Yên Bái: Hiệu quả bước đầu ứng dụng thông tin trong trường học

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT – Với trường PTTH chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Yên Bái việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào trong công tác giảng dạy đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Ngoài việc giảng dạy bộ môn tin học, trường còn ứng dụng CNTT trong việc quản lý giáo viên, học sinh, trong soạn thời khóa biểu, soạn đề trắc nghiệm, sổ điểm điện tử, quản lý thư viện…

Bên cạnh đó việc đưa vào hoạt động website chính thức của nhà trường tại địa chỉ http://www.chuyenyenbai.org từ tháng 10/2006 cho thấy sự chú trọng của nhà trường đối với việc ứng dụng CNTT. Website trở thành diễn đàn để các em học sinh chia sẻ kinh nghiệm trong học tập và những vui buồn trong cuộc sống.

Bộ GD-ĐT xác định năm học này là năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, do đó ngay từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT trong nhà trường nhằm triển khai một cách đồng bộ. Theo đó, nhà trường tiếp tục thực hiện tin học hóa trong công tác quản lý bằng các phần mềm trước đó như phần mềm PMIS, hệ thống quản lý giáo dục EMIS,  phần mềm sắp xếp thời khóa biểu, sổ điểm, phần mềm quản lý thư viện… Bên cạnh đó, nhà trường đưa vào thí điểm phần mềm quản lý trường phổ thông của Cục công nghệ thông tin và tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu trên website thành kho tài nguyên theo bộ môn gồm: tài liệu tham khảo, sách điện tử đề thi, đề kiểm tra, giáo án điện tử, phần mềm tiện ích miễn phí… hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh.

 

Năm 2008, Sở GD-ĐT đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng tin học cho giáo viên của các trường THPT và TTGDTX - HNDN, tập huấn cho giáo viên Tin học của các trường THCS của 9 huyện, thị, thành phố.

Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất, trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực. 100% cán bộ giáo viên của trường được bồi dưỡng kiến thức về CNTT thông qua các hình thức như tham gia tập huấn do Sở Giáo dục tổ chức, tự học tập nghiên cứu trong nhà trường… Từ đầu năm học trường đã cử 2 giáo viên tham gia lớp tập huấn do Đại học FPT, Đại học Khoa học tự nhiên tổ chức, 2 giáo viên tham gia lớp tập huấn do Sở Giáo dục tổ chức, sau đó, sẽ truyền đạt lại cho cán bộ, giáo viên trong toàn trường.

Đến nay, mỗi cán bộ giáo viên trong trường đều sử dụng hộp thư điện tử để gửi và nhận thông tin chuyên môn. 100% giáo viên sử dụng được máy tính để soạn thảo văn bản, đề thi, đề kiểm tra. Và một yêu cầu bắt buộc đối với giáo viên của trường là phải thực hiện 10% số giờ giảng có ứng dụng CNTT, hỗ trợ máy chiếu.

Trường cao đẳng sư phạm Yên Bái là nơi đào tạo đội ngũ giáo viên cho tỉnh. Trong năm học này, ngoài việc tin học hóa giáo dục, trường còn đảm nhận nhiệm vụ tổ chức các lớp tập huấn tin học cho giáo viên các trường trên địa bàn tỉnh. Theo sự chỉ đạo của Sở giáo dục, từ đầu năm, trường đã tổ chức được 1 lớp tập huấn tin học 12 buổi cho hơn 70 giáo viên của các trường PTTH, PTCS. Tại các lớp tập huấn này, các thầy cô giáo được làm quen, và sử dụng giáo án điện tử, cách xây dựng giáo án điện tử trên từng môn học.

Hiện nay, nhà trường có hơn 200 máy tính và 4 máy chiếu phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Trường cũng đã xây dựng 2 phòng học chức năng với hệ thống máy tính, máy chiếu, bảng điện tử thông minh. Sinh viên được tiếp cận công nghệ thông tin ngay từ những bài giảng của giáo viên. Từ đó hình thành thói quen, suy nghĩ mới cho lớp giáo viên tương lai của tỉnh.

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc ứng dụng những thành tựu  công nghệ vào công tác giảng dạy và công tác quản lý giáo dục, đến nay, ngành GD-ĐT Yên Bái đã đầu tư 42 phòng máy cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh; đã có 25% trường mầm non, 65% trường tiểu học, 70% trường THCS, 100% trường THPT và 100% TTGDTX – HNDN có máy tính phục vụ công tác quản lý giáo dục.

Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng ứng dụng CNTT ở các đơn vị, nhà trường, năm 2008, Sở GD-ĐT đã tổ chức 2 lớp bồi dưỡng tin học cho giáo viên Toán, Vật lý của các trường THPT và TTGDTX - HNDN, tập huấn cho giáo viên Tin học của các trường THCS của 9 huyện, thị, thành phố.

Theo ký kết giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) dự án kết nối mạng giáo dục sẽ được triển khai trong toàn bộ các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tham gia dự án này, Yên Bái sẽ có 601 đơn vị,  trường học được kết nối Internet miễn phí.

Chương trình kết nối mạng giáo dục tới tất cả các trường học tại tỉnh Yên Bái do Tổng công ty Viễn thông Quân đội đảm nhiệm đã tạo ra bước chuyển lớn trong nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong ngành giáo dục. Đó cũng chính là điều kiện thuận lợi để ngành GD-ĐT Yên Bái đẩy nhanh quá trình ứng dụng CNTT trong các cơ sở giáo dục và vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học với chủ đề: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.

Hiếu Trang

Các tin khác
Trường THCS Tân Phượng (Lục Yên) được đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập cũng như phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo ở vùng cao.

YBĐT - Huyện Lục Yên xác định, việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” trong trường học; các xã, thị trấn tích cực phối hợp vận động học sinh tới lớp, giảm tối đa tỷ lệ học sinh bỏ học là giải pháp quan trọng để duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục.

YBĐT - Với 5 cán bộ y tế tại Trạm và 9 nhân viên y tế tại 9 thôn bản, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng nhiều năm trở lại đây, Trạm Y tế xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã vượt lên khó khăn, bảo đảm việc trực khám chữa bệnh cũng như trực cấp cứu 24/24 giờ.

YBĐT - Thông qua chương trình kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn I và các chương trình mục tiêu khác, cơ sở vật chất trường, lớp học của huyện Lục Yên đã được cải thiện đáng kể, nếu như vào những năm 2000 – 2001, tỷ lệ phòng học xây của huyện mới chỉ đạt gần 40% thì nay tỷ lệ này đã đạt trên 80%.

YBĐT - Với những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi, những năm qua tình hình phụ nữ và công tác phụ nữ của Yên Bái còn nhiều hạn chế, nguyên nhân chính được xác định là trình độ văn hoá, chuyên môn của phụ nữ nhìn chung còn thấp, tỷ lệ phụ nữ mù chữ còn cao, ở khu vực nông thôn, phụ nữ chưa được quan tâm đào tạo nghề, thiếu đất canh tác, thậm chí bị phân biệt đối xử, tình trạng bạo lực trong gia đình, các tai tệ nạn vẫn còn nảy sinh...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục