Trường Tiểu học Trần Phú: Chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật đạt hiệu quả
- Cập nhật: Thứ tư, 26/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) là một trong những trường được chọn làm điểm triển khai Dự án Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật của Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái năm học 2007 - 2008.
|
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tìm hiểu học sinh khuyết tật có khả năng đi học để động viên gia đình và trẻ ra lớp. Trường đã đón nhận 13 học sinh khuyết tật các dạng: ngôn ngữ, vận động, khiếm thính, khiếm thị, trí tuệ vào giáo dục hòa nhập.
Xác định giáo dục hòa nhập dành cho người tàn tật, khuyết tật là việc làm có ý nghĩa nhân văn cao cả, là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó trách nhiệm của nhà trường và người giáo viên là cốt lõi nên ngay sau khi tiếp nhận, các em được biên chế vào 13 lớp để hòa nhập.
Trường chủ động phân công giáo viên có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, có phẩm chất đạo đức tốt làm chủ nhiệm lớp có trẻ hòa nhập. Các em được giáo viên chủ nhiệm phân công chỗ ngồi hợp lý, tham gia mọi hoạt động với sự giúp đỡ của cô giáo và các bạn. Các thầy cô đi sâu tìm hiểu đặc điểm, những khó khăn và khả năng của trẻ để xây dựng kế hoạch cá nhân làm căn cứ xây dựng bài học phù hợp với học sinh; việc đánh giá chất lượng căn cứ vào sự tiến bộ của trẻ.
Với sự nỗ lực của thầy, trò và sự quan tâm của cha mẹ học sinh nên chất lượng học tập của trẻ khuyết tật đạt cao. Sự hỗ trợ của dự án cả về vật chất, tinh thần, phương pháp soạn giảng, đánh giá xếp loại học sinh góp phần làm tốt công tác số lượng, tỷ lệ chuyên cần và chất lượng hai mặt giáo dục của trẻ khuyết tật đạt hiệu quả. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Ban Giám hiệu phụ trách chuyên môn cùng các tổ và giáo viên trực tiếp giảng dạy tập huấn về công tác điều tra học sinh khuyết tật, lập kế hoạch cá nhân, tập huấn soạn giảng.
Căn cứ vào chương trình tập huấn và đặc điểm của trẻ khuyết tật ở từng lớp, nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên kiểm tra kế hoạch cá nhân của trẻ; dự giờ, rút kinh nghiệm cho mỗi giáo viên trực tiếp giảng dạy về phương pháp, kế hoạch bài học để hoàn thiện phương pháp giảng dạy. Trường tổ chức hội thảo chuyên môn, giao lưu học hỏi giáo dục hòa nhập giữa hai trường trong thị trấn về kinh nghiệm công tác chủ nhiệm, phương pháp giảng dạy do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức.
Giáo viên đặc biệt quan tâm đến giảng dạy trên lớp; căn cứ vào khả năng của trẻ đưa ra lượng kiến thức cũng như câu hỏi gợi mở phù hợp, giúp các em tiếp thu bài dễ dàng. Các em còn được tham gia vào các hoạt động chung của trường, lớp. Thầy cô động viên, khuyến khích việc tốt các em làm được và cho các em chứng kiến các bạn cùng lớp thực hiện. Công tác giám sát hoạt động giáo dục được nhà trường thực hiện theo từng tháng, từng kỳ để nắm chất lượng và sự tiến bộ của học sinh.
Hàng tháng, Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn dự giờ thanh tra chất lượng học sinh nói chung và học sinh khuyết tật nói riêng. Giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên kiểm tra dựa trên nội dung đã điều chỉnh, theo dõi kết quả thực hiện kế hoạch cá nhân, đặc biệt chú trọng sự tiến bộ của học sinh trong rèn luyện kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, khả năng hòa nhập của từng em. Cuối mỗi tháng, giáo viên ra đề kiểm tra môn Toán, Tiếng Việt và lưu giữ bài kiểm tra; đồng thời thành lập bảng theo dõi chất lượng của học sinh khuyết tật để thấy các em tiến bộ hay còn những tồn tại ở mức độ nào.
Căn cứ vào kết quả học tập qua các kỳ cho thấy, chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật của nhà trường có sự tiến bộ rõ rệt. Cuối năm học, 100% trẻ khuyết tật đủ điều kiện lên lớp, hầu hết xếp loại trung bình, riêng em Hoàng Thị Hồng Nhung - học sinh khiếm thính lớp 3C xếp loại khá. So với năm học trước, các em có sự tiến bộ hơn về mọi mặt do giáo viên được tập huấn về phương pháp dạy học trẻ hòa nhập và kinh nghiệm chủ nhiệm. Các học sinh dạng trí tuệ về nhận thức gặp nhiều khó khăn, kết quả học tập tiến bộ hơn ở môn đọc, viết, còn môn Toán chủ yếu chỉ biết làm phép tính cộng, trừ đơn giản.
Trong quá trình thực hiện dự án, chính quyền thị trấn Yên Thế đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Ban Y tế, Ban Dân số - Gia đình cùng nhà trường chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện giúp các em tự tin, phấn đấu vươn lên trong rèn luyện khắc phục tật nguyền, học tập tiến bộ. Dù chưa nhiều, Hội Khuyến học tỉnh hỗ trợ nhà trường 1 bình lọc nước, 1 tủ thuốc, 6 tủ hồ sơ và hỗ trợ học sinh 13 cặp sách, 13 áo rét, 6 xe đạp nhưng đó cũng là nguồn động viên lớn lao với trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Có thể nói, dự án này giúp trẻ khuyết tật được hòa nhập, được đối xử bình đẳng và được hỗ trợ một phần kinh tế để các em đến trường giao lưu, hòa đồng với bạn bè, bớt mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, dự án đã giúp cho chất lượng giáo dục trẻ khuyết tật trong nhà trường thêm hiệu quả.
Những năm tới, Trường Tiểu học Trần Phú tiếp tục làm tốt công tác điều tra học sinh khuyết tật đúng độ tuổi và phối hợp với địa phương, gia đình động viên các em tới lớp. Trường cũng sẽ có kế hoạch tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật; vận động hội phụ huynh và Hội Khuyến học hỗ trợ những vật dụng cần thiết cho trẻ. Và trường sẽ thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh, các ban, ngành liên quan để giúp đỡ, động viên, thương yêu, kiên trì động viên trẻ khuyết tật tự tin hòa nhập, vươn lên học tốt.
Mạnh Hưng
Các tin khác
YBĐT - Theo điều tra sơ bộ, trẻ khuyết tật trong độ tuổi giáo dục tiểu học ở tỉnh Yên Bái có 3.256 trẻ, chiếm 4,9% tổng số trẻ độ tuổi giáo dục tiểu học.
Theo Bộ Y tế, trong vòng một tháng qua, số người mắc viêm não virus tiếp tục được ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố là 31 người, nâng tổng số người mắc trong cả nước từ đầu năm tới nay lên 1.115 trường hợp, với 14 ca tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số người mắc đã tăng 18,7%
YBĐT - Với 68 hộ, gần 300 nhân khẩu (chủ yếu là người dân tộc Tày), thôn Khe Ca, xã Tân Hợp (huyện Văn Yên - Yên Bái) vốn có truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.
YBĐT - “Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã cố gắng học thật tốt, tiếp thu thật nhiều những kiến thức của thầy cô để mai sau trở thành một cô giáo, cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục” - đó là lời tâm sự rất chân thành của cô giáo Hoàng Thị Dung ở Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên.