Nữ bí thư chi bộ đi đầu chống AIDS

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/3/2010 | 2:52:56 PM

YBĐT - Tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám đứng ra chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền của chị Hà Thị Vân chẳng phải bất cứ bí thư chi bộ cơ sở nào cũng làm được, đặc biệt là những cơ sở, những địa bàn đang là “điểm nóng” về sự lây lan của đại dịch AIDS.

Đông đảo các thành viên của Câu lạc bộ thân nhân người nhiễm HIV/AIDS xã Nghĩa Lợi tham dự buổi sinh hoạt hàng tháng tại thôn Chao Hạ 2.
Đông đảo các thành viên của Câu lạc bộ thân nhân người nhiễm HIV/AIDS xã Nghĩa Lợi tham dự buổi sinh hoạt hàng tháng tại thôn Chao Hạ 2.

“... Có lẽ chưa bao giờ, người nông dân ở một xã thuần nông như Nghĩa Lợi phải chịu nhiều gánh nặng đến thế. Những tưởng sống giữa vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn nhất, nhì Tây Bắc, họ chỉ biết đến hạt bắp, củ khoai, bãi rau, ruộng lúa. Vậy mà hôm nay, từ phụ nữ đến nam giới, từ trẻ em cho đến người cao tuổi ở xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), ngoài chống hạn cho lúa, chống ngập cho màu còn phải gồng mình chống lại căn bệnh AIDS...”.  Thực trạng ấy đã khiến nữ Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ 1, 2 quyết định phải vào cuộc.

Bắt đầu từ những bức xúc ...

Từ những năm 2005 - 2006, trên địa bàn của xã Nghĩa Lợi - nhất là ở hai thôn Chao Hạ 1 và Chao Hạ 2 - tự nhiên có nhiều thanh niên tuổi còn rất trẻ bị tử vong mà không ai rõ nguyên nhân. Trước khi mất, tất thảy trong số họ đều đã đi bệnh viện và đều được trả về với lý do “không chữa được” gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong các gia đình và cộng đồng dân cư. Nhiều phụ nữ tuổi chưa đến ba mươi đã phải khăn trắng địu con ra đồng làm thuê, làm mướn vì người chồng trong độ tuổi lao động sớm từ giã gia đình “về với tổ tiên”. Một người, hai người rồi ba, bốn người cứ như thế bỏ bản ra đi, để lại nỗi đau cho vợ, con và người thân không gì bù đắp...

Trước thực trạng đó, với vai trò là Bí thư Chi bộ của hai thôn, chị Hà Thị Vân đã tổ chức cuộc họp Chi bộ lấy ý kiến của 11 đảng viên rồi trực tiếp đề nghị lên Hội Phụ nữ thị xã và Trung tâm Y tế thị xã xem xét nguyên nhân những cái chết của một số thanh niên trong bản. Sau đó, ngành y tế tỉnh đã cử đoàn công tác đến địa bàn thôn, lấy ngay nhà riêng của Bí thư Chi bộ Hà Thị Vân làm địa điểm để khám, xét nghiệm miễn phí cho hơn 30 người dân tại 3 thôn của xã Nghĩa Lợi là Chao Hạ 1, Chao Hạ 2 và thôn Sang Hán. Kết quả đã phát hiện 8 đối tượng bị nhiễm vi rút HIV/AIDS. Vậy là đã rõ. Căn bệnh mà người dân nông thôn vùng cao chỉ nghe nói hư hư thực thực “hát hò cái gì đó nguy hiểm lắm” giờ đã lây lan và len lỏi vào cuộc sống vốn bình yên của họ.

Tiếp theo đó là một không khí nặng nề, dẫu không cụ thể, không ồn ào nhưng thật ghê gớm, ngày đêm âm thầm bao trùm khắp mọi mái nhà của các thôn, bản trong xã. Thôn nọ đồn sang thôn kia, nhà này nhìn nhà khác bằng những ánh mắt kinh sợ và đầy lo lắng, dò xét. Đặc biệt, những người bệnh đang có triệu chứng giống hệt các thanh niên đã chết trước đó: người tụt cân, không ăn uống được, xuất hiện những mụn nước lạ... thì  ngay cả đến người thân trong gia đình cũng thấy “cần phải cách ly, kẻo ngộ nhỡ...”.

Cấp ủy, chính quyền cùng vào cuộc

Cũng là một người vợ, người mẹ, cùng chung tâm trạng xót xa khi hội viên của mình có người thân mất vì căn bệnh AIDS, nữ Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ 1, 2 - chị Hà Thị Vân luôn đau đáu với hàng loạt câu hỏi của người dân trong thôn và các hội viên phụ nữ. HIV đã xuất hiện ở thôn của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thì có xuất hiện ở thôn của chúng tôi không? Chẳng lẽ, cứ để cho đàn ông trong thôn chết dần, chết mòn như vậy sao? Phải có cách gì đi chứ Bí thư? Nếu chồng em cũng bị AIDS mà gia đình em không có tiền thì phải làm thế nào đây? v.v... và v.v... Có trường hợp như chị Lò Thị T, sinh năm 1979, chồng bị nhiễm HIV cũng không ngần ngại đến tận nhà Bí thư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỏi và xin tham gia sinh hoạt để bảo vệ và phòng, tránh lây nhiễm cho 3 đứa con. Chị T tâm sự: “Là thân nhân của người nhiễm HIV, tất cả chúng tôi đều gửi gắm và tin tưởng vào cô Vân, nhờ cô Vân giúp đỡ để được vay vốn làm ăn và nuôi con đi học”.

Sau nhiều đêm trằn trọc, chị Vân quyết định báo cáo cấp ủy, chính quyền xã để các cấp chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng vào cuộc, giúp nông dân đấu tranh chống HIV/AIDS. Và chị đã mạnh dạn đề xuất phương án thành lập một câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương, lấy tên là Câu lạc bộ thân nhân người nhiễm HIV/AIDS xã Nghĩa Lợi do chính chị đứng ra làm Chủ nhiệm.

Khi được hỏi lý do vì sao chị lại đứng ra đảm nhận trách nhiệm này, chị Vân cười hồn hậu: “Xét về khía cạnh chị em, mình là Chủ tịch Hội Phụ nữ, xét về Đảng thì mình lại là Bí thư Chi bộ. Lòng dân có yên, có tin thì Chi bộ mới mạnh. Còn xét về địa phương, thôn mình là thôn có nhiều người bị nhiễm HIV nhất. Mình phải thực sự vào cuộc thì chị em mới tin tưởng, yên tâm và xóa bỏ mọi mặc cảm, tự ti khi tham gia sinh hoạt”. Chợt chị lặng đi và dõi mắt ra xa: “Có lẽ, chưa bao giờ người nông dân ở một xã thuần nông như Nghĩa Lợi phải chịu nhiều gánh nặng đến thế. Những tưởng sống giữa vùng lòng chảo Mường Lò rộng lớn nhất, nhì Tây Bắc, họ chỉ biết đến hạt bắp, củ khoai, bãi rau, ruộng lúa. Vậy mà hôm nay, từ phụ nữ đến nam giới, từ trẻ em cho đến người cao tuổi ở xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ), ngoài chống hạn cho lúa, chống ngập cho màu còn phải gồng mình chống lại căn bệnh AIDS... Mình phải vào cuộc thôi, chứ không thể là ai khác được”.

Giọng nói của người phụ nữ 45 tuổi vốn dịu dàng, mềm mại ấy bỗng trở nên kiên quyết. Tôi hiểu và thầm cảm phục sự quyết đoán ấy của người nữ Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ! Tinh thần dám nghĩ, dám làm và dám đứng ra chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền của chị Hà Thị Vân chẳng phải bất cứ bí thư chi bộ cơ sở nào cũng làm được, đặc biệt là những cơ sở, những địa bàn đang là “điểm nóng” về sự lây lan của đại dịch AIDS.

Chị Hà Thị Vân (ngoài cùng bên phải) đang trao đổi với chị Lò Thị T và Trần Thị H.

Thành công ngoài mong đợi 

Vậy là tháng 3 năm 2007, Câu lạc bộ thân nhân người nhiễm HIV/AIDS của xã Nghĩa Lợi được thành lập nhờ vào sự năng động và nhiệt tình ấy của người nữ Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ 1, 2. Ban đầu, Câu lạc bộ có 15 thành viên tham gia, trong đó có 2 người nhiễm HIV, 8 người là thân nhân của người nhiễm HIV/AIDS, còn lại là những người có uy tín trong cộng đồng như: cán bộ phụ nữ, trưởng bản, công an viên và Bí thư Chi bộ trực tiếp làm Chủ nhiệm. Dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Vân, mỗi tuần, Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt một lần, nội dung tập trung chủ yếu vào công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, nguy cơ lây nhiễm tại các “điểm nóng” và đặc biệt là tuyên truyền về chống phân biệt, đối xử, kỳ thị với người có HIV trong cộng đồng dân cư.

Chúng tôi có mặt tại thôn Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi và cùng tham dự một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ do chị Hà Thị Vân chủ trì. Số người đến tham dự đông hơn chúng tôi tưởng rất nhiều - 35 người cả thảy. Bí thư Vân giải thích: “Số thành viên của Câu lạc bộ năm nay tăng hơn hai lần rồi. Bà con được tuyên truyền, hết mặc cảm và tự giác tham gia rất đông”. Lướt nhanh một lượt, tôi thấy có rất nhiều bà con dân tộc Thái đến dự. Đàn ông có, người già có, phụ nữ có, trẻ em cũng có.

Dưới ngôi nhà sàn mát rượi, hoa quả, bánh kẹo mà chị Vân mua sẵn được các chị em trong Câu lạc bộ bày ra từng mâm nhỏ. Bắt đầu là nội dung sinh hoạt chung của cả thôn; là tuyên truyền các chính sách thuế, thời gian thu, nộp; là nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của các đảng viên trong mọi phong trào phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đó là nội dung sinh hoạt của Câu lạc bộ với những việc đã làm được, chưa làm được, số người bị nhiễm HIV mới phát hiện, người mới chuyển giai đoạn AIDS, số người đăng ký đi làm xét nghiệm CD4... đều được Chủ nhiệm Vân điều hành cụ thể đâu ra đấy. 

Quả thật, có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cho tới các tổ chức đoàn thể cùng sự năng động, nhiệt tình của người nữ Bí thư Chi bộ thôn Chao Hạ, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS ở Nghĩa Lợi đã được cụ thể hóa thành nghị quyết và triển khai thực hiện tới từng chi bộ thôn, bản và đạt kết quả đáng ghi nhận. Qua ba năm hoạt động, Câu lạc bộ thân nhân người nhiễm HIV/AIDS xã Nghĩa Lợi đã tổ chức hơn 80 buổi sinh hoạt trên địa bàn xã; 10/10 thôn, bản đều được truyền thông về công tác phòng, chống HIV/AIDS với khoảng 3.400 người tham gia. Riêng chị Vân còn trực tiếp phối hợp với cán bộ y tế thị xã Nghĩa Lộ đến từng thôn, bản để tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống HIV/AIDS cho từng hộ gia đình có người thân nhiễm bệnh. Chị Vân cho biết, bản thân chị đã trực tiếp tư vấn cho 150 lượt người tự nguyện đi xét nghiệm HIV và khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Qua đó, có 14/18 trường hợp đã đi làm xét nghiệm CD4 và 10 trường hợp trong số này đã được dùng thuốc điều trị ARV của chương trình. Ngoài ra, chị vận động bà con ở thôn Chao Hạ 1, Chao Hạ 2 quyên góp ủng hộ 1,2 triệu đồng giúp hai mẹ con chị Lò Thị Khía có chồng bị chết vì AIDS đi làm xét nghiệm tại Hà Nội và giúp một cặp vợ chồng trẻ trong thôn bị nhiễm HIV/AIDS có con nhỏ dưới sáu tháng tuổi hơn 850 ngàn đồng mua sữa hộp nuôi con. Chị Trần Thị H, sinh năm 1981 ở xã Nghĩa Lợi - một bệnh nhân của căn bệnh thế kỷ do lây nhiễm từ chồng cảm kích nói: “Nhờ có chị Vân và các bác lãnh đạo mà cả 6 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS trong xã có hoàn cảnh khó khăn được hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng. Thật là may cho họ quá!”.

Vâng, thật là may! Nhưng không chỉ may cho riêng 6 người ấy mà cả hàng trăm hộ dân nghèo ở thôn Chao Hạ 1, 2 của xã Nghĩa Lợi thật may mắn vì có một người con ưu tú, một nữ Bí thư Chi bộ giỏi giang chẳng những tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo mà còn tận tâm tận lực, xung kích đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS đầy cam go, khốc liệt hôm nay.

Thanh Hương

Các tin khác
Rừng thông và trẩu 7 năm tuổi bị cháy.

Theo ông Nguyễn Thế Hả, Hạt phó hạt Kiểm lâm Hướng Hoá (Quảng Trị), cho biết, ngày 15/3/2010 tại tiểu khu 692, thôn Ruộng, xã Hướng Tân đã xảy ra cháy lớn làm thiệt hại trên 30 ha cây rừng.

Công nhân Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Yên Bái trong giờ lao động. (Ảnh: Tô Anh Hải).

YBĐT - Để giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động ở Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Báiv à bảo đảm môi trường trên địa bàn các phân xưởng sản xuất, hàng năm doanh nghiệp thường xuyên phối hợp với công đoàn cơ sở (CĐCS) có nhiều nội dung, hình thức hoạt động thực hiện mục tiêu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty TNHH Yên Phú, huyện Yên Bình - ảnh minh họa.
(Ảnh: Thu Chung)

YBĐT - Theo số liệu thống kê, năm 2009 toàn tỉnh Yên Bái đã tạo ra được 17 nghìn việc làm mới, một kết quả rất đáng khích lệ. Tuy vậy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn ở mức cao và yêu cầu giải quyết việc làm cho người lao động luôn cấp thiết.

YBĐT - Sáng ngày 16/3/2010, Tỉnh Đoàn và Viễn thông (VNPT) Yên Bái đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa Tỉnh đoàn và VNPT Yên Bái giai đoạn 2010-2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục