Yên Bái: Công đoàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển chậm, nhiều khó khăn

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/12/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đến tháng 11 năm 2008, tỉnh Yên Bái có 73 công đoàn cơ sở thuộc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh với 7.289 đoàn viên, tăng 213 người so với năm 2007. Không thể phủ nhận là có những tổ chức công đoàn hoạt động tốt nhưng cũng có nơi chỉ mang tính hình thức, hoạt động không hiệu quả.

Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.
Công nhân Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn luôn được bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Cũng như một số tổ chức đoàn thể khác, tổ chức công đoàn thuộc khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước gặp không ít khó khăn. Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 700 doanh nghiệp ngoài Nhà nước nhưng hiện tại chỉ mới 73 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, nghĩa là chỉ chiếm chưa đến 11%.

 Theo ông Hoàng Đức Quế - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Yên Bái, nguyên nhân của tình trạng này không phải do chủ sử dụng lao động không nhận thức được lợi ích của việc thành lập tổ chức công đoàn, cũng không phải người lao động trong doanh nghiệp không muốn có tổ chức công đoàn. Nguyên nhân chính do chủ sử dụng lao động không hề muốn doanh nghiệp có tổ chức công đoàn vì họ không muốn thành lập một tổ chức mà tổ chức này lại đứng ra đấu tranh cho quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động. Một số các chủ sử dụng lao đong còn lo ngại về khoản kinh phí để duy trì hoạt động tổ chức công đoàn, hơn nữa khi đoàn viên công đoàn sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến năng suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một nguyên nhân khác khiến số lượng công đoàn cơ sở trong khu vực này phát triển không như mong muốn đó là có rất nhiều công ty được thành lập theo quy mô gia đình, vợ, chồng, con đều là thành viên trong ban giám đốc nên họ cũng không cần có tổ chức công đoàn và thậm chí nhiều doanh nghiệp không hề có công nhân, chỉ sử dụng lao động theo mùa vụ, thuê và trả lương theo ngày công... Và cũng phải nói rằng, khi cố tình không muốn thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp thì còn rất nhiều lý do khác được các chủ sử dụng lao động đưa ra. Một số chủ sử dụng lao động thường né tránh khi công đoàn cấp trên đến vận động, tuyên truyền với lý do bận sản xuất, kinh doanh.

Vấn đề thành lập mới là vậy, còn việc duy trì hoạt động hiệu quả của tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có không ít khó khăn. Không phủ nhận nhiều công đoàn cơ sở doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn hoạt động đúng điều le, đúng chức năng theo quy định của pháp luật; nội dung và hình thức hoạt động của công đoàn đã có sự đổi mới, phù hợp với đặc thù sản xuất, tình hình công tác của từng đơn vị. Về cơ bản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã được bảo vệ; vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn được khẳng định, được cấp ủy tôn trọng và được người lao động tin tưởng. Song bên cạnh đó, không ít công đoàn cơ sở còn yếu kém: kỷ luật tổ chức lỏng lẻo; công tác đoàn viên hạn chế; nhiều đoàn viên chưa được phát thẻ, chưa nắm được quyền và nghĩa vụ, ít được sinh hoạt, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, cứng nhắc, chưa kịp thời đề cập những bức xúc của người lao động.

Ông Hoàng Đức Quế giãi bày: “Có doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức công đoàn nhưng từ khi thành lập thì lại không hề có bất cứ hoạt động gì, Công đoàn cấp trên muốn xuống tìm hiểu, họ không tiếp. Có công đoàn cơ sở lâm thời song họ cũng không có chủ trương tổ chức đại hội. Dường như doanh nghiệp này thành lập tổ chức công đoàn chỉ vì muốn nhanh chóng có giấy phép kinh doanh. Do vậy, chúng tôi buộc phải tiến hành giải thể”.

Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là công tác chỉ đạo thiếu kiên quyết, thiếu sát sao; công tác kiểm tra chưa đi sâu vào nội dung xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Mặt khác, kỹ năng và nghiệp vụ của can bộ công đoàn hạn chế, nặng về lý thuyết, chưa đi sâu vào tác nghiệp để tổ chức thực hiện các nội dung theo yêu cầu cụ thể. Hơn nữa, đội ngũ cán bộ công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý cơ sở thì lực lượng mỏng, lai quản lý nhiều cơ sở nhỏ, phân tán trên địa bàn rộng nên ảnh hưởng đến công tác chuyên môn.

Trong thời gian tới, việc phát triển công đoàn doanh nghiệp ngoài quốc doanh cần được chỉ đạo một cách quyết liệt hơn nữa. Và trước tình trạng “lách luật” của các chủ sử dụng lao động ngày càng trở nên khó kiểm soát, công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã đến lúc phải đổi mới theo hướng độc lập về con người, về kinh phí hoạt động đe khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Khánh Linh

Các tin khác

YBĐT - Là đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Yên Bái, Bảo hiểm thị xã Nghĩa Lộ được giao nhiệm vụ chi trả cho đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trên địa bàn thị xã.

Nhiều hộ dân ở xã Mậu Đông (Văn Yên) đầu tư lò sấy sắn khô, tiêu thụ sắn củ tươi cho nhân dân các xã trong vùng. (Ảnh: Minh Hằng)

YBĐT - Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của huyện Văn Yên (Yên Bái), xã Yên Hưng là nơi chung sống của các dân tộc: Kinh, Dao, Tày, Hoa, Mường. Đây cũng là địa phương có đồng bào theo đạo thiên chúa giáo khá đông. Phát huy truyền thống đoàn kết, cần cù lao động sản xuất, những năm qua nhân dân đã giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội.

Trứng là một trong những mặt hàng có nguy cơ nhiễm mê-la-min.

Ngày 7-12, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, trước tình hình Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến nghị giới hạn an toàn của mê-la-min đối với cơ thể người ở mức 0,2 mg mê-la-min/kg thể trạng, Bộ Y tế Việt Nam cũng đang chuẩn bị các bước đầu tiên nhằm xây dựng giới hạn an toàn của mê-la-min trong thực phẩm tại Việt Nam.

Tin từ Sở Xây dựng Bạc Liêu ngày 6.12, ông Trần Trinh Đức - con trai của "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy (hiện đang cư ngụ tại TP.HCM) vừa gửi đơn đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét hỗ trợ cấp một căn nhà cho gia đình để ổn định cuộc sống và có điều kiện thờ cúng ông bà ở quê hương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục