Vai trò vị thế của mặt trận tổ quốc tỉnh Yên Bái được khẳng định bằng chính hoạt động của mình
- Cập nhật: Thứ hai, 17/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp đã và đang diễn ra vào thời điểm quan trọng của đất nước, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều diễn biến phức tạp, thuận lợi to lớn nhưng khó khăn thách thức cũng không kém phần gay gắt.
Đến nay MTTQ các cấp trong tỉnh Yên Bái đã làm mới và sửa chữa được 3.805 ngôi nhà dột nát cho hộ nghèo.
|
Song trong bất cứ hoàn cảnh nào thì động lực để đưa dân tộc ta tiến lên con đường phát triển vẫn là đại đoàn kết dân tộc và phát huy nội lực. Đây là chân lý và cũng là tài sản vô giá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dầy công vun đắp và đây cũng là hành trang để dân tộc ta bình tĩnh, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập xây dựng Tổ quốc.
Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, dân chủ, kỷ cương và trí tuệ, chúng ta quyết biến những nội dung, nhiệm vụ đề ra thành hiện thực trong cuộc sống. Lịch sử đã ghi nhận những đóng góp to lớn của Mặt trận Tổ quốc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đã có lúc khi bộ máy Nhà nước chưa chính thức ra đời, Mặt trận Tổ quốc đã làm nhiệm vụ của chính quyền ở những vùng giải phóng như Mặt trận Việt Minh và Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam.
Trong giai đoạn cách mạng hiện nay nhất là trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước thì vai trò vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng quan trọng, được mở rộng và phát triển, với nền kinh tế nhiều thành phần, nền văn hoá phát huy những giá trị nhân văn cao quý của dân tộc và của nhân loại, Nhà nước đã dựa vào Mặt trận và các đoàn thể tôn trọng lẫn nhau, tạo điều kiện để nhân dân được trực tiếp tham gia quản lý xã hội và bảo vệ đất nước. Điều này được xác định rõ từ Hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương khoá VII và trong Hiến pháp 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để khẳng định vị trí vai trò của mình, Mặt trận Tổ quốc tỉnh yên Bái tự khẳng định bằng chính những việc làm của mình, đó là : Mặt trận đoàn kết toàn dân bằng các phong trào thi đua yêu nước của toàn dân, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các phong trào, hoạt động khác.
Có thể nói cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” là cuộc vận động cách mạng trong thời kỳ đổi mới của đất nước, đổi mới công tác Mặt trận trên cơ sở kế thừa và phát huy những kinh nghiệm và kết quả cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân. Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã họp bàn và đi đến thống nhất; muốn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân phải tự khắc phục khó khăn vươn lên, trong đó xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư là một yếu tố cực kỳ quan trọng.
Với 6 nội dung cuộc vận động đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới về phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Khi cuộc vận động mới được phát động đã được nhân dân ủng hộ và tham gia thực hiện, lúc đó trong tỉnh mới chỉ có 35-40% số khu dân cư triển khai cuộc vận động, một số nơi triển khai còn sơ sài, chỉ đọc cho dân nghe, chưa được bàn bạc góp ý xây dựng và thực hiện, chỉ tiêu cuộc vận động còn chung chung . Trước thực trạng đó Mặt trận Tổ quốc đã báo cáo cấp ủy cho chủ trương tiếp tục thực hiện với phương châm: Đảng lãnh đạo, chính quyền vào cuộc, các ngành, các đoàn thể, các cấp cùng phối hợp thực hiện.
Với phương châm đó, Tỉnh ủy đã có chỉ thị lãnh đạo thực hiện, Uỷ ban nhân tỉnh có kế hoạch cụ thể, Hội đồng nhân dân có Nghị quyết về xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh, các tổ chức thành viên đã cùng Mặt trận ký kết liên tịch để thực hiện theo từng nội dung, nhiệm vụ của ngành được đảm nhiệm. Sau một năm triển khai tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Sáu nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”đã được in thành tờ giấy rôki khổ to gửi đến 2338 khu dân cư, thôn, bản, tổ nhân dân với nội dung phong phú gần gũi và cụ thể với đời sống hàng ngày của nhân dân.
Kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết, những năm qua MTTQ các cấp đã có những bước chuyển biến quan trọng so với những năm trước. Hoạt động của Mặt trận đã góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định tình hình chính trị ở địa phương, các phong trào mang tính toàn dân do Mặt trận chủ trì phát động và tổ chức thực hiện đã có ảnh hưởng sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó có thể khẳng định rằng: cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong tình hình mới, kết quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã làm chuyển biến một bước nhận thức nâng cao vị thế, vai trò, tác dụng của MTTQ ở địa phương.
Trong quá trình triển khai chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã từng bước đổi mới phương thức hoạt động; củng cố tăng cường tổ chức bộ máy, nâng dần trình độ cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ chuyên trách, biết chủ động linh hoạt sáng tạo trong đổi mới nội dung, tính thiết thực của nội dung công tác hoạt động và các phong trào nhằm phát huy dân chủ, cải thiện dân sinh, phát triển dân trí, huy động nội lực để xây dựng cuộc sống cho dân; tạo sự đồng thuận xã hội trước hết ngay từ địa bàn dân cư, đã giúp cho Mặt trận phát huy vai trò của mình, đáp ứng được yêu cầu cách mạng trong tình hình mới. Chủ trương hướng công tác mặt trận về địa bàn dân cư thành nơi tổ chức tập hợp và phát huy nội lực của cá nhân, gia đình, cộng đồng. Chính nhờ việc tổ chức thực hiện tốt chủ trương này ở cơ sở đã tạo chuyển biến thực sự về chất lượng hoạt động của Mặt trận các cấp.
Tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao chất lượng hai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” kết hợp với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” “xã hội hoá” các công tác thuộc chính sách xã hội. Đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, khơi dậy nhiều nguồn lực trong nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội của các hội, đoàn thể thành viên MTTQ, các ngành liên quan chủ động, sáng tạo phối hợp tổ chức các phong trào sâu rộng như: giúp đỡ hội viên, đoàn viên phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp, giải quyết việc làm xoá đói giảm nghèo, huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo và các chính sách văn hoá xã hội khác.
MTTQ các cấp thường xuyên gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với các tiêu chí ở khu dân cư nhằm phát huy nội lực cộng đồng, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, đã đi vào cuộc sống. Đến nay đã có 1045 khu dân cư/1932 khu dân cư đạt khu dân cư tiên tiến đạt 54% số khu dân cư trong toàn tỉnh, hàng năm bình quân có 128.944/158.975 hộ gia đình văn hoá, chiếm 81%, tăng so với nhiệm kỳ trước 12%. Phong trào xây dựng nhà văn hoá khu dân cư ngày càng phát triển, toàn tỉnh đã có 912/1932 khu dân cư có nhà văn hoá.
Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo trong những năm qua đã huy động bằng tiền và hiện vật trị giá trên 28 tỷ đồng; nhân dân ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa 4.542 triệu đồng, ủng hộ 2.300 triệu đồng giúp đồng bào bị thiên tai bão lũ, đóng góp hàng vạn ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng làm đường giao thông nông thôn, sữa chữa trường lớp học, trạm y tế v.v...
Đặc biệt quỹ "Ngày vì người nghèo” do MTTQ các cấp phát động trong những năm qua đã huy động được 27.793 triệu đồng, trong đó tiền mặt 9.217 triệu đồng; năm 2008 quỹ đã huy động được trên 1 tỷ hai trăm triệu đồng tiền mặt. Với số tiền huy động được UBMTTQ - Ban vận động “Ngày vì người nghèo”các cấp đã tham mưu cho cấp uỷ phối hợp với chính quyền và các ngành thành viên phân bổ kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để làm nhà Đại đoàn kết, xoá nhà tạm. Đến nay đã làm mới và sửa chữa được 3.805 ngôi nhà dột nát cho hộ nghèo; hỗ trợ 4000 bò cái sinh sản cho 4000 hộ nghèo trị giá 600 triệu đồng; hỗ trợ mua chăn màn cho các cháu học sinh nghèo học bán trú, hỗ trợ mổ đục thuỷ tinh thể, hỗ trợ tặng quà cho học sinh nghèo nhân ngày lễ tết v.v...
Cùng với sự đóng góp của nhân dân, các tổ chức thành viên đã tổ chức chương trình dự án với nguồn vốn hàng chục tỷ đồng, tín chấp vay vốn ngân hàng trên 100 tỷ đồng cho bà con vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, MTTQ và các tổ chức thành viên tập trung tuyên truyền phổ biến và tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền bằng nhiều hình thức phong phú như tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo báo cáo Đại hội X của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đại hội Đảng bộ các cấp, tham gia ý kiến vào các dự thảo luật, góp ý kiến cho đảng viên ở khu dân cư tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến nhân dân trình các kỳ họp Hội đồng nhân tỉnh v.v...
Những hoạt động, việc làm thiết thực của MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền đã động viên, nâng cao trách nhiệm và quyền làm chủ của nhân dân, làm cho người dân tự giác thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, đổi mới, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền khắc phục tình trạng quan liêu cửa quyền của một số cán bộ đảng viên.
Đặc biệt thông qua các cuộc vận động, Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp đã thực sự quan tâm phối hợp chỉ đạo đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, khơi dậy truyền thống đoàn kết vốn có trong nhân dân, phát huy nội lực, lấy sức dân chăm lo cho dân; tình làng nghĩa xóm, tình dân với Đảng gắn bó, khắc phục được những vướng mắc trong nội bộ nhân dân.
Mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị với nhân dân gắn bó, nhân dân tự quản lấy địa bàn dân cư của mình, các tệ nạn xã hội giảm, mâu thuẫn xích mích trong gia đình dòng tộc và cộng đồng dân cư được hoà giải, kỷ cương phép nước, tình làng nghĩa xóm được nâng lên. Từ đó củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, khẳng định vai trò vị trí của tổ chức mình trong xã hội, củng cố được khối đại đoàn kết toàn dân.
Sùng A Vàng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, ngày 14/11/2008, UBND tỉnh tổ chức triển khai Chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh cần coi phòng chống HIV/AIDS là nhiệm vụ cấp bách lâu dài và phải lồng ghép nội dung phòng chống HIV/AIDS vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho các tổ chức và các nhân chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ chiều tối và đêm nay (17-11), Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rải rác. Các tỉnh miền bắc đêm và sáng trời rét.
Chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo PCLB TƯ chiều tối 16/11, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhận định, bão số 10 tuy không phải là lớn song do Nam Bộ còn thiếu kinh nghiệm, tàu thuyền nhiều, nhà cửa lại yếu, địa thế bằng phẳng, trống trải nên các địa phương phải xác định đây là một cơn bão lớn, rất nguy hiểm.