Bão số 10 sẽ càn quét hầu hết các tỉnh Nam Bộ

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/11/2008 | 12:00:00 AM

Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo PCLB TƯ chiều tối 16/11, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, bão số 10 tuy không phải là lớn song do Nam Bộ còn thiếu kinh nghiệm, tàu thuyền nhiều, nhà cửa lại yếu, địa thế bằng phẳng, trống trải nên các địa phương phải xác định đây là một cơn bão lớn, rất nguy hiểm.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV TƯ đánh giá, bão số 10 có nhiều khả năng sẽ càn quét qua hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Nó sẽ di chuyển từ biển phía Đông sang phía Tây vùng Kiên Giang. Song, một phương án khác cũng có thể xảy ra nhưng ít hơn: bão sẽ ngoặt về phía Nam, không xuyên qua các tỉnh Nam Bộ mà sạt qua bán đảo Cà Mau.

 
Người dân ven biển phía Nam chuẩn bị đối phó với bão số 7 năm 2007.
Ảnh minh họa: Phan Công
Ông Tăng cho rằng, với tốc độ di chuyển khá nhanh của bão số 10, trưa và chiều 17/11, gió sẽ mạnh lên ở các tỉnh ven biển từ Ninh Thuận - Cà Mau.

Người dân sẽ phải đối mặt với ngập lụt do bão kết hợp với thủy triều, rất nguy hiểm. Mưa vừa và mưa to xảy ra từ đêm 17/11 tại các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Tâm bão sẽ đi dọc bờ từ ngày 18/11. Ban Chỉ đạo PCLB TƯ nhận xét, vùng ảnh hưởng của bão rất lớn, bán kính khoảng 200km. 

Hoàn tất kế hoạch phòng chống bão trước 18h ngày 17/11

Trước sự nguy hiểm cơn bão số 10, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được coi thường mà phải triển khai các phương án phòng chống tích cực nhất, kể cả tình huống dự kiến xấu, ngay từ đêm 16/11.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Bão số 10 tuy không phải là bão lớn, song với khả năng phòng tránh bão lụt của nước ta, nhất là khu vực Đồng bằng Nam Bộ thiếu kinh nghiệm. Hơn nữa, khu vực này tàu thuyền nhiều, nhà cửa lại yếu, địa thế bằng phẳng, trống trải. Chưa kể cộng với mưa và lụt, do vậy, các địa phương phải xác định đây là một cơn bão lớn, rất nguy hiểm".

Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, ban ngành phải huy động tổng lực triển khai phòng chống bão, kiên quyết trên từng địa bàn. Theo ông, phương án xấu nhất cần được tính đến, tránh tối đa thiệt hại về người, tài sản của nhân dân. Cơn bão số 9 năm 2006 đã khiến cho khu vực này bị thiệt hại nặng nề, vì thế, nếu không có phương án phòng chống sớm và tốt thì khả năng chết người và thiệt hại về tài sản, hoa màu... rất lớn.

Ngoài việc kêu gọi tàu thuyền trên biển vào nơi trú ẩn an toàn, kiểm soát việc neo đậu, kiểm soát các vùng cửa sông, kênh rạch lớn, yêu cầu ngừng hoạt động đi lại trước và trong khi bão vào, các địa phương cũng phải đặc biệt lưu ý đến người dân làm nghề đóng đáy, nuôi trồng thuỷ sản ven biển và sinh sống ở cửa sông, phải kiên quyết đưa vào bờ. Nhà cửa cần phải chằng chống chặt chẽ, thông báo cho người dân hạn chế đi lại. Đồng thời, sơ tán dân vùng cửa sông, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt.

Sau khi đi vào khu vực biển Đông ngày 16/11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão và di chuyển rất nhanh, khoảng 20-25 km/h. Đây là cơn bão số 10 trong năm nay, có tên quốc tế là Noul.

Trung tâm dự báo KTTV cho biết, trong 24 giờ tới bão vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Nam Trung Bộ, nam Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ.

Tính từ tâm bão, bán kính gió mạnh cấp 6 trở lên là 200km nên từ trưa, chiều 17/11, các tỉnh ven biển từ Bình Thuận trở xuống đã bị ảnh hưởng của bão. Và bão sẽ đổ bộ vào đất liền từ chiều tối 17/11.

Do ảnh hưởng của bão nên các tỉnh Trung Trung Bộ sẽ có mưa từ đêm 16/11, các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ sẽ mưa từ ngày 17/11. Lượng mưa vừa, mưa to phổ biến 100-200 mm, trong đó có những điểm sẽ có mưa rất lớn.

"Chúng ta chỉ còn tối đa một ngày nữa để phòng bão, sau đó là chống và khắc phục hậu quả", Phó Thủ tướng ra lệnh.

Các tỉnh ven biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Kiên Giang phải phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo việc phòng chống tại từng địa bàn. Trước 18h tối 17/11 phải triển khai xong công tác phòng chống, sơ tán dân.

Lập gấp 4 đoàn công tác chỉ đạo chống bão

Trước diễn biến nhanh và bất ngờ của bão số 10, ngoài sự uy hiếp của bão đối với nhà cửa không kiên cố trong khu vực Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát bày tỏ sự lo lắng đối với các phương tiện tàu thuyền nhỏ hoạt động ven bờ, không có phương tiện liên lạc. Trên đất liền thì nhà cửa lại yếu, nơi sơ tán, di dân cũng không đơn giản.

Hơn nữa, từ TP.HCM vào đến Cà Mau có khoảng 15 cửa sông lớn, dân cư lại sống tập trung chủ yếu hai bên kênh, rạch. 

Đặc biệt, đê biển Gò Công (Tiền Giang) sẽ bị uy hiếp lúc bão vào kết hợp với triều cường. Ông Phát nhắc nhở lãnh đạo tỉnh này phải bố trí lực lượng hộ đê trước khi bão đổ bộ.

Ngoài ra, từ 17/11, hồ Dầu Tiếng phải xả nước để chống nguy cơ vỡ. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, mấy ngày nay hồ Dầu Tiếng đã đầy nước nhưng không được xả để giảm ngập cho TP.HCM đang có triều cường. Vì vậy, khi xả hồ Dầu Tiếng thì TP.HCM phải có phương án đề phòng ngập trở lại.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng yêu cầu các địa phương dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để chuẩn bị công tác phòng chống bão do thời gian không còn nhiều. Riêng học sinh các tỉnh vùng bị ảnh hưởng bão phải cho nghỉ học trong ngày 18/11, tùy diễn biến của thời tiết mà có thể nghỉ lâu hơn. Các bộ, ngành phải chuẩn bị sẵn lương thực, thuốc men, nước uống, phương tiện để khắc phục hậu quả khi bão xảy ra.

“Chúng ta phải phòng dù hậu quả xảy ra nhỏ còn hơn để xảy ra mà không kịp đối phó” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng được cụ thể hoá bằng công điện của Chính phủ, phát đi trong đêm 16/11.

Ngay sau cuộc họp, 4 đoàn công tác đã được thành lập đi kiểm tra và triển khai phương án phòng chống bão. Phó Thủ tướng yêu cầu 4 đoàn công tác đi ngay trong đêm 16 để sáng 17/11 phải vào các tỉnh Nam Bộ, trực tiếp chỉ đạo địa phương phòng chống bão số 10.

Ngày 17/11, các tỉnh cũng phải ra lệnh cấm ra khơi với tàu đánh bắt cá; ngày 18/11 hạn chế việc đi lại bằng tàu thuyền trên các sông, rạch.

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 15h chiều 16/11, các tỉnh ven biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau đã thông báo, kêu gọi được 2.361 tàu thuyền/ 17.467 lao động đang hoạt động trong khu vực từ quần đảo Trường Sa xuống phía Nam biết thông tin và di chuyển tránh bão. Đêm 16/11, Bộ đội Biên phòng sẽ bắn pháo hiệu cảnh báo bão cho tàu thuyền trên biển.

(Theo VietNamNet)

Các tin khác
Những hộ gia đình nghèo như thế này ở xã Cát Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) vẫn còn nhiều do ảnh hưởng của trận lũ kinh hoàng tháng 9/2005.

Bộ LĐTB-XH cho biết, việc hướng dẫn quy trình xác định hộ gia đình cận nghèo vừa được bộ này đưa ra để bảo đảm việc thực thi của các chính sách an sinh xã hội.

Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Yên Bái) trong ngày khai trường.

YBĐT - Đã lâu không gặp chị Liên, một người bạn đồng hương mà tôi hằng quý mến. Một buổi rảnh rỗi, tôi tới thăm chị. Nhà chị Liên ở Km 9, thị trấn Yên Bình huyện Yên Bình. Gặp nhau vui khôn xiết, chị em tâm sự với nhau bao nhiêu là chuyện: nào quê hương, nào gia đình, nào con cái, nào bạn bè, nào công việc... Chị Liên bảo với tôi rằng: “Em là người hạnh phúc!”. Tôi hỏi vì sao, chị trả lời: “Bởi em là một cô giáo”.

Chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, ngọn lửa đã thiêu rụi khoảng 50 xe máy tay ga đắt tiền đang để trong kho của chợ xe máy Dịch Vọng và khiến hàng chục nhà dân xung quanh hoảng loạn, phải sơ tán…

YBĐT - Từ trung tâm huyện lỵ Trạm Tấu (Yên Bái), mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đến được Trạm Y tế xã Bản Mù, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Trụ sở Trạm nằm cheo leo trên đỉnh dốc, thiếu thốn đủ thứ và hầu hết cán bộ y tế ở đây đều là người vùng thấp tình nguyện lên cắm bản. Song, bằng tinh thần trách nhiệm với công việc, những chiến sỹ áo trắng của Bản Mù vẫn cần mẫn với việc chữa bệnh cứu người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục