Yên Bái: Ba năm thực hiện chương trình 135 giai đoạn II
- Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Cho đến nay, tỉnh Yên Bái có 64 xã thuộc 7 huyện và 148 thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia Chương trình 135 giai đoạn II. Trong đó có 48.041 hộ với 254.247 khẩu tham gia và được hưởng lợi từ Chương trình.
Nhiều hộ gia đình nông dân ở xã Tân Đồng (Trấn Yên) đã mua máy xao chè phục vụ sản xuất.
|
Ở những vùng này, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 68,9%, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số tới 77,6%. Chương trình thực hiện giai đoạn II có nhiều nội dung thay đổi so với giai đoạn I, song các hợp phần đầu tư đã có tác dụng thiết thực đến hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như đời sống của người dân vùng cao.
Mặt khác, các hạng mục và công trình đầu tư đều thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương nên đã phát huy hiệu quả tích cực và được nhân dân tự nguyện tham gia xây dựng, giám sát công trình. Ban chỉ đạo của tỉnh thường xuyên tăng cường hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý nghiệp vụ, nắm thông tin tiến độ thực hiện và giải quyết kịp thời những tồn tại của cơ sở. Hiện nay đã tiến hành phân cấp cho 53 xã làm chủ đầu tư một số hạng mục công trình quy mô nhỏ, ít phức tạp để làm quen dần với cơ chế quản lý của Chương trình.
Các hạng mục chủ yếu là: lập quy hoạch tổng thể cơ sở hạ tầng giai đoạn 2006 – 2010, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và làm chủ đầu tư một số nội dung của dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất”. Nguồn vốn cũng được phân bổ tới các địa phương trên nguyên tắc căn cứ vào định mức đầu tư của các hợp phần thuộc Chương trình 135, tổng số xã của huyện. Việc triển khai bố trí kế hoạch đầu tư hằng năm không chia đều bình quân cho các xã mà căn cứ dự toán và yêu cầu đầu tư của các xã.
Qua 3 năm, tổng vốn đầu tư cho Chương trình là 210.194,9 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương là 209.954,9 triệu đồng còn 240 triệu đồng là ngân sách địa phương. Năm 2007- 2008, do các loại vật tư, vật liệu xây dựng thường xuyên thay đổi theo xu hướng tăng giá, các công trình phải bổ sung, phê duyệt lại nhiều lần làm chậm tiến độ thi công. Đồng thời, đối tượng đầu tư của dự án chủ yếu tập trung vào vùng khó khăn của tỉnh, cơ sở hạ tầng thấp kém, trình độ và năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở còn hạn chế đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy vậy, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong 2 năm 2006, 2007 đầu tư được 189 công trình, bao gồm: giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Năm 2008, kế hoạch giao đầu tư xây dựng 95 công trình, trong đó đầu tư mới 82 công trình. Đến nay có 13 công trình chuyển tiếp thi công đã hoàn thành, 45 công trình đầu tư mới đã khởi công và có 3 công trình hoàn thành. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất có gần 34.000 hộ hưởng lợi từ việc hỗ trợ máy móc, vật tư sản xuất và bồi dưỡng tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi.
Qua gần 3 năm đã hỗ trợ giống sản xuất 15ha chè và cây ăn quả; 70.000 giống cây lâm nghiệp và 18.691kg giống cây các loại; 277 con trâu, bò, lợn..; 360 tấn phân bón với gần 4.500 máy móc nông nghiệp các loại. Với việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II cũng đã có ngót 4.500 lượt người được bồi dưỡng năng lực quản lý thôn bản, cộng đồng; hàng chục ngàn học sinh con em hộ nghèo được hỗ trợ học tập.
Ngoài ra, tỉnh Yên Bái cũng tăng cường chỉ đạo lồng ghép các chương trình, dự án khác như: vốn xây dựng cơ bản tập trung, Dự án Giảm nghèo, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình xoá phòng học tạm..., tạo điều kiện tốt nhất để các xã đặc biệt khó khăn sớm đạt được các mục tiêu của Chương trình đề ra. Chính vì vậy, Chương trình 135 giai đoạn II thực hiện đã tạo được sự thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng cao.
Bước đầu cũng đã góp phần hình thành một số vùng sản xuất cây lương thực, chăn nuôi bán công nghiệp và các mô hình kinh tế nhỏ của các địa phương. Đa số các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu như: giao thông, thuỷ lợi, đường điện, trường học đều phát huy hiệu quả sử dụng. Đến nay, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã và trên 50% thôn bản có đường xe máy về thôn. Các công trình thuỷ lợi đảm bảo tưới nước ổn định cho 75% diện tích ruộng nước, diện tích khai hoang và gieo cấy hai vụ ngày càng mở rộng. Đã có trên 70% số dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Chương trình cũng góp phần làm giảm tỷ lệ đói nghèo toàn tỉnh hằng năm trên 3%. Kết thúc năm 2008, có 2 xã hoàn thành cơ bản mục tiêu của chương trình.
Thời gian từ nay đến năm 2010, cùng với đề nghị trung ương bố trí vốn cho 5 xã đã được Chính phủ quyết định bổ sung năm 2008 thì tỉnh cũng đề nghị sớm đưa xã Nghĩa Lợi của thị xã Nghĩa Lộ được bổ sung vào diện đầu tư của chương trình. Ban chỉ đạo tỉnh cũng tăng cường phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư và tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ mục đích của chương trình đầu tư là cho chính mình mà tích cực tham gia xây dựng, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Chúng tôi đến xã vùng cao Lâm Thượng (Lục Yên - Yên Bái) khi trận mưa lũ đêm 22 ngày 23/10 đã qua đi gần 20 ngày. Mặc dù hậu quả đã được Đảng bộ, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc trong xã khẩn trương khắc phục, nhưng những dấu tích của trận mưa lũ khủng khiếp vẫn còn hiển hiện.
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, vừa có thêm 25 kiểu mũ bảo hiểm (MBH) của 6 doanh nghiệp đã được công bố hợp chuẩn vào ngày 18/11.
YBĐT - Những năm qua công tác chữ thập đỏ được cấp ủy, chính quyền thành phố Yên Bái đặc biệt quan tâm chỉ đạo với những hoạt động tích cực, thiết thực và hiệu quả trong công tác cứu trợ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
YBĐT - Trường THCS Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một trong số ít trường tổ chức đại hội phụ huynh học sinh vào đầu năm học mới. Đó cũng chính là một nét riêng và làm nên chất lượng phong trào thi đua “Hai tốt” của ngôi trường này.