác sĩ công tác tại các trạm y tế xã.
Minh Đức
Các tin khác
YBĐT - Vấn đề xâm hại tình dục trẻ em không phải đến bây giờ các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể mới vào cuộc và lên tiếng cảnh báo. Bên cạnh những bản án nghiêm khắc mà pháp luật đã giành cho những con "yêu râu xanh" thì vẫn cần nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa.
YBĐT - Qua 8 tháng đầu năm 2008, công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh đã thu được những kết quả trên tất cả các lĩnh vực như: tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng; tổ chức giao khoán rừng và đất rừng cho dân cũng như đấu tranh, ngăn chặn với tình trạng khai thác, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái phép.
YBĐT - Nhiệm kỳ 2004 – 2009, Hội đồng nhân dân khoá XI thị trấn Liên Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 24 đại biểu. Nhìn chung hoạt động của các đại biểu ổn định, đúng quy chế, thể hiện được vai trò trách nhiệm trước cử tri.
Người dân miền Bắc đang được hưởng tiết trời thu dịu mát với nắng hanh vàng trải rộng, trong khi miền Trung lại ở giữa mùa mưa. Đây cũng chính là lý do khiến khoảng 5-6 cơn bão cuối mùa có khả năng đổ bộ vào miền Trung nhiều hơn.